Vì sao nói tiếp thị là một hệ sinh thái của doanh nghiệp?
Trong môi trường kinh doanh năng động ngày nay, tiếp thị được nhiều người ví von như một “hệ sinh thái” luôn không ngừng lớn mạnh và nuôi dưỡng, hoàn thiện và nâng tầm các hoạt động doanh nghiệp. Sự so sánh này không phải để thổi phồng vai trò của tiếp thị trong doanh nghiệp mà thực chất là phản ánh bản chất phức tạp và tính liên kết của các chiến lược tiếp thị hiện đại trong tất cả các công đoạn vận hành của bộ máy doanh nghiệp.
Trên thực tế, giống như một hệ sinh thái tự nhiên bao gồm nhiều sinh vật và yếu tố tương tác và phụ thuộc vào nhau để tồn tại, hệ sinh thái tiếp thị bao gồm nhiều thành phần hoạt động cùng nhau để đạt được các mục tiêu chung. Bài viết ngày hôm nay sẽ khám phá khái niệm về hệ sinh thái tiếp thị, các thành phần của nó và lý do tại sao phép so sánh này đặc biệt phù hợp.
Mọi thành phần đều được liên kết với nhau
Cốt lõi của một hệ sinh thái tiếp thị chính là sự liên kết giữa các thành phần bên trong nó. Bao gồm nhiều kênh và công cụ tiếp thị khác nhau như hệ thống phương tiện truyền thông xã hội, quảng cáo, tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO), v.v., một hệ sinh thái tiếp thị cho phép doanh nghiệp triển khai đồng nhất, tổng thể, đồng thời, tạo điều kiện cho các bộ phận này bổ trợ cho nhau. Như chúng ta vẫn biết, hiệu quả của tiếp thị thường phụ thuộc nhiều vào mức độ tích hợp các bộ phận, mức độ đầu tư, sự dồi dào của các nguồn lực nội tại của doanh nghiệp trước khi xét đến mức độ cạnh tranh, điều kiện, tình trạng và xu hướng chung của thị trường.
Ví dụ, nội dung trên trang web của doanh nghiệp được tạo ra cho mục đích SEO và chia sẻ trên các phương tiện truyền thông xã hội hoàn toàn có thể xuất hiện trong các bản tin email hay thậm chí là quảng cáo trả theo lượt nhấp (PPC), v.v. Sự kết nối giữa các kênh này đảm bảo rằng thông điệp mà doanh nghiệp lựa chọn truyền tải có sự nhất quán trên mọi nền tảng, từ đó củng cố và nâng cao nhận diện thương hiệu, xây dựng, duy trì và củng cố sự gắn kết với khách hàng. Ngoài ra, chính những dữ liệu thu thập được từ một kênh trong mạng lưới cũng có thể cung cấp thông tin quan trọng, có ích cho các chiến lược ở kênh khác, từ đó tạo ra vòng phản hồi liên tục, giúp doanh nghiệp cải thiện các nỗ lực tiếp thị một cách toàn diện. Theo báo cáo của HubSpot, có tới 72% các doanh nghiệp đối tác của họ khẳng định rằng chiến lược tiếp thị tổng thể hiệu quả hơn khi sử dụng hợp lí chiến lược kết hợp kênh.
Bản chất năng động và liên tục phát triển
Bản chất của một hệ sinh thái tiếp thị là tính năng động và liên tục phát triển của nó. Điều này tương đồng với tiếp thị khi nó liên tục vận động và biến hoá bởi tác động từ các xu hướng, cập nhật, công nghệ, nền tảng mới, đồng thời tư duy và hành vi của người tiêu dùng cũng liên tục định hình lại bối cảnh tiếp thị. Ví dụ, trong những năm gần đây, sự bùng nổ của các nền tảng truyền thông xã hội tập trung vào hình ảnh, âm thanh và sự trẻ trung như Instagram hay TikTok đã thay đổi đáng kể cách các thương hiệu tương tác với đối tượng mục tiêu của họ. Đỉnh điểm là năm 2021, TikTok “vượt mặt” Google để trở thành trang web được truy cập nhiều nhất trên Internet; điều này không chỉ cho chúng ta thấy tiềm năng mạnh mẽ của TikTok mà còn cho thấy đây là một kênh giao tiếp quan trọng trong tiếp thị kĩ thuật số hiện đại.
Tương tự, thời gian gần đây, chúng ta cũng “ngộp thở” trong những ma trận thông tin từ “cơn sốt” trí tuệ nhân tạo (AI). Việc áp dụng công nghệ máy học giờ đây đã trở thành điều cần thiết trong nhiều ngành nghề, giúp cải thiện năng suất lao động, cắt giảm chi phí và thúc đẩy sự tiến bộ trong xã hội. Trong tiếp thị, sự ra đời liên tục các công cụ mới phục vụ nhu cầu phân tích dữ liệu và phân khúc thị trường đã góp phần mạnh mẽ trong việc đẩy mạnh hơn nữa vai trò của tiếp thị kĩ thuật số. Ngoài ra, các công cụ hỗ trợ có tích hợp AI như chatbot cũng giúp nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng và dự đoán hành vi của người tiêu dùng.
Chính bản chất luôn thay đổi này của hệ sinh thái tiếp thị đòi hỏi các doanh nghiệp phải giữ được sự nhanh nhẹn của mình để liên tục thích ứng. Các nhà tiếp thị ngày nay được yêu cầu phải am hiểu về các xu hướng và công nghệ, đồng thời phải luôn cập nhật các thông tin này cho chiến lược tiếp thị nhằm khuếch đại hiệu suất và gia tăng năng lực cạnh tranh. Trong một nôi trường năng động như vậy, các doanh nghiệp cũng được kêu gọi tạo điều kiện để thúc đẩy sự đổi mới, thử nghiệm các chiến lược và công cụ mới nhằm thu hút đối tượng mục tiêu hiệu quả hơn. Trong một nghiên cứu của Deloitte, hãng này cho biết các công ti áp dụng chuyển đổi kỹ thuật số trung bình gia tăng tới 26% tỉ suất lợi nhuận so với các công ti cùng ngành chưa áp dụng.
Tiếp cận thị trường theo hướng toàn diện
Trong một chiến lược tiếp thị, không bộ phận nào có thể hoạt động riêng lẻ mà đem lại hiệu quả cao. Nhà tiếp thị cần có một cách tiếp cận toàn diện. Thay vì xử lí từng kênh với các biện pháp riêng lẻ, các doanh nghiệp cần tích hợp chúng vào với nhau để tạo ra một chiến lược tiếp thị đề cao sự liền mạch và gắn kết. Cách tiếp cận toàn diện này đảm bảo rằng tất cả các thành phần của hệ sinh thái tiếp thị cùng nhau hướng tới một mục tiêu chung, từ đó nâng cao hiệu quả chung của các nỗ lực tiếp thị theo hướng chiến thuật này bổ trợ cho chiến thuật khác. Theo nghiên cứu của Omnisend, các chiến dịch tiếp thị sử dụng ba kênh trở lên có tỉ lệ mua hàng cao hơn 287% so với các chiến dịch sử dụng một kênh duy nhất.
Hiệu quả đến từ sự cộng hưởng
Cần khẳng định lại rằng sức mạnh của hệ sinh thái tiếp thị đến từ sự cộng hưởng. Khi tất cả các bộ phận của hệ sinh thái cùng nhau làm việc, chúng sẽ tạo ra sự cộng hưởng có thể dẫn đến hiệu quả và hiệu suất cao hơn. Ví dụ, nội dung được tạo cho một kênh có thể được sử dụng lại cho các kênh khác, giúp tối đa hóa tác động của từng nội dung.
Như đã nói đến bên trên, sự kết hợp nhiều bộ phận này giúp mở rộng vùng thu thập dữ liệu, tạo điều kiện cho khâu phân tích dữ liệu làm việc chính xác, hiệu quả hơn. Từ dữ liệu đa kênh, doanh nghiệp có thể hiểu rõ hơn về khách hàng và hành vi của họ, nâng cao hiệu quả nhắm mục tiêu và đẩy mạnh mức độ cá nhân hóa, từ đó cải thiện đáng kể tỉ lệ chuyển đổi cũng như mức độ hài lòng của khách hàng. Theo McKinsey, việc áp dụng cá nhân hóa trong tiếp thị có thể mang lại tỉ suất hoàn vốn (ROI) gấp từ 5 đến 8 lần cho chi tiêu tiếp thị và thúc đẩy doanh số tăng từ 10% trở lên.
Làm sao để hệ sinh thái tiếp thị hoạt động hiệu quả?
Xem khách hàng là trung tâm
Nguyên tắc để một hệ sinh thái tiếp thị có thể hoạt động hiệu quả là phải đặt khách hàng vào vị trí trung tâm. Hệ sinh thái phải vận động xung quanh khách hàng, kết nối chặt chẽ với họ để giữ được sự am hiểu và đem lại các trải nghiệm tuyệt vời. Việc một thương hiệu có thể tạo ra nhiều trải nghiệm được cá nhân hóa một cách hấp dẫn cho khách hàng của mình giúp cho tình yêu thương hiệu được củng cố và phát triển, từ đó giúp sức mạnh nội tại của thương hiệu được khuếch đại và biến khách hàng trở thành những đại sứ cho chính mình. Cần nhớ rằng việc tập trung vào khách hàng này rất quan trọng trong thị trường cạnh tranh ngày nay khi mà người tiêu dùng ngày càng có xu hướng “tham lam” hơn và mong đợi các thương hiệu hiểu được nhu cầu và sở thích của họ. Theo Salesforce, trong khảo sát người tiêu dùng tại Mỹ, báo cáo cho biết có tới 76% người được hỏi mong đợi các công ti tự hiểu được nhu cầu và kì vọng của họ.
Ví dụ, một thương hiệu có thể sử dụng dữ liệu mà họ thu thập được từ các tương tác trên mạng xã hội để sử dụng cho các chiến dịch tiếp thị qua email với thông điệp có liên quan và được cá nhân hóa nhằm kêu gọi sự gắn kết của khách hàng. Tương tự, thông tin về hoạt động duyệt web, mua sắm của họ trên website của thương hiệu được thu thập và phân tích nhằm tối ưu hóa hiệu quả SEO và PPC, từ đó phân phối hiệu quả nội dung và quảng cáo tới khách hàng hơn, đúng với nhu cầu và kì vọng của họ hơn.
Linh hoạt cân nhắc các lợi ích và thách thức
Một trong những thách thức chính khi vận hành một hệ sinh thái tiếp thị là doanh nghiệp phải dành nhiều nỗ lực hơn trong việc quản lí và điều phối hoạt động các kênh và công cụ hiệu quả. Để làm được điều này, doanh nghiệp phải có được đội ngũ trình độ cao và có khả năng phối hợp nhuần nhuyễn, đồng thời luôn giữ được nhịp độ và tính thức thời của mình. Một nghiên cứu của Ascend2 cho biết có tới 63% các nhà tiếp thị ngày nay xác định việc tích hợp dữ liệu là thách thức lớn nhất trong việc tạo ra trải nghiệm khách hàng liền mạch.
Ngoài ra, như có nhắc tới bên trên, do bản chất năng động của hệ sinh thái tiếp thị, doanh nghiệp sẽ cần phải tiêu tốn nhiều nguồn lực hòng liên tục thích ứng và hoạt động tiếp thị hiệu quả. Điều này có nghĩa là doanh nghiệp phải liên tục đầu tư nguồn lực vào các công nghệ mới và đào tạo cho các nhóm tiếp thị. Hơn nữa, khi khối lượng dữ liệu khổng lồ liên tục được cập nhật, việc quản lí và sử dụng những dữ liệu đó hiệu quả cũng là một thách thức không hề nhỏ với bất cứ đội ngũ tiếp thị nào.
Tóm lại, khi xem tiếp thị như một hệ sinh thái, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể tạo ra các chiến dịch tiếp thị gắn kết và hiệu quả hơn, tận dụng được sức mạnh tổng hợp và hiệu quả đến từ việc tích hợp nhiều kênh và công cụ khác nhau. Cách tiếp cận này cũng đặt khách hàng vào vị trí trung tâm, đảm bảo rằng các nỗ lực tiếp thị được cá nhân hóa và hấp dẫn. Tuy nhiên, việc quản lí hệ sinh thái tiếp thị cũng đặt ra một số thách thức nhất định, đòi hỏi mức độ phối hợp, chuyên môn cao và sự thích nghi liên tục. Bất chấp những thách thức này, lợi ích của một hệ sinh thái tiếp thị hoạt động tốt khiến nó trở thành một khuôn khổ có giá trị cho các doanh nghiệp muốn phát triển mạnh mẽ trong thị trường cạnh tranh ngày nay.
Giới thiệu gói nhượng quyền thương mại trung tâm Anh ngữ quốc tế Language Link Academic
Hệ thống nhượng quyền trung tâm Anh ngữ quốc tế của Language Link được thiết kế đặc biệt nhằm đáp ứng nhu cầu của các tổ chức và cá nhân có mong muốn đầu tư vào lĩnh vực giáo dục vẫn đang còn nhiều tiềm năng phát triển. Bên cạnh nguồn thu từ trung tâm tiếng Anh, một số nguồn thu bổ sung bao gồm:
- Chia sẻ hoa hồng dịch vụ du học;
- Bán giáo trình và các khóa học đào tạo giáo viên trực tuyến có bản quyền;
- Các chương trình đào tạo ngoài trung tâm, tiếp cận đến các trường tiểu học và trung học.
Về thương hiệu Language Link Academic
Language Link Academic (LLA) được thành lập năm 1996 tại Hà Nội với tên gọi Language Link Việt Nam, trở thành một trong những đơn vị giáo dục tiếng Anh bản ngữ đầu tiên tại Việt Nam.
Áp dụng công nghệ giáo dục tiêu chuẩn châu Âu, LLA phát triển thành công chương trình đào tạo tiếng Anh hoàn hảo dành cho người Việt và đã sát cánh cùng hàng trăm nghìn học sinh và phụ huynh trong suốt hơn 25 năm qua. Hàng chục chương trình giáo dục đa kênh của LLA ra đời nhằm giúp học sinh người Việt học tiếng Anh tốt hơn, nhanh hơn, sẵn sàng và tự tin viết nên câu chuyện của chính mình không chỉ tại Việt Nam mà bất cứ đâu trên toàn thế giới.
Hệ thống trung tâm Anh ngữ LLA đã có mặt tại 10 tỉnh thành trên toàn quốc và là đối tác lâu năm của Sở Giáo dục và Đào tạo Tp. Hà Nội trong gần 20 năm.
Để nhận tư vấn về gói nhượng quyền, vui lòng để lại thông tin tại đây hoặc gửi email tới địa chỉ franchise@languagelink.edu.vn, hotline: 0989857371.