Thương hiệu nhượng quyền Việt Nam đáng giá

Thị trường nhượng quyền thương mại tại Việt Nam được đánh giá là năng động và giàu tiềm năng. Những chuỗi mới được sinh ra mỗi ngày và những chuỗi lớn thu hút được nhiều khoản đầu tư kếch xù. Nhượng quyền thương mại như một con hổ mới của kinh tế Việt! Trong bài viết này, chúng tôi điểm tên 6 thương hiệu nhượng quyền đáng giá nhất tại Việt Nam hiện nay.

1. Highlands Coffee

Ngành dịch vụ ăn uống hay còn gọi là F&B được coi là biểu tượng của nhượng quyền thương mại. Trong ma trận thương hiệu F&B hiện nay, nói riêng về “chiếc bánh vàng” trà – cà phê, không còn phải bàn cãi về việc Highlands Coffee (gọi tắt là Highlands) là chuỗi được yêu thích nhất tại Việt Nam. Vượt trội hơn hẳn các đối thủ cùng phân khúc giá về độ phủ như The Coffee House, Phúc Long tính tới thời điểm hiện tại, Highlands đã có mặt tại hơn 400 địa điểm trên cả nước với những vị trí được đánh giá cao và có doanh thu thuộc “hàng top”. Nói không ngoa, Highlands Coffee là cái tên hàng đầu được nhà đầu tư quan tâm khi muốn tham gia vào thị trường F&B. Theo nhận định của chúng tôi, sức quyến rũ của Highlands đến từ các yếu tố như độ nhận diện cao, độ phủ rộng, phong cách quán vừa hiện đại lại vẫn giữ được những nét truyền thống, thực đơn không phức tạp nhưng chất lượng cao.

Sau hơn 20 năm thành lập, Highlands trở thành một địa điểm phải tới của nhiều người mỗi ngày, đặc biệt là ở hai thành phố lớn nhất nước là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh. Với chiến lược phủ các địa điểm quan trọng như trung tâm thương mại, tòa nhà lớn, khu đô thị, các tuyến phố đông đúc, người ta có thể dễ dàng ghé thăm một trong các địa chỉ của Highlands tại bất cứ đâu trong nội thành hai đô thị này mà không phải di chuyển quá xa. Không gian quán thường tạo độ thoáng và thoải mái, một số địa điểm ưu tiên không gian ngoài trời, một số còn có tầm nhìn hấp dẫn, ấn tượng. Thực đơn của Highlands dựa trên 3 món chính là Cà phê Phin sữa đá, Trà Sen vàng và Freeze Trà xanh rồi mở rộng ra giúp đem lại ấn tượng và tạo được độ nhận diện cao về các món “signature.”

Đối tượng khách hàng của Highlands trải dài từ thanh niên tới trung niên, được cho là tập trung vào giới doanh nhân và nhân viên văn phòng khi tạo nhiều điều kiện cho khách hàng có thể làm việc tại quán. Với không gian tương đối yên tĩnh, khách hàng có thể tập trung làm việc trong quán. Vì tiền đồng mất giá do ảnh hưởng từ kinh tế thế giới, giá bán của Highlands có tăng lên nhưng vẫn duy trì được vị thế nhờ chất lượng ổn định và thường xuyên có các chương trình khuyến mãi, kích thích khách hàng thường xuyên lưu tới.

Chế độ hỗ trợ nhượng quyền của Highlands cũng được đánh giá cao khi Highlands hỗ trợ nhà đầu tư tìm kiếm địa điểm kinh doanh thuận lợi, thiết lập và xây dựng quán, chuyển giao công thức và huấn luyện pha chế cũng như vận hành quán bên cạnh quá trình hoàn tất thủ tục kinh doanh theo qui định của pháp luật. Theo tìm hiểu, chi phí ban đầu để trở thành một địa chỉ thuộc chuỗi Highlands Coffee rơi vào khoảng 3 đến 5 tỉ đồng với phí nhượng quyền hàng tháng là 7% trên doanh và phí quản lí hằng tháng là 5% trên doanh số trong suốt 5 năm đầu.

2. ToCoToCo

Nếu Highlands chiếm thế thượng phong trong cuộc chiến trà – cà phê thì ToCoToCo cũng tỏ ra vượt trội hơn hẳn các đối thủ của mình trong cuộc chiến trà sữa. Cùng phân khúc của ToCoToCo là vô vàn những cái tên không xa lạ đến từ cả trong lẫn ngoài nước với những người yêu trà sữa, điều gì đã giúp ToCoToCo không bị chèn ép và giữ được sức mạnh của mình?

Trà sữa xuất hiện ở Việt Nam từ những năm đầu của thế kỉ XXI. Bắt đầu với những thương hiệu nhỏ lẻ theo phong cách trà sữa Đài Loan, chỉ vài năm sau, trà sữa trở thành thức uống được ưa chuộng hàng đầu của giới trẻ. Trào lưu trà sữa hạ nhiệt cuối những năm 2000 và bùng nổ trở lại vào năm 2012. Giới trẻ “phát cuồng” với các loại trà sữa mới mang phong cách đa dạng hơn. Là số ít những thương hiệu trà sữa của Việt Nam còn giữ được chỗ đứng và ngày càng phát triển, ToCoToCo dẫn đầu thị trường trà sữa với độ phủ ở hầu khắp các tỉnh thành trên cả nước, dày đặc nhất tại Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh và các thành phố lớn khác.

Các chiến dịch của ToCoToCo tập trung chủ yếu vào việc tặng kèm sản phẩm hoặc giảm giá khi mua sản phẩm tiếp theo. Điều này đánh trúng vào tâm lí của học sinh, sinh viên và những người đi làm trẻ – những đối tượng có sức tiêu thụ trà sữa lớn nhưng lại không có quá nhiều tiền để mua trà sữa với giá bán khoảng 40-50 nghìn đồng/cốc. Theo khảo sát người tiêu dung, ToCoToCo được đánh giá cao về giá cả và các chương trình khuyến mãi, đồng thời lượng sản phẩm có lượng “topping” thuộc “hàng top” cũng khiến nhiều khách hàng ưa thích dù không đậm vị trà và thường quá ngọt so với khẩu vị chung.

Chi phí ban đầu để nhà đầu tư có thể tham gia chuỗi ToCoToCo ước tính vào khoảng 500-600 triệu đồng, trong đó khu vực Hà Nội có giá cao nhất, rơi vào khoảng 650 triệu đồng. Tuy nhiên, vì lợi nhuận trên sản phẩm lớn, nhà đầu tư sẽ nhanh chóng thu hồi được vốn bỏ ra.

3. King BBQ

Nếu Highlands thống trị ngành dịch vụ đồ uống trà – cà phê thì King BBQ là vị vua của giới nhà hàng nướng. Với gần 100 nhà hàng tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh, King BBQ chủ yếu tấn công vào các trung tâm thương mại. Có khoảng 1/3 số nhà hàng của King BBQ là nhà hàng nhượng quyền.

Red Sun định vị đối tượng khách chủ yếu của King BBQ là những người có thu nhập trung bình – cao, thường đi theo nhóm và yêu thích đồ nướng. Vì vậy, thực đơn chính của King BBQ được xây dựng theo hướng ưu tiên buffet, các loại thịt tuy không quá đa dạng nhưng bù lại thực đơn ăn kèm lại gây ấn tượng với phần lớn các thực khách.

Mang hình ảnh đậm nét Hàn Quốc, King BBQ hưởng lợi nhờ sức hút mạnh mẽ của làn sóng văn hóa Hàn Quốc (Hallyu hay Hàn lưu). Việc cho phát các bản nhạc Kpop và thường xuyên cập nhật danh sách phát với những ca khúc nổi tiếng cũng giúp tăng thêm sự yêu thích của giới trẻ đối với King BBQ, duy trì lượng khách trẻ lưu tới nhà hàng nhiều hơn. hỗ trợ tư vấn đầy đủ về mô hình kinh doanh, bí quyết, công thức độc quyền, công nghệ, v.v..

Các chương trình của King BBQ do vậy cũng hướng tới loại khách hàng đi theo nhóm nhiều hơn, đồng thời triển khai hợp tác với nhiều ứng dụng, nền tảng đặt bàn như Now, Pasgo, Jamja nhằm lan truyền mạnh hơn thông điệp truyền thông cũng như các chương trình khuyến mại. Việc áp dụng chuyển đổi số cũng giúp King BBQ quản lí khách hàng của mình tốt hơn, đồng thời xây dựng và củng cố sự gắn kết và yêu thích thương hiệu từ khách thường xuyên hơn.

4. Phở 24

Phở 24 với nhà hàng đầu tiên khai trương vào tháng 6/2003 tại Tp. Hồ Chí Minh bởi ông Lý Quí Trung nhanh chóng trở thành một trong những thương hiệu tiêu biểu trong lĩnh vực nhà hàng Việt. Với số vốn ban đầu chỉ là 1 tỉ đồng, ông Trung với Phở 24 được coi là một trong những câu chuyện nhượng quyền thương mại đầu tiên tại Việt Nam.

Phở là một món ăn bình dân của người Việt, văn hóa phở phát triển ở mọi miền đất nước với nhiều kĩ thuật và phong cách chế biến khác nhau. Ở bất cứ nơi nào trên dải đất chữ S cũng có thể dễ dàng tìm thấy một quán phở ngon. Vì thế, để có được chỗ đứng cho mình, Phở 24 cần tạo ra điểm khác biệt. Ông Trung lí giải tên gọi của Phở 24 như sau: “Gọi là “Phở 24” vì phở của quán được chế biến từ 24 loại nguyên liệu, bao gồm nước, thịt, xương ống, muối, tiêu, đường, nước mắm, hành tây, hành tím, hành lá, đinh hương, gừng, quế, thảo quả, hạt ngò, ngò gai, củ cải trắng, chanh, ớt, ngò rí, bánh phở tươi, rau, quế, giá. Hương vị phở của Phở 24 mang linh hồn của ẩm thực cả ba miền.” Ngoài ra, con số 24 còn tượng trưng cho 24 tiếng trong một ngày, thể hiện tham vọng của ông Trung về việc sẽ biến chuỗi Phở 24 trở thành thương hiệu toàn cầu khi các cửa hàng Phở 24 sẽ không bao giờ đóng cửa trên toàn thế giới.

Chỉ hơn một năm sau khi Phở 24 nổi đình đám tại Sài Gòn, Lý Quí Trung đem thương hiệu này ra Hà Nội và tiếp tục gặt hái thành công. Tuy nhiên, đang lúc phát triển như vũ bão, Phở 24 vấp phải một khó khăn mà hầu hết tất cả các chuỗi F&B thường gặp phải khi mở rộng quá nhanh, đó là vấn đề quản lí. Vì phát triển ồ ạt trong khi quản lý hệ thống chưa tốt, khó khăn về mặt tài chính đã khiến ông Trung buộc phải đóng cửa nhiều nhà hàng. Một số cửa hàng nhượng quyền thì tự ý phá vỡ cấu trúc kinh doanh chung như thêm món ăn không thuộc thực đơn chuẩn, cắt bớt khẩu phần ăn, không bật máy lạnh,… gây ảnh hưởng đến uy tín của cả thương hiệu. Đánh mất bản sắc của mình, còn lựa chọn nào khác, Phở 24 “bán mình” cho Viet Thai International thuộc tập đoàn Jollibee đến từ Phillipines và chính thức chấm dứt giấc mơ thương hiệu Việt toàn cầu của ông Trung.

Dưới bàn tay quản lí của Jollibee, Phở 24 như được hồi sinh. Liên tục mở thêm các địa chỉ mới, hệ thống của Phở 24 đã có khoảng 60 nhà hàng trên khắp cả nước cùng khoảng 20 địa chỉ tại nước ngoài. Năm 2018, ước tính Phở 24 bán ra 5 triệu tô phở tại Việt Nam, Indonesia và Philippines. Cùng với 6 nhà hàng mở mới, năm 2018 ghi nhận kết quả tốt nhất trong vòng 4 năm sau khi được nâng cấp thiết kế nhà hàng cũng như cải tổ mô hình hoạt động hướng tới phục vụ nhanh hơn, cải thiện trải nghiệm cho thực khách. Hiện Phở 24 đã có mặt tại những thành phố lớn trên thế giới như Jakarta (Indonesia), Manila (Philippines), Phnom Penh (Campuchia), Macau, Hong Kong (Trung Quốc) và Tokyo (Nhật Bản).

5. 25 FIT

Một đại diện hiếm hoi đến từ thị trường phòng tập thể hình trong là 25 FIT – chuỗi phòng tập áp dụng công nghệ EMS đầu tiên và chuyên nghiệp nhất tại Việt Nam hiện nay. Phòng tập đầu tiên của 25 FIT khai trương tại Tp. Hồ Chí Minh giữa năm 2019. Với sự khác biệt của mình, 25 FIT nhanh chóng nhận được sự yêu thích và đạt doanh thu “khủng” chỉ sau 3 tháng hoạt động. Thừa thắng xông lên, sau đó nửa năm, 25 FIT mở nhiều cơ sở hơn tại Tp. Hồ Chí Minh trước khi bắt đầu thực hiện mô hình nhượng quyền thương mại của mình. Để chuẩn bị cho bước ngoặt này, 25 FIT chiêu mộ thành công chuyên gia nhượng quyền là bà Nguyễn Phi Vân. Tới nay, 25 FIT đã có mặt tại Hà Nội, Đà Nẵng và Bình Dương với tổng số phòng tập lên tới con số 40 chỉ sau 3 năm, bất chấp ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19 tới thị trường gym.

Điểm khác biệt cốt lõi của 25 FIT so với các chuỗi phòng tập khác là xây dựng được bản sắc cá nhân hóa khi chú trọng công tác tư vấn, hỗ trợ khách hàng tìm hiểu rõ mục tiêu cũng như nhu cầu của bản thân, từ đó xây dựng lộ trình luyện tập nhằm đạt được kì vọng. Với mô hình hoạt động đơn giản nhưng hiệu quả lại không yêu cầu diện tích phòng tập lớn, nhân sự vận hành ít, 25 FIT là một cái tên tiềm năng khi các nhà đầu tư muốn gia nhập thị trường gym mà mong muốn triển khai nhanh chóng và đạt doanh thu cao.

6. Language Link Academic

Thị trường giáo dục, đặc biệt là giáo dục ngôn ngữ tại Việt Nam chưa bao giờ hạ nhiệt. Tầm quan trọng của ngoại ngữ ngày càng được đề cao trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, nhiều dòng ngoại tệ đổ vào nền kinh tế trong nước, tạo ra nhiều công việc cần phải sử dụng ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh. Trong số những tên tuổi lớn và lâu đời trong ngành giáo dục Anh ngữ tại Việt Nam, có thể kể đến những cái tên như British Council (Hội đồng Anh), Apollo English, Anh văn Hội Việt – Mĩ (VUS) và Language Link Academic (LLA).

Là một trong những đơn vị giáo dục tiếng Anh bản ngữ đầu tiên tại Việt Nam, LLA với thương hiệu 47 năm toàn cầu đã phát triển thành công các chương trình đào tạo tiếng Anh có chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế dành cho người Việt. Hàng chục chương trình giáo dục đa kênh của LLA được các chuyên gia giáo dục hàng đầu tại Anh quốc, Mĩ cũng như Việt Nam đánh giá cao và đem lại cho học sinh phương pháp học tiếng Anh tốt hơn và nhanh hơn. Trong hơn 25 năm hoạt động tại Việt Nam, hệ thống trung tâm Anh ngữ LLA đã có mặt tại 10 tỉnh thành trên toàn quốc. Tầm ảnh hưởng của LLA tới nền giáo dục Anh ngữ Việt Nam là không thể tranh cãi khi thương hiệu này là đối tác lâu năm của Sở Giáo dục và Đào tạo Tp. Hà Nội trong gần 20 năm.

Hệ thống nhượng quyền trung tâm Anh ngữ quốc tế của Language Link được thiết kế đặc biệt nhằm đáp ứng nhu cầu của các tổ chức và cá nhân có mong muốn đầu tư vào lĩnh vực giáo dục vẫn đang còn nhiều tiềm năng phát triển. Bên cạnh nguồn thu từ trung tâm tiếng Anh, một số nguồn thu bổ sung bao gồm:

  • Chia sẻ hoa hồng dịch vụ du học;
  • Bán giáo trình và các khóa học đào tạo giáo viên trực tuyến có bản quyền;
  • Các chương trình đào tạo ngoài trung tâm, tiếp cận đến các trường tiểu học và trung học.

Để nhận tư vấn về gói nhượng quyền, vui lòng để lại thông tin tại đây hoặc gửi email tới địa chỉ franchise@languagelink.edu.vn, hotline: 0989857371.