Thương mại điện tử có tạo ra sự thoái trào của các cửa hàng uỷ quyền?

Ngành công nghiệp bán lẻ trên thế giới đã từng rất ưa chuộng loại hình uỷ quyền phân phối. Trong nhiều thập kỉ, các cửa hàng uỷ quyền trở thành những mắt xích không thể thiếu trong chuỗi phân phối hàng hoá của tất cả các hãng bán lẻ (B2C) trên qui mô toàn thế giới. Thế nhưng, điều này không còn đúng nữa, ngành bán lẻ toàn cầu đã và đang trải qua một sự thay đổi lớn.

Khi thương mại điện tử xuất hiện và khoác lên ngành bán lẻ một khuôn mặt mới, hành vi của người tiêu dùng đã không còn như xưa. Dễ dàng nhận thấy cách chúng ta tư duy, cân nhắc và lựa chọn mua sắm đã vượt ra ngoài các thành trì truyền thống như các cửa hàng uỷ quyền. Người tiêu dùng ngày càng yêu thích thương mại điện tử hơn, khiến các cửa hàng uỷ quyền ngày càng suy giảm như nhiều người nhận định. Trong bài viết hôm nay, hãy cùng Language Link tìm hiểu sâu hơn về hiện tượng này cũng như định hướng phát triển ngạch phân phối của các hãng tiêu dùng trên thế giới và tại châu Á.

Thương mại điện tử bùng nổ và cuộc cách mạng thị trường bán lẻ

Không thể phủ nhận rằng thương mại điện tử đang dẫn đầu trong cuộc cách mạng ngành bán lẻ toàn cầu khi mà năm 2020, doanh số thương mại điện tử toàn cầu đã tăng vọt lên mức đáng kinh ngạc là 4,28 nghìn tỉ đô la (tương đương hơn 108 triệu tỉ đồng), và chỉ hai năm sau đã tăng lên 5,4 nghìn tỉ đô la. Sự nhanh chóng, tiện lợi mà mua sắm trực tuyến mang lại tạo điều kiện thuận lợi người tiêu dùng dễ dàng duyệt và mua hàng ngay mà không cần phải bước chân đi bất cứ đâu.

Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia Hoa Kỳ (NRF) báo cáo mức tăng trưởng đáng kinh ngạc 44% về doanh số thương mại điện tử tại Hoa Kỳ vào năm 2020 như một bước nhảy vọt nhờ hiệu ứng tích cực từ đại dịch COVID-19. “Cú sốc” toàn cầu này dường như giáng một đòn nặng nề lên các cửa hàng uỷ quyền truyền thống. Địa điểm cố định và hạn chế trong việc lưu kho hàng dẫn tới việc những cửa hàng này ngày càng khó cạnh tranh với danh mục mở rộng không ngừng và sự tiện lợi vô song mà các “gã khổng lồ mua sắm trực tuyến” như Amazon và Alibaba mang lại.

Ngoài ra, việc dân chủ hóa bán lẻ thông qua các thị trường trực tuyến cũng bồi thêm một cú cho những cửa hàng uỷ quyền khi gia tăng sự cạnh tranh. Trên Amazon, ước tính có khoảng 2,5 triệu người bán tích cực, điều này đang tạo ra một thị trường rộng lớn và đa dạng hơn. Người tiêu dùng có thể tìm thấy các sản phẩm có giá cạnh tranh hơn so với các gian hàng chính hãng. Có thể thấy thị trường thương mại điện tử ngày nay không chỉ có được tính đa dạng cao, khả năng tiếp cận dễ dàng mà còn cho phép người tiêu dùng tiết kiệm hơn khi mua sắm, hoàn toàn lấn át các cửa hàng uỷ quyền truyền thống.

Forrester Research trong một báo cáo đã nhấn mạnh rằng cứ 10 người mua hàng thì có 6 người Mỹ sẽ bắt đầu tìm kiếm sản phẩm trên Amazon trước tiên và hoàn toàn bỏ qua lựa chọn ghé thăm các cửa hàng uỷ quyền như trước. Sự thay đổi này thể hiện không chỉ cách mà người tiêu dùng chỉnh sửa hành vi của mình mà còn cho thấy xu hướng tất yếu và mức độ quan trọng của việc thúc đẩy thương mại điện tử trong ngành bán lẻ.

Tại châu Á, sự tăng trưởng thậm chí còn rõ rệt hơn. Chỉ riêng thị trường thương mại điện tử Trung Quốc đã được định giá khoảng 2,3 nghìn tỉ đô la (tương đương hơn 58 triệu tỉ đồng) vào năm 2020, trở thành thị trường lớn nhất thế giới (chiếm 53,74% giá trị thị trường thế giới). Các nền tảng thương mại điện tử hàng đầu của quốc gia này như Tmall của Alibaba và JD.com đã đặt ra các tiêu chuẩn mới cho ngành với các loại sản phẩm phong phú và mạng lưới hậu cần tinh vi. Theo eMarketer, doanh số thương mại điện tử vẫn chiếm hơn 50% tổng doanh số bán lẻ của Trung Quốc trong năm 2023, làm nổi bật vai trò quan trọng của khu vực này trong sự bùng nổ thương mại điện tử toàn cầu.

Tại Đông Nam Á, các nền tảng như Lazada và Shopee cũng đã thay đổi bối cảnh ngành bán lẻ toàn khu vực. Lazada (được Alibaba hậu thuẫn) và Shopee (thuộc Sea Group) đã nhanh chóng mở rộng sự hiện diện trên thị trường của họ trong những năm qua. Theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company, nền kinh tế Internet của Đông Nam Á dự kiến ​​sẽ vượt quá 300 tỉ đô la (tương đương 7,6 nghìn tỉ đồng) vào năm 2025.

Những nguyên nhân chính

Mạng lưới tiếp cận truyền thông xã hội đã thay đổi

Không thể phủ nhận tầm ảnh hưởng của truyền thông xã hội tới sự gắn kết, tương tác giữa thương hiệu và người tiêu dùng trong thời đại số. Thông qua các nền tảng như Facebook, Instagram, YouTube, TikTok, v.v. các thương hiệu có thể chủ động triển khai các hoạt động liên lạc, tương tác với thị trường một cách mạnh mẽ, từ đó lôi kéo khách hàng mua hàng hoặc tham gia các chương trình khuyến mãi. Những năm gần đây, loại hình tiếp thị liên kết bùng nổ khắp nơi, thúc đẩy thương mại điện tử ngày càng mạnh mẽ hơn. Ngành tiếp thị liên kết toàn cầu được ước tính trị giá 13,8 tỉ đô la (tương đương 350 nghìn tỉ đồng) trong năm 2021 theo Influencer Marketing Hub có thể minh họa cho sức mạnh của truyền thông xã hội trong việc thúc đẩy các quyết định mua hàng.

Chiến lược gia tiếp thị kĩ thuật số Neil Patel đặc biệt nhắc tới tác động chuyển đổi của truyền thông xã hội trong công tác tiếp thị và bán hàng. Ông cho rằng các nền tảng truyền thông xã hội không chỉ dành cho các kết nối xã hội một cách đơn thuần, chúng đã trở thành các kênh bán hàng thiết yếu trong thời đại này. Việc triển khai hiệu quả mô hình này cho phép các thương hiệu xây dựng cộng đồng trực tuyến mạnh mẽ, tối giản công tác bán hàng và phân phối, từ đó có được thành tích tốt hơn.

Các nền tảng truyền thông xã hội nổi bật tại châu Á như WeChat, Weibo và Douyin (phiên bản nội địa của TikTok) tại Trung Quốc hay Facebook, Instagram, WhatsApp, LINE, v.v. ở các nước còn lại được đánh giá cao trong các hệ sinh thái bán lẻ. Nổi bật hơn cả là WeChat với hơn 1,2 tỉ người dùng hoạt động hàng tháng. “Super app” này tích hợp các chức năng mạng xã hội, thanh toán và cả thương mại điện tử, đem lại trải nghiệm mua sắm liền mạch cho người dân Trung Quốc. Có thể khẳng định rằng ảnh hưởng của mạng xã hội là rất quan trọng trong việc định hình hành vi của người tiêu dùng hiện đại. Hầu hết những nền tảng này đều đóng vai trò chủ chốt trong việc thúc đẩy các xu hướng mua sắm và tác động đến quyết định mua hàng của người tiêu dùng.

Người tiêu dùng cũng thay đổi

Các khảo sát khách hàng của nhiều hãng cho thấy người tiêu dùng hiện đại ngày càng đòi hỏi nhiều hơn. Các tiêu chí như sự tiện lợi, tính cá nhân hóa và tính tức thời được coi trọng hơn cả. Với họ, một thương hiệu hoạt động tốt là một thương hiệu đảm bảo được mong muốn của họ về trải nghiệm mua sắm liền mạch trên cả nền tảng trực tuyến và ngoại tuyến. Hãng Accenture cho biết có tới 91% người tiêu dùng Hoa Kỳ tỏ ra thích thú khi mua sắm với các thương hiệu cung cấp những chương trình ưu đãi và đề xuất mua sắm dựa trên nhu cầu, sở thích và đặc điểm cá nhân của họ.

Kỉ nguyên số đã trao cho người tiêu dùng khả năng truy vấn và tiếp cận thông tin tuyệt vời. Họ hoàn toàn có thể tìm hiểu thật kĩ về sản phẩm, dịch vụ, thương hiệu, so sánh giá cả, đọc các bài đánh giá, phản hồi trước khi đưa ra quyết định mua hàng một cách tự do và dễ dàng. Một báo cáo của PwC cho thấy 73% người tiêu dùng xem trải nghiệm mua hàng là yếu tố quan trọng trong quyết định mua hàng của họ. Điều này chỉ ra yêu cầu liên tục nâng cấp và cải thiện chất lượng trải nghiệm kĩ thuật số của mình để đáp ứng những kì vọng cao này. So với những người tiêu dùng ở châu lục khác, người tiêu dùng châu Á cũng đặc biệt am hiểu công nghệ và tỏ ra dễ thay lòng hơn, điều này làm cho thị trường châu Á trở nên năng động hơn nhiều so với phần còn lại của thế giới. Một nghiên cứu của McKinsey cho thấy 70% người tiêu dùng tại Trung Quốc khi được hỏi đều trả lời là họ sẵn sàng chuyển đổi thương hiệu quen thuộc nếu xuất hiện một nhà cung cấp mới với trải nghiệm kĩ thuật số tốt hơn. Chính đặc điểm này tạo ra sự thúc đẩy cải tiến mạnh mẽ tại thị trường bán lẻ châu Á.

Bên cạnh đó, các thương hiệu nắm vững chiến lược đa kênh có thể duy trì khả năng cạnh tranh bằng cách cung cấp trải nghiệm mua sắm nhất quán và được cá nhân hóa. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi phải đầu tư đáng kể vào công nghệ và cơ sở hạ tầng, một rào cản mà nhiều cửa hàng uỷ quyền có thể gặp khó khăn khi vượt qua. Ở châu Á, bán lẻ đa kênh cũng đang phát triển mạnh mẽ. Các công ti như Alibaba đã tiên phong trong khái niệm “bán lẻ mới” khi kết hợp trải nghiệm trực tuyến và ngoại tuyến để tạo ra một hệ sinh thái mua sắm tích hợp. Ví dụ, các cửa hàng Hema của Alibaba vừa đóng vai trò là siêu thị vừa là trung tâm hoàn tất đơn hàng trực tuyến, minh họa cho tiềm năng của các chiến lược đa kênh nhằm nâng cao trải nghiệm của khách hàng và hiệu quả hoạt động.

Tóm lại, sự suy giảm của các cửa hàng uỷ quyền trong bối cảnh chuyển đổi số không chỉ bởi sự phát triển như vũ bão của thương mại điện tử mà còn bởi sự biến hoá của hệ thống phương tiện truyền thông xã hội cũng như kì vọng ngày càng cao từ người tiêu dùng. Tất thảy đang định hình lại toàn bộ bối cảnh ngành bán lẻ toàn cầu. Để duy trì và củng cố năng lực cạnh tranh, các thương hiệu trên toàn thế giới và đặc biệt là tại châu Á buộc phải nắm bắt những điều này, dám và không ngừng đổi mới. Khi mà các xu hướng kĩ thuật số ngày càng ăn sâu hơn vào đời sống con người, tương lai của bán lẻ toàn cầu thuộc về những người có thể kiến tạo, thúc đẩy và kiểm soát chúng.

Giới thiệu gói nhượng quyền thương mại trung tâm Anh ngữ quốc tế Language Link Academic

Hệ thống nhượng quyền trung tâm Anh ngữ quốc tế của Language Link được thiết kế đặc biệt nhằm đáp ứng nhu cầu của các tổ chức và cá nhân có mong muốn đầu tư vào lĩnh vực giáo dục vẫn đang còn nhiều tiềm năng phát triển. Bên cạnh nguồn thu từ trung tâm tiếng Anh, một số nguồn thu bổ sung bao gồm:

  • Chia sẻ hoa hồng dịch vụ du học;
  • Bán giáo trình và các khóa học đào tạo giáo viên trực tuyến có bản quyền;
  • Các chương trình đào tạo ngoài trung tâm, tiếp cận đến các trường tiểu học và trung học.

Về thương hiệu Language Link Academic

Language Link Academic (LLA) được thành lập năm 1996 tại Hà Nội với tên gọi Language Link Việt Nam, trở thành một trong những đơn vị giáo dục tiếng Anh bản ngữ đầu tiên tại Việt Nam.

Áp dụng công nghệ giáo dục tiêu chuẩn châu Áu, LLA phát triển thành công chương trình đào tạo tiếng Anh hoàn hảo dành cho người Việt và đã sát cánh cùng hàng trăm nghìn học sinh và phụ huynh trong suốt hơn 25 năm qua. Hàng chục chương trình giáo dục đa kênh của LLA ra đời nhằm giúp học sinh người Việt học tiếng Anh tốt hơn, nhanh hơn, sẵn sàng và tự tin viết nên câu chuyện của chính mình không chỉ tại Việt Nam mà bất cứ đâu trên toàn thế giới.

Hệ thống trung tâm Anh ngữ LLA đã có mặt tại 10 tỉnh thành trên toàn quốc và là đối tác lâu năm của Sở Giáo dục và Đào tạo Tp. Hà Nội trong gần 20 năm.

Để nhận tư vấn về gói nhượng quyền, vui lòng để lại thông tin tại đây hoặc gửi email tới địa chỉ franchise@languagelink.edu.vn, hotline: 0989857371.