Thế hệ trẻ vừa tham vọng vừa thiếu tham vọng
Nhận định này nghe có vẻ mâu thuẫn nhưng nếu quan sát kĩ, chúng ta có thể thấy rằng thế hệ trẻ ngày nay đang chia tách thành hai bộ phận khác biệt: những người có tham vọng mãnh liệt để chạm tới thành công từ sớm và những người không có động lực làm việc và luôn do dự khi nhận bất cứ trách nhiệm nào. Tại sao lại tồn tại hai xu hướng phát triển đối lập như vậy trong thế hệ trẻ? Phải chăng điều này có liên quan tới cách chúng ta giáo dục thế hệ trẻ về những giá trị đời sống? Trong bài viết hôm nay, hãy cùng Language Link tìm hiểu hiện tượng kỳ lạ nhưng thú vị này ở thế hệ Thiên niên kỷ và thế hệ Z.
Thế hệ trẻ tham vọng
Có lẽ chúng ta đều đồng tình rằng thế hệ Thiên niên kỷ và thế hệ Z thực sự rất khác so với các thế hệ trước. Sinh ra và trưởng thành trong thời bình và trực tiếp hưởng những lợi ích vượt bậc từ các xu thế hợp tác văn hóa, kinh tế – chính trị; các phát minh, sáng chế kỹ thuật, công nghệ cao, cả hai thế hệ này đều có trình độ, hiểu biết và kỹ năng phát triển từ sớm, đặc biệt là thế hệ Z khi họ được coi như những lứa công dân toàn cầu đầu tiên trong lịch sử nhân loại.
Nhưng khi mọi thứ trở nên quá thuận lợi, những cuộc cạnh tranh lại nảy sinh theo một cách khác. Tại nhiều quốc gia, người ta ghi nhận áp lực học tập của thế hệ Thiên niên kỷ và thế hệ Z vượt trội hơn hẳn so với các thế hệ trước. Được giáo dục trong những môi trường có tính cạnh tranh cao và mọi thành tích được đo lường bằng điểm số, giải thưởng, thế hệ Thiên niên kỷ và thế hệ Z phải đối mặt với những tiêu chuẩn khắt khe, những sự cạnh tranh để giành lấy vị trí hàng đầu. Họ cũng nghiễm nhiên được kỳ vọng sẽ nhanh chóng đạt được những thành tựu mà các thế hệ trước phải khó khăn mới có được. Thành tích giáo dục trở thành chuẩn mực đo lường giá trị bản thân và sự công nhận của xã hội. Theo OECD, các quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Phần Lan có hệ thống giáo dục cạnh tranh bậc nhất toàn cầu. Học sinh ở những quốc gia này không chỉ phải đối mặt với áp lực to lớn để đạt kết quả tốt trong các kỳ thi mà còn phải giành giật nhau từng giải thưởng hòng làm đẹp cho hồ sơ của mình. Chính bầu không khí cạnh tranh này thúc đẩy mong muốn đạt được thành công sớm và thăng tiến nhanh chóng trong sự nghiệp của thế hệ Thiên niên kỷ và thế hệ Z.
Chưa hết, sự trỗi dậy và phổ biến các nền tảng mạng xã hội giúp cho cả thế giới kết nối một cách dễ dàng, những câu chuyện thành công được chia sẻ tràn ngập trên các trang mạng khiến cho danh tiếng và địa vị của các doanh nhân trẻ, những nhân vật trẻ có sức ảnh hưởng và các thiên tài trở thành hình mẫu lí tưởng và thước đo của xã hội. Theo khảo sát năm 2020 của Morning Consult, có tới 86% thanh thiếu niên mong muốn trở thành người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội. Có thể dễ dàng thấy được sự hình thành nhận thức về thành công sớm ở các thế hệ này, đặc biệt là thế hệ Z. Hiển nhiên, khi thường xuyên tiếp xúc với những câu chuyện thành công như vậy, người trẻ thường có cảm giác gấp gáp và tham vọng hơn khi mong muốn mình cũng có thể lặp lại những thành tựu này trong cuộc sống.
Còn nữa, chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ các xu hướng tiêu dùng xa xỉ trên toàn cầu, thế hệ Thiên niên kỷ và thế hệ Z được kỳ vọng phải có được sự độc lập tài chính sớm và có khả năng trang bị cho bản thân những món đồ đắt tiền, thể hiện sự thành công và hạnh phúc. Theo một nghiên cứu của Pew Research Center, tới 80% thế hệ Thiên niên kỷ tin rằng tài chính dư giả là rất quan trọng, con số này cao gấp rưỡi kết quả khảo sát thế hệ Baby Boomers ở cùng độ tuổi. Có thể thấy rằng thu nhập cao và cơ hội thăng tiến rộng mở là mục tiêu theo đuổi chung của giới trẻ.
Thế hệ trẻ thiếu tham vọng
Tiếc rằng câu chuyện bên trên lại không đúng với toàn bộ thế hệ trẻ. Sớm phải tham gia vào cuộc chạy đua cùng áp lực đè nặng từ phía bản thân, gia đình, bạn bè, nhà trường, xã hội, rất nhiều người trẻ khi lớn lên không còn nhiều sự tự tin và niềm hy vọng nữa; ý chí của họ bị tổn thương nặng nề sau những những thất bại, sự tổn thương và tủi hổ trong quá khứ. Vì không muốn phải trải qua những khoảng thời gian tồi tệ đó, họ hình thành thái độ dè chừng và không muốn chấp nhận rủi ro hay theo đuổi những vị trí cao hơn. Một nghiên cứu của Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ cho thấy khoảng 61% thế hệ Thiên niên kỷ cho biết họ cảm thấy thất vọng trước tình hình tài chính của mình. Chính những sự thất vọng này dẫn đến các vấn đề tâm thần liên quan tới căng thẳng và lo âu, từ đó làm giảm tham vọng nghề nghiệp. Theo các chuyên gia tâm lí, việc bị ám ảnh bởi nỗi sợ thất bại lặp lại có thể dẫn đến sự e dè và thái độ miễn cưỡng khi tiếp nhận trách nhiệm.
Thêm vào đó, việc chứng kiến sự kiệt sức, căng thẳng và các vấn đề về sức khỏe tâm thần khác ở những người xung quanh cũng được cho là nguyên nhân khiến cho nhiều người trẻ lựa chọn từ bỏ tham vọng để được “yên thân”. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) báo cáo rằng tình trạng kiệt sức đặc biệt phổ biến ở thế hệ Thiên niên kỷ, cứ ba người lại có một người gặp khó khăn trong việc giải quyết sự căng thẳng liên quan đến công việc. Con số này tăng gấp rưỡi so với thế hệ Baby Boomers và thế hệ X. Sự quá tải ở thế hệ Thiên niên kỷ và thế hệ Z hình thành một xu hướng “tìm về bên trong” khi một bộ phận lớn thế hệ Z cảm thấy cần thiết phải tìm được điểm cân bằng giữa công việc và cuộc sống, đồng thời ưu tiên hạnh phúc cá nhân, tránh xa các trách nhiệm, từ chối những kỳ vọng không cần thiết. Theo khảo sát của Deloitte, khoảng 70% thế hệ Thiên niên kỷ ưu tiên yếu tố cân bằng giữa công việc và cuộc sống hơn là mức lương cao hơn khi tìm kiếm một công việc mới. Xu thế chuyển dịch này có thể thấy rõ ràng hơn ở thế hệ Z khi sự lựa chọn nghề nghiệp của họ thường ưu tiên sự linh hoạt và thoả mãn cá nhân hơn là những hứa hẹn địa vị cao và phần thưởng tài chính.
Ngoài ra, sự bất ổn của kinh tế thế giới những năm gần đây và hậu quả của đại dịch COVID-19 lên con người cũng tác động sâu sắc đến thị trường việc làm. Khi nền kinh tế không ổn định và tương lai của công việc không còn vững chắc, tâm lí dè chừng và không muốn đảm nhận nhiều trách nhiệm dù được tăng thu nhập trở nên phổ biến hơn. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) báo cáo rằng thế hệ Thiên niên kỷ nắm giữ 4,6% tài sản của Hoa Kỳ, thấp hơn rất nhiều so với tận 21% của thế hệ Baby Boomers nắm giữ khi ở cùng độ tuổi. Quay lại năm 2008, khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng nổ, rất nhiều người thuộc thế hệ Thiên niên kỷ bắt đầu tham gia thị trường việc làm. Họ buộc phải đối mặt với những cơ hội hạn chế và khó khăn tài chính, thúc đẩy ý thức thận trọng và tìm kiếm sự ổn định. 11 năm sau đó, thảm hoạ đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn nền kinh tế toàn cầu, dẫn đến tình trạng mất việc làm hàng loạt và bất ổn kinh tế, thế hệ Z cũng đang chịu tác động tương tự.
Như vậy, có thể thấy rằng hiện tượng phân tách trong thế hệ Thiên niên kỷ và thế hệ Z đến từ rất nhiều yếu tố. Suy cho cùng, chúng ta cần hiểu rằng dù rằng tham vọng rất quan trọng khi cổ vũ các cá nhân tìm kiếm và theo đuổi mục tiêu, thúc đẩy động lực phát triển cá nhân nhưng điều quan trọng hơn vẫn là cần tìm kiếm điểm cân bằng tham vọng với các ưu tiên khác trong cuộc sống nhằm tránh gây căng thẳng quá mức hay suy giảm chất lượng cuộc sống trong thời đại kết nối toàn cầu như hiện nay.
Là một trong những công cụ định hình sâu sắc tham vọng của người trẻ, giáo dục được coi như giải pháp giúp người trẻ có thể chuẩn bị kĩ càng hơn cho sự nghiệp của mình, đồng thời tìm kiếm sự cân bằng một cách thuận lợi. Khi học sinh có thể nhận thức một cách toàn diện về những lựa chọn sự nghiệp, họ sẽ có thể đánh giá mức độ phù hợp của mình, đồng thời kết hợp với sự cố vấn đến từ thầy cô, nhà trường để tìm ra con đường phù hợp nhất, giúp họ tự tin hơn trong những quyết định sau này. Ngoài ra, cần thiết phải xây dựng một hệ thống hỗ trợ tư vấn học sinh, giúp các em cảm thấy được lắng nghe, thấu hiểu và có sự chuẩn bị tinh thần tốt hơn.
Giới thiệu gói nhượng quyền thương mại trung tâm Anh ngữ quốc tế Language Link Academic
Hệ thống nhượng quyền trung tâm Anh ngữ quốc tế của Language Link được thiết kế đặc biệt nhằm đáp ứng nhu cầu của các tổ chức và cá nhân có mong muốn đầu tư vào lĩnh vực giáo dục vẫn đang còn nhiều tiềm năng phát triển. Bên cạnh nguồn thu từ trung tâm tiếng Anh, một số nguồn thu bổ sung bao gồm:
- Chia sẻ hoa hồng dịch vụ du học;
- Bán giáo trình và các khóa học đào tạo giáo viên trực tuyến có bản quyền;
- Các chương trình đào tạo ngoài trung tâm, tiếp cận đến các trường tiểu học và trung học.
Về thương hiệu Language Link Academic
Language Link Academic (LLA) được thành lập năm 1996 tại Hà Nội với tên gọi Language Link Việt Nam, trở thành một trong những đơn vị giáo dục tiếng Anh bản ngữ đầu tiên tại Việt Nam.
Áp dụng công nghệ giáo dục tiêu chuẩn châu Âu, LLA phát triển thành công chương trình đào tạo tiếng Anh hoàn hảo dành cho người Việt và đã sát cánh cùng hàng trăm nghìn học sinh và phụ huynh trong suốt hơn 25 năm qua. Hàng chục chương trình giáo dục đa kênh của LLA ra đời nhằm giúp học sinh người Việt học tiếng Anh tốt hơn, nhanh hơn, sẵn sàng và tự tin viết nên câu chuyện của chính mình không chỉ tại Việt Nam mà bất cứ đâu trên toàn thế giới.
Hệ thống trung tâm Anh ngữ LLA đã có mặt tại 10 tỉnh thành trên toàn quốc và là đối tác lâu năm của Sở Giáo dục và Đào tạo Tp. Hà Nội trong gần 20 năm.
Để nhận tư vấn về gói nhượng quyền, vui lòng để lại thông tin tại đây hoặc gửi email tới địa chỉ franchise@languagelink.edu.vn, hotline: 0989857371.