Vì sao giới trẻ không thích các mạng xã hội đông người?

Sự bùng nổ của mạng xã hội trên toàn cầu đã mang lại cho tất cả các thế hệ (từ thế hệ Im lặng, thế hệ Baby Boomers cho đến thế hệ Thiên niên kỷ, thế hệ Z) một “lối sống song song”. Việc lên mạng, ghé thăm các trang mạng xã hội đã trở thành thói quen trong cuộc sống của nhiều người. Facebook và TikTok là những mạng xã hội dẫn đầu hiện nay với con số người dùng thường xuyên đã vượt qua con số 1 tỉ người. Là những nền tảng hàng đầu, đối tượng người dùng của Facebook và TikTok trải dài từ thanh thiếu niên cho đến người lớn tuổi. Sự đa dạng về nhân khẩu học của các nền tảng này tưởng chừng là một điều tích cực khi gắn kết mọi người ở nhiều lứa tuổi lại với nhau nhưng lại tạo ra xu hướng “di cư” của người dùng trẻ tuổi sang các nền tảng khác, ít phổ biến hơn. Vì sao lại có hiện tượng này? Hãy cùng Language Link tìm hiểu trong bài viết hôm nay.

Người trẻ cảm thấy nhàm chán với các “mạng xã hội già”

Facebook thành lập năm 2004 và bùng nổ vào năm 2009, trong khi đó TikTok thành lập năm 2016 và bùng nổ năm 2019. Nếu nói rằng Facebook đã “già” vì sắp tròn 20 tuổi âu cũng có lí nhưng TikTok chưa hoạt động được 10 năm nên còn quá sớm để nói về tuổi tác với nền tảng này. Tuy nhiên, người trẻ lại không nghĩ vậy.

Đặc điểm phổ biến thường thấy của các mạng xã hội là chủ yếu nhắm tới người trẻ. Lượng người dùng trẻ càng lớn, mạng xã hội sẽ càng năng động và có nhiều tiềm năng phát triển. Nhưng khi các mạng xã hội trở nên phổ biến hơn và thu được một lượng người dùng khổng lồ đến từ nhiều lứa tuổi hơn, các nền tảng thường bị đánh giá là “già” đi khi mà người dùng lớn tuổi thường ít hoặc không có đóng góp đáng kể giúp nền tảng duy trì được sự tươi mới. Thêm vào đó, chuyện các thế hệ trước gia nhập nền tảng cũng khiến cho thế hệ trẻ cảm thấy “bớt an toàn” và phải cẩn trọng hơn, không thể thoải mái thể hiện mình vì không muốn bị phán xét.

Cả Facebook và TikTok đều sở hữu hơn 1 tỉ người dùng thường xuyên, cộng đồng người dùng trải dài mọi lứa tuổi, hiển nhiên trong mắt thế hệ trẻ, các nền tảng này đã đủ “già”. Những nền tảng này không còn là “nơi trú ẩn” cho giới trẻ nữa. Điều này thôi thúc họ tìm kiếm những nền tảng mới hoặc ít phổ biến hơn, phù hợp với nhu cầu của họ hơn.

Hướng dẫn cách tìm Facebook qua TikTok siêu đơn giản mà bạn nên biết

Các nền tảng được yêu thích bởi giới trẻ

Bên cạnh Facebook và TikTok, thế hệ trẻ dành nhiều thời gian với các nền tảng có độ tuổi trung bình thấp hơn như Instagram, Snapchat, BeReal, Locket, Discord, v.v.. Điểm chung của các nền tảng này là sở hữu những tính năng được cho là “thiết yếu” và “hấp dẫn” bởi người dùng trẻ.

Instagram và Snapchat được cho là khai sinh và thúc đẩy mạnh mẽ các dạng nội dung tương tác về hình ảnh, video có tính tạm thời. Những nội dung có “hạn sử dụng” được giới trẻ đặc biệt yêu thích. Nhờ vào việc những bài đăng sẽ tự động biến mất, giới trẻ cảm thấy thoải mái hơn khi chia sẻ và tránh né được sự soi mói, phán xét từ người khác. Trong khi đó, BeReal và Locket lại tạo ra chỗ đứng riêng bằng cách thúc đẩy việc chia sẻ nội dung không sử dụng bộ lọc và chỉ cho phép chia sẻ nội dung một cách thân mật, tập trung vào bạn bè thân thiết. Cách tiếp cận này cho phép người dùng cảm thấy thoải mái khi chia sẻ, họ không cần lo lắng khi những nội dung này bị phán xét bởi những người không thân thiết, đồng thời cảm thấy đặc biệt hơn khi được ai đó đưa mình vào “danh sách bạn thân”, từ đó củng cố các mối quan hệ gắn bó bền chặt hơn. Cuối cùng là Discord – nơi “trú ẩn” cho những nhóm người chung sở thích và sự gắn kết sâu sắc – cung cấp một nền tảng giao lưu tuyệt vời cho phép người dùng tụ họp, thảo luận và chia sẻ tự do với đa dạng chủ đề, từ trò chơi điện tử, phim ảnh, giải trí tới học thuật, nghiên cứu, kỹ thuật, xã hội, v.v..

So với Facebook và TikTok, tất cả các nền tảng trên đều ưu tiên việc tạo ra không gian an toàn, riêng tư hơn cho phép người dùng có thể tự do thể hiện bản thân và kết nối với người khác, không bị hoặc ít bị kiểm duyệt, phán xét. Ngoài ra, những nền tảng này cũng có độ thương mại hoá thấp hơn, người dùng trẻ tuổi cảm thấy ít bị làm phiền hơn bởi quảng cáo và những nội dung bán hàng thường bị cho là giả tạo, hời hợt và “xôi thịt”.

Gốc rễ của những cuộc “di cư” kỹ thuật số

Trên thực tế, cũng không thể đổ lỗi hoàn toàn cho các nền tảng khi người dùng trẻ lũ lượt kéo đi. Thực tế, sở thích của người dùng trẻ quá đỗi đa dạng và hiển nhiên dù liên tục cập nhật và hoàn thiện mình hơn, những “gã khổng lồ” như Facebook hay TikTok cũng không thể thoả mãn được hết. Trái với mong đợi của các nền tảng, kết quả nghiên cứu cho thấy phần đông người dùng trẻ ưa trải nghiệm và thích thú với việc sắp xếp các trải nghiệm kỹ thuật số của mình trên các nền tảng khác nhau thay vì tập trung hết trên một nền tảng. Ví dụ, một bạn trẻ sẽ chọn phát trực tiếp thời gian chơi trò chơi điện tử của mình trên Twitch, liên lạc với “đồng đội” hoặc “đồng chí” qua Discord, chia sẻ ảnh ngẫu hứng lên BeReal, theo dõi “crush” trên Locket và nói chuyện với bạn thân qua Snapchat. Mỗi một nền tảng có thế mạnh rõ ràng và hiển nhiên người dùng trẻ biết điều đó, họ không muốn phải có trải nghiệm “tệ” hơn chỉ để tiện lợi hơn.

Ngoài ra, như có đề cập tới bên trên, thế hệ trẻ có mối quan tâm về quyền riêng tư rất lớn khi họ nhận ra họ khó lòng có thể trốn thoát khỏi việc bị theo dõi trên mạng. Họ biết rằng mọi dữ liệu cá nhân của mình là một mặt hàng có giá trị và hoàn toàn có thể bị mang ra buôn bán, khai thác trái phép. Do đó, họ hướng đến đa dạng các nền tảng để phân tán dữ liệu của mình ở nhiều chỗ khác nhau, khiến cho các nền tảng khó lòng khắc hoạ chân dung họ, giúp cho dữ liệu của họ trở nên riêng tư hơn. Ví dụ, Instagram sẽ không thể theo dõi lịch sử xem video của người dùng trên YouTube hay Snapchat không thể biết được người dùng đã trao đổi những gì trên Telegram. Việc sử dụng nhiều nền tảng cho phép người dùng thể hiện các “khuôn mặt” khác nhau trên các nền tảng khác nhau.

Một lí do khác củng cố cho xu hướng “di cư” khỏi những mạng xã hội phổ thông là sự chán ghét hệ thống phân cấp nội dung độc hại, cổ xuý cho việc “câu like”, “câu view”. Những nền tảng “ít ám ảnh” về việc này hơn được yêu thích hơn, giúp người dùng không bị mệt mỏi bởi cuộc ganh đua lên “top xu hướng”. Ngoài ra, những dạng nội dung “tự biến mất” như có đề cập bên trên đặc biệt phù hợp với mong muốn chia sẻ tạm thời, tức thời của thế hệ trẻ. Xu hướng lên ngôi của những dạng nội dung ấy phản ánh nhu cầu được thoát khỏi các thang đo về sự phổ biến, rộng hơn là hướng tới việc coi trọng tính chất tạm thời trong giao tiếp kỹ thuật số.Insights into Latest Social Media Demographics for 2023

Những tác động đáng lưu tâm

Khi người dùng trẻ quyết định “di cư” sang các nền tảng mới nổi, điều này đặt ra một thách thức đa chiều cho những “gã khổng lồ” như Facebook và TikTok. Không chỉ đơn thuần làm thay đổi cấu trúc tháp tuổi của các nền tảng, điều này còn ảnh hưởng mạnh mẽ tới các chiến lược phát triển của họ. Để có thể níu kéo nhóm tuổi quan trọng này, các nền tảng buộc phải tìm ra và tạo ta những tính năng “xu hướng”, “cool ngầu”, “hợp thời” nhằm thu hút sự quan tâm của người trẻ. Chính điều này sẽ khiến cho các thuật toán của nền tảng thay đổi, từ đó ảnh hưởng mạnh tới các nhà sáng tạo nội dung cũng như các nhà quảng cáo trực tuyến. Để tránh bị thua thiệt, họ buộc lòng phải theo kịp những trận sóng này, đồng thời cố gắng gia tăng tương tác với đối tượng khán giả của mình để tránh việc nội dung “cứ ra là xịt”.

Tuy nhiên, việc tìm hiểu và dự đoán được sở thích, xu hướng của người dùng trẻ tuổi không phải là nhiệm vụ đơn giản. Nhiều nền tảng cố gắng gia tăng điểm hấp dẫn cho bản thân bằng cách kí kết các hợp đồng, thoả thuận với những người dẫn đầu xu hướng, có tầm ảnh hưởng như những người nổi tiếng, nghệ sĩ, nhà sáng tạo nội dung, v.v.. Một số công nghệ hiện đại như thực tế tăng cường (AR), thực tế ảo (VR) và trải nghiệm nội dung nhập vai được dự báo có nhiều tiềm năng bùng nổ trở lại. Ngoài ra, việc các nền tảng như Snapchat, Instagram và BeReal tăng tốc cũng cho thấy nhu cầu của giới trẻ về việc tái định hình phong cách giao tiếp theo sở thích. Nhiều người đang hy vọng vào những cải tiến mới của Facebook và TikTok nhằm thoả mãn nhu cầu này.

Giới thiệu gói nhượng quyền thương mại trung tâm Anh ngữ quốc tế Language Link Academic

Hệ thống nhượng quyền trung tâm Anh ngữ quốc tế của Language Link được thiết kế đặc biệt nhằm đáp ứng nhu cầu của các tổ chức và cá nhân có mong muốn đầu tư vào lĩnh vực giáo dục vẫn đang còn nhiều tiềm năng phát triển. Bên cạnh nguồn thu từ trung tâm tiếng Anh, một số nguồn thu bổ sung bao gồm:

  • Chia sẻ hoa hồng dịch vụ du học;
  • Bán giáo trình và các khóa học đào tạo giáo viên trực tuyến có bản quyền;
  • Các chương trình đào tạo ngoài trung tâm, tiếp cận đến các trường tiểu học và trung học.

Về thương hiệu Language Link Academic

Language Link Academic (LLA) được thành lập năm 1996 tại Hà Nội với tên gọi Language Link Việt Nam, trở thành một trong những đơn vị giáo dục tiếng Anh bản ngữ đầu tiên tại Việt Nam.

Áp dụng công nghệ giáo dục tiêu chuẩn châu Âu, LLA phát triển thành công chương trình đào tạo tiếng Anh hoàn hảo dành cho người Việt và đã sát cánh cùng hàng trăm nghìn học sinh và phụ huynh trong suốt hơn 25 năm qua. Hàng chục chương trình giáo dục đa kênh của LLA ra đời nhằm giúp học sinh người Việt học tiếng Anh tốt hơn, nhanh hơn, sẵn sàng và tự tin viết nên câu chuyện của chính mình không chỉ tại Việt Nam mà bất cứ đâu trên toàn thế giới.

Hệ thống trung tâm Anh ngữ LLA đã có mặt tại 10 tỉnh thành trên toàn quốc và là đối tác lâu năm của Sở Giáo dục và Đào tạo Tp. Hà Nội trong gần 20 năm.

Để nhận tư vấn về gói nhượng quyền, vui lòng để lại thông tin tại đây hoặc gửi email tới địa chỉ franchise@languagelink.edu.vn, hotline: 0989857371.