Tính cấp thiết của giáo dục AI cho thế hệ trẻ

Trí tuệ nhân tạo (AI) đã không còn là một khái niệm của tương lai nữa. Ngày nay, AI đã và đang tham gia nhiều hơn vào cuộc sống của con người. Không chỉ xuất hiện dưới dạng các “trợ lý ảo” như Siri hay Alexa, AI trở thành công nghệ cần có trong nhiều thiết bị tân tiến. AI ngày càng chứng tỏ vai trò không thể thiếu trong xã hội hiện đại. Theo báo cáo của PwC, AI được kì vọng sẽ đóng góp tới 15,7 nghìn tỉ đô la vào nền kinh tế toàn cầu trong năm 2030. Chính bởi tiềm năng lớn lao này, việc trang bị cho thế hệ trẻ các kĩ năng làm việc với AI được xem như vô cùng quan trọng.

Có thể nói AI đang thực hiện những cuộc cách mạng đa lĩnh vực. Từ những lĩnh vực nặng số liệu như tài chính tới những lĩnh vực thiên về con người như chăm sóc sức khỏe, lực lượng lao động đang được kì vọng có thể sử dụng thành thạo tiến bộ nhân loại này. Việc tích hợp AI vào các ngành công nghiệp không chỉ là một xu hướng mà là bước phát triển bắt buộc, đòi hỏi sự thay đổi cơ bản các bộ kĩ năng và kiến ​​thức nền tảng trong giáo dục cao cấp. Trong bài viết hôm nay, hãy cùng Language Link tìm hiểu về tính cấp thiết của giáo dục AI cho thế hệ trẻ.

AI cần thiết cho giáo dục và tạo nhiều cơ hội cũng như lợi thế

Khẳng định rằng AI đang ngày càng trở nên quan trọng trong giáo dục khi nó mang lại nhiều lợi ích, không chỉ giúp nâng cao trải nghiệm học tập mà còn tạo dựng cho học sinh, sinh viên sự sẵn sàng để bắt đầu sự nghiệp của mình sau khi rời ghế nhà trường.

Cho phép học sinh, sinh viên được học tập cá nhân hóa thông qua việc điều chỉnh nội dung giáo trình sao cho phù hợp với nhu cầu và thế mạnh của từng cá nhân, AI giúp đẩy nhanh tốc độ phát triển trong học tập, nghiên cứu. Việc ứng dụng AI cũng tạo ra nhiều bước tiến mới trong lĩnh vực xây dựng và phát triển nội dung giáo dục, “thổi hồn” vào những tài liệu học tập, cho phép người học có thể tương tác để ghi nhớ dễ dàng, đồng thời cảm thấy hào hứng hơn khi học tập. Bên cạnh đó, AI còn giải phóng cho các người làm công tác giáo dục giảm bớt áp lực nhờ vào tự động hoá các qui trình, thủ tục, cho phép họ có thể nghỉ ngơi nhiều hơn cũng như tập trung hơn vào công tác giảng dạy.

Ngoài ra, AI còn giúp cho học sinh, sinh viên khuyết tật có thể học tập tốt hơn. Với sự hỗ trợ của AI, học sinh và sinh viên khuyết tật được trao các cơ hội phát triển nhiều hơn các kĩ năng cần thiết cho người đi làm như giao tiếp chuyên nghiệp, tư duy phản biện, giải quyết vấn đề, đồng thời gia tăng khả năng thích ứng của học sinh và sinh viên trong môi trường mới, từ đó giúp họ định hình được con đường sự nghiệp phù hợp.

Bên cạnh đó, AI còn có tiềm năng thu hẹp khoảng cách giáo dục giữa thành thị và nông thôn bằng cách trao quyền cho học sinh, sinh viên ở mọi nơi có thể tiếp cận công nghệ giáo dục chất lượng. Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã và đang nỗ lực thực hiện các sáng kiến ​​sử dụng AI thúc đẩy giáo dục hội nhập và công bằng trên thế giới.

Nhiều nhà giáo dục cho rằng giáo dục hiện đại cần tích hợp giáo dục AI vào chương trình giảng dạy ngay từ các bậc học thấp. Lợi ích từ điều này không chỉ bao gồm việc đẩy mạnh phát triển công nghệ giảng dạy và gia tăng độ phổ biến mà còn thúc đẩy cả sự hoàn thiện các qui chuẩn về tác động đạo đức của nó trong giáo dục và các lĩnh vực khác. Thông qua việc cho phép thế hệ trẻ tiếp cận dễ dàng với AI, họ có thể trở nên chủ động hơn, sẵn sàng hơn cho những thay đổi nhanh chóng từ AI nói riêng và các thành tựu khoa học kĩ thuật mới nói chung, từ đó giúp họ tiếp tục làm chủ và điều hướng hiệu quả xu thế phát triển của xã hội trong thời đại AI.

Một nghiên cứu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới chỉ ra rằng một nửa nhân viên của một tổ chức sẽ cần được huấn luyện hoặc thậm chí đào tạo lại vào năm 2025 nhằm bắt kịp các tiến bộ công nghệ. Điều này nhấn mạnh rằng giáo dục về AI đang trở nên bức thiết và chính điều này đang gây phân hoá thị trường lao động. Nhằm đảm bảo lực lượng lao động được chuẩn bị cho tương lai, người lao động cần được trang bị kiến thức, kĩ năng cần thiết để làm việc với AI nhằm củng cố sức cạnh tranh của mình trên thị trường lao động, duy trì sự ổn định sự nghiệp và thăng tiến. Tương tự, các nền kinh tế chậm bắt nhịp với công nghệ mới được cho là có nguy cơ thiệt hại tới hàng chục tỉ đô la mỗi năm.

Một nghiên cứu khác của LinkedIn chỉ ra rằng nhóm công việc liên quan tới AI hiện đang là một trong những nhóm công việc có tốc độ phát triển nhanh nhất. Các công ti từ nhiều ngành khác nhau đang sục sôi tìm kiếm nhân lực có chuyên môn cao về AI nhằm đổi mới và duy trì lợi thế cạnh tranh của mình. Tại Mĩ, các kĩ sư AI hiện tại đang có mức lương trung bình lên tới 136 nghìn đô la Mĩ/năm (tương đương 3,42 tỉ đồng/năm, tức 285 triệu đồng/tháng). Những vị trí cao cấp thậm chí còn kiếm được nhiều hơn, khoảng 225 nghìn đô la Mĩ/năm (tương đương 5,66 tỉ đồng/năm, tức 472 triệu đồng/tháng).

Giáo dục AI đang bùng nổ trên thế giới

Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã đón đầu xu hướng giáo dục AI bằng cách tích hợp các học phần này vào chương trình giảng dạy của mình. Ví dụ, Trung Quốc đã thí điểm bổ sung các khóa học AI vào chương trình tiểu học và trung học nhằm thúc đẩy các ngành học STEM phát triển. Trường đại học “top đầu” của nước này là Đại học Thanh Hoa cũng rất nổi tiếng với các chương trình đào tạo AI, sánh vai cùng với các trường “top” khác như MIT hay Standford của Mĩ. Một cái tên khác cũng nổi bật và được đánh giá cao là chương trình cao học về học máy và trí tuệ máy của Đại học Cambridge. Chương trình này cung cấp những kiến thức sâu về hầu hết các mảng quan trọng của ngành như kỹ thuật tiên tiến trong học máy, xử lý giọng nói và ngôn ngữ, thị giác máy tính, robot.

Bên cạnh đó, các sáng kiến AI nổi bật như AI4ALL (tạm dịch: Trí tuệ nhân tạo cho mọi người) hứa hẹn sẽ tăng cường phát triển tính đa dạng và độ phổ biến của AI bằng cách cung cấp nguồn lực cho các dự án AI có tiềm năng và tác động tích cực. Thông qua các hoạt động của AI4ALL, số lượng sinh viên lựa chọn theo đuổi các ngành khoa học máy tính tại Mĩ đã gia tăng đáng kể, đáng chú ý, trong chương trình mùa hè của tổ chức này, 92% người tham gia đã quyết định lựa chọn ngành trí tuệ nhân tạo trong các trường đại học.Các chương trình mùa hè của AI4ALL đã chứng kiến sự gia tăng 92% số học viên muốn lấy tấm bằng khoa học máy tính.

Thị trường AI trong giáo dục toàn cầu từng được định giá gần 1 tỉ đô la vào năm 2019 và dự kiến ​​sẽ đạt 3,7 tỉ đô la vào năm 2025, phản ánh nhu cầu ngày càng gia tăng đối với các giải pháp học tập sáng tạo. Ở Vương quốc Anh và khu vực Bắc Mĩ, hiện có từ 50-67% học sinh và giáo viên trung học sử dụng AI để làm bài tập hay lập kế hoạch bài giảng trong trường học. Canada trong vài năm trở lại đây nổi lên như một quốc gia dẫn đầu về các giải pháp giáo dục AI và nắm giữ thị phần cao nhất vào năm 2021. Xu hướng toàn cầu này nhấn mạnh tiềm năng chuyển đổi của AI trong việc nâng cao trải nghiệm học tập và kết quả giáo dục. Tiến sĩ Fei-Fei Li của Đại học Stanford là một nhà nghiên cứu AI nổi tiếng ủng hộ việc tích hợp giáo dục AI vào chương trình giảng dạy ở trường nhằm giúp các em chuẩn bị tốt hơn cho sự nghiệp trong tương lai. Bà lập luận rằng trong thời đại kĩ thuật số, việc hiểu biết và sử dụng thành thạo AI cũng quan trọng như học đọc và viết. Tầm nhìn của Tiến sĩ Li và cộng sự đã ảnh hưởng đến nhiều chính sách giáo dục tại nhiều bang ở Mĩ, đặc biệt là chương trình giảng dạy AI cho các trường mẫu giáo và phổ thông tại California.

Một cuộc khảo sát gần đây của Gallup và Google cho thấy có tới 60% phụ huynh tin rằng khoa học máy tính, bao gồm cả AI, nên là môn bắt buộc ở trường học. Hơn nữa, việc cho phép học sinh tiếp xúc với khoa học máy tính từ sớm cũng tạo ra nhiều cơ hội cho các em để theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, từ đó làm nổi bật tác động của giáo dục sớm đối với các lựa chọn nghề nghiệp. Trên thực tế, một thống kê tại Mĩ cho thấy có tới 74% học sinh lựa chọn học khoa học máy tính ở trường trung học tiếp tục lựa chọn học ngành này ở các bậc học cao hơn.

Như vậy, có thể thấy rằng việc giáo dục thế hệ trẻ về AI nói riêng và các công nghệ mới nói chung là rất quan trọng trong kỉ nguyên mới. Bằng cách đầu tư vào giáo dục AI, chúng ta không chỉ chuẩn bị tốt hơn cho thế hệ trẻ, giúp họ sẵn sàng hơn trong việc xây dựng sự nghiệp trong tương lai mà còn bồi dưỡng họ trở thành một thế hệ có năng lực giải quyết nhiều thách thức cấp bách của thế giới bằng cách tận dụng song song với phát triển các giải pháp công nghệ mới sáng tạo hơn, hiệu quả hơn trong việc cải tạo thế giới, bảo vệ xã hội.

Giới thiệu gói nhượng quyền thương mại trung tâm Anh ngữ quốc tế Language Link Academic

Hệ thống nhượng quyền trung tâm Anh ngữ quốc tế của Language Link được thiết kế đặc biệt nhằm đáp ứng nhu cầu của các tổ chức và cá nhân có mong muốn đầu tư vào lĩnh vực giáo dục vẫn đang còn nhiều tiềm năng phát triển. Bên cạnh nguồn thu từ trung tâm tiếng Anh, một số nguồn thu bổ sung bao gồm:

  • Chia sẻ hoa hồng dịch vụ du học;
  • Bán giáo trình và các khóa học đào tạo giáo viên trực tuyến có bản quyền;
  • Các chương trình đào tạo ngoài trung tâm, tiếp cận đến các trường tiểu học và trung học.

Về thương hiệu Language Link Academic

Language Link Academic (LLA) được thành lập năm 1996 tại Hà Nội với tên gọi Language Link Việt Nam, trở thành một trong những đơn vị giáo dục tiếng Anh bản ngữ đầu tiên tại Việt Nam.

Áp dụng công nghệ giáo dục tiêu chuẩn châu Âu, LLA phát triển thành công chương trình đào tạo tiếng Anh hoàn hảo dành cho người Việt và đã sát cánh cùng hàng trăm nghìn học sinh và phụ huynh trong suốt hơn 25 năm qua. Hàng chục chương trình giáo dục đa kênh của LLA ra đời nhằm giúp học sinh người Việt học tiếng Anh tốt hơn, nhanh hơn, sẵn sàng và tự tin viết nên câu chuyện của chính mình không chỉ tại Việt Nam mà bất cứ đâu trên toàn thế giới.

Hệ thống trung tâm Anh ngữ LLA đã có mặt tại 10 tỉnh thành trên toàn quốc và là đối tác lâu năm của Sở Giáo dục và Đào tạo Tp. Hà Nội trong gần 20 năm.

Để nhận tư vấn về gói nhượng quyền, vui lòng để lại thông tin tại đây hoặc gửi email tới địa chỉ franchise@languagelink.edu.vn, hotline: 0989857371.