Tại sao nói châu Á là tâm điểm mới của kinh tế toàn cầu và Việt Nam có thể hưởng lợi như thế nào từ xu hướng này?

Châu Á là tâm điểm mới của kinh tế toàn cầu

Châu Á là châu lục rộng lớn và đông đúc với dân số chiếm gần 60% dân số toàn cầu và được mệnh danh là thị trường khổng lồ của thế giới. Trong những thập kỉ gần đây, châu Á đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ và nhanh chóng thu hút được sự chú ý về cả kinh tế và xã hội. Nhiều chuyên gia quả quyết rằng châu lục này đã trở thành một trung tâm quyền lực mới của kinh tế toàn cầu và là nguồn lực quan trọng quyết định đến sự thay đổi thế giới. Những diễn biến này đã làm thay đổi trật tự toàn cầu từ giai đoạn hậu Thế chiến và cái nhìn về nơi đây như một tâm điểm mới của kinh tế thế giới.

Có thể nói một trong những yếu tố chính củng cố cho quan điểm này là sự tăng trưởng và hội nhập kinh tế vượt trội của châu Á. Theo Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF), GDP của châu Á tính theo sức mua tương đương (PPP) chiếm 43,9% tổng GDP toàn cầu vào năm 2022 và dự kiến sẽ đạt 52% vào năm 2040. Ngược lại, tỉ trọng của châu Âu giảm từ 26% xuống 17,7% và Bắc Mĩ từ 25 xuống 19,2% trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2022. Châu Á cũng được dự đoán sẽ chiếm 39% lượng tiêu thụ toàn cầu vào năm 2040, tăng từ 35% vào năm 2022.

Sự trỗi dậy về kinh tế của châu Á được thúc đẩy bởi cả các yếu tố bên trong và bên ngoài. Đầu tiên phải kế đến ưu thế của dân số đông, trẻ, năng lực học tập, đổi mới và hội nhập cao, tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa nhanh, cũng như xu hướng gia tăng mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu trong xã hội. Thương nhân châu Á vốn nhanh nhạy với các hoạt động giao thương trở nên cởi mở và mạo hiểm hơn trong các lĩnh vực đầu tư. Các chính phủ chú trọng thúc đẩy du lịch, cũng như chủ động tham gia vào các diễn đàn hợp tác khu vực và đa phương, biến cả châu Á trở thành trung tâm tự do hóa thương mại đa phương. Tích cực nhất có thể kể đến sự hồi sinh của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) dưới sự lãnh đạo của các nền kinh tế châu Á và hàng loạt những cuộc đàm phán đã và đang diễn ra về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

Tiếp theo, không thể không nhắc đến tầm quan trọng chiến lược và địa chính trị ngày càng tăng của châu Á. Sở hữu các quốc gia đông dân nhất thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, châu Á cũng là nơi tập trung nhiều vấn đề an ninh phức tạp và gây tranh cãi nhất thế giới. Căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên, eo biển Đài Loan, biên giới Ấn Độ – Pakistan, tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, v.v. là những vấn đề nóng, tác động trực tiếp tới sự ổn định khu vực và hòa bình toàn cầu. Với vị trí quan trọng của mình, châu Á chứng kiến các cường quốc như Mĩ, Nga, Liên minh châu Âu (EU) thể hiện vai trò của mình và tích cực can thiệp nhằm cân bằng trật tự thế giới, cũng như đảm bảo lợi ích của tất cả các bên. Nhìn chung, sự trỗi dậy của châu Á cũng đặt ra những thách thức đối với quản trị toàn cầu, vì nó đòi hỏi một hệ thống mang tính đại diện và toàn diện hơn, phản ánh chính xác hơn cán cân quyền lực và lợi ích đang thay đổi.

Một lí do nữa có thể lí giải là ảnh hưởng ngày càng tăng của châu Á về văn hóa và môi trường. Châu Á là một châu lục quan trọng trong lịch sử phát triển của loài người khi qui tụ nhiều vùng văn minh lớn của nhân loại. Không chỉ nổi tiếng về bề dày lịch sử và sự đa dạng văn hóa, châu Á với sức quyến rũ về tôn giáo, nghệ thuật, văn học, âm nhạc, ẩm thực phong phú ngày một khẳng định vị thế của mình trong việc lôi kéo khách du lịch toàn cầu. Ước tính lượng khách du lịch tới với châu Á là khoảng 361 triệu lượt khách (chiếm 24,1% toàn cầu) vào năm 2019 – trước thời điểm đại dịch COVID-19 bùng nổ và tàn sát ngành du lịch toàn cầu. Năm 2022, lượng khách du lịch tới với châu Á có dấu hiệu phục hồi khi đạt 188 triệu lượt khách (chiếm 13,4% toàn cầu). Bên cạnh du lịch, các ngành và thương hiệu giải trí châu Á như điện ảnh Ấn Độ (Bollywood), âm nhạc đại chúng Hàn Quốc (Kpop), phim hoạt hình Nhật Bản (anime) trở nên cực kì phổ biến trên toàn thế giới và chưa bao giờ có dấu hiệu hạ nhiệt. Thống kê của Statista cho biết, ước tính giá trị thương mại của Bollywood là khoảng 3,5 tỉ, Kpop là 5,6 tỉ trong khi anime là gần 25 tỉ đô la Mĩ. Ngoài ra, châu Á còn là nhân tố chính trong những nỗ lực thay đổi môi trường toàn cầu vì khu vực này phải đối mặt với cả cơ hội và thách thức trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu (như nhiệt độ tăng, các hiện tượng thời tiết cực đoan, mực nước biển dâng), an ninh năng lượng (như khan hiếm nước, mất an ninh lương thực), bảo tồn đa dạng sinh học, kiểm soát ô nhiễm, rủi ro sức khỏe và xung đột xã hội.

Việt Nam có thể hưởng lợi như thế nào?

Việt Nam, với tư cách là một quốc gia châu Á, nằm giữa các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ, có thể hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển trọng tâm kinh tế của thế giới sang châu Á theo nhiều cách, ví dụ:

Chúng ta có thể tận dụng vị trí chiến lược để thúc đẩy dòng chảy thương mại và đầu tư. Những hiệp định thương mại tự do với các đối tác khu vực và toàn cầu như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EVFTA) giúp Việt Nam đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, thu hút thêm đầu tư trực tiếp nước ngoài và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Những lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong các lĩnh vực sản xuất thâm dụng lao động và công nghệ cao có thể được tận dụng nhằm gia tăng giá trị và năng suất. Với dân số đông và trẻ, lực lượng lao động khoảng 57 triệu người và có chỉ số đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ khá cao (xếp thứ 42/131 nền kinh tế năm 2020), nước ta hoàn toàn có thể tiến lên trong chuỗi giá trị toàn cầu và trở thành trung tâm sản xuất và dịch vụ tiên tiến.

Thêm nữa, chúng ta cũng có thể hưởng lợi từ tác động lan tỏa của hội nhập và hợp tác khu vực trên nhiều lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, năng lượng, môi trường, giáo dục, y tế và an ninh. Việt Nam là thành viên tích cực của một số tổ chức và sáng kiến khu vực như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Những nền tảng này có thể giúp Việt Nam cải thiện khả năng kết nối, khả năng tiếp cận các nguồn lực, chất lượng nguồn nhân lực và khả năng phục hồi trước các cú sốc.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng phải đối mặt với một số thách thức và rủi ro có thể hạn chế những lợi ích tiềm tàng từ xu hướng dịch chuyển trọng tâm kinh tế của thế giới sang châu Á.

Chính phủ cần giải quyết các điểm tắc nghẽn trong cơ cấu và những điểm yếu kém của thể chế cản trở hiệu quả kinh tế và khả năng cạnh tranh của đất nước, như tỉ lệ tiết kiệm và đầu tư trong nước thấp, cơ sở hạ tầng và dịch vụ hậu cần không đầy đủ, sự lệ thuộc vào năng lượng hoá thạch, chất lượng giáo dục và chăm sóc sức khỏe thấp, qui trình quản lí kém hiệu quả và minh bạch, sự bất bình đẳng dai dẳng trong xã hội.

Ngoài ra, chính phủ cũng cần quản lí các lỗ hổng bên ngoài và cân bằng quan hệ với các cường quốc để giảm thiểu độ nhạy cảm của nền kinh tế trong nước đối với các cú sốc bên ngoài, chẳng hạn như biến động giá cả hàng hóa, tỉ giá hối đoái, lãi suất, chính sách thương mại và nhu cầu toàn cầu. Đất nước cũng cần phải đối mặt với những bất ổn địa chính trị và căng thẳng an ninh trong khu vực, đặc biệt là vấn đề ở Biển Đông. Chúng ta cần duy trì quyền tự chủ chiến lược trong khi phải đa dạng hóa quan hệ đối tác đồng thời bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia.

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4IR) và chuyển đổi số cũng là một vấn đề mà đất nước cần chuẩn bị kĩ lưỡng. Tuy mang lại những cơ hội mới cho công cuộc đổi mới, gia tăng năng suất, hòa nhập sâu rộng và phát triển bền vững, 4IR và chuyển đổi số cũng đặt ra những mối đe dọa mới về sự gián đoạn, dịch chuyển, phân cực và thậm chí tấn công mạng. Việc cần làm là đầu tư vào cơ sở hạ tầng kĩ thuật số, kĩ năng, qui định và thể chế nhằm khai thác tiềm năng và quản trị rủi ro tốt hơn.

Giới thiệu gói nhượng quyền thương mại trung tâm Anh ngữ quốc tế Language Link Academic

Hệ thống nhượng quyền trung tâm Anh ngữ quốc tế của Language Link được thiết kế đặc biệt nhằm đáp ứng nhu cầu của các tổ chức và cá nhân có mong muốn đầu tư vào lĩnh vực giáo dục vẫn đang còn nhiều tiềm năng phát triển. Bên cạnh nguồn thu từ trung tâm tiếng Anh, một số nguồn thu bổ sung bao gồm:

  • Chia sẻ hoa hồng dịch vụ du học;
  • Bán giáo trình và các khóa học đào tạo giáo viên trực tuyến có bản quyền;
  • Các chương trình đào tạo ngoài trung tâm, tiếp cận đến các trường tiểu học và trung học.

Về thương hiệu Language Link Academic

Language Link Academic (LLA) được thành lập năm 1996 tại Hà Nội với tên gọi Language Link Việt Nam, trở thành một trong những đơn vị giáo dục tiếng Anh bản ngữ đầu tiên tại Việt Nam.

Áp dụng công nghệ giáo dục tiêu chuẩn châu Âu, LLA phát triển thành công chương trình đào tạo tiếng Anh hoàn hảo dành cho người Việt và đã sát cánh cùng hàng trăm nghìn học sinh và phụ huynh trong suốt hơn 25 năm qua. Hàng chục chương trình giáo dục đa kênh của LLA ra đời nhằm giúp học sinh người Việt học tiếng Anh tốt hơn, nhanh hơn, sẵn sàng và tự tin viết nên câu chuyện của chính mình không chỉ tại Việt Nam mà bất cứ đâu trên toàn thế giới.

Hệ thống trung tâm Anh ngữ LLA đã có mặt tại 10 tỉnh thành trên toàn quốc và là đối tác lâu năm của Sở Giáo dục và Đào tạo Tp. Hà Nội trong gần 20 năm.

Để nhận tư vấn về gói nhượng quyền, vui lòng để lại thông tin tại đây hoặc gửi email tới địa chỉ franchise@languagelink.edu.vn, hotline: 0989857371.