NVIDIA: Minh chứng cho tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu
Mới đây, NVIDIA đã vượt qua Microsoft và Apple để trở thành công ti có giá trị lớn nhất thế giới với mức vốn 3.340 tỉ USD. Tại phiên giao dịch hôm 18/6, trên thị trường chứng khoán Mĩ, cổ phiếu của NVIDIA tăng khoảng 3,5% đã giúp công ti này làm nên kì tích. Sự tăng trưởng vượt bậc của NVDIA được cho là có sự hậu thuẫn của “cơn sốt” trí tuệ nhân tạo (AI) trên toàn thế giới. Tuy nhiên, bất chấp việc NVIDIA đang xếp đầu bảng xếp hạng giá trị, thương hiệu của họ lại không thể giành được vị trí nào trong bảng xếp hạng 100 thương hiệu phổ biến toàn cầu. Điều tưởng chừng như vô lí này khiến chúng ta đặt ra những câu hỏi về mối quan hệ giữa giá trị thị trường và độ nhận diện thương hiệu. Trong bài viết hôm nay, hãy cùng Language Link tìm hiểu về chủ đề này.
Tại sao thương hiệu của NVIDIA không phổ biến?
Quay ngược lại thời gian, cách đây 31 năm, NVIDIA được thành lập bởi bộ ba Jensen Huang, Chris Malachowsky và Curtis Priem tại California (Mĩ) ban đầu chỉ tập trung vào việc nghiên cứu và phát triển các đơn vị xử lí đồ họa (GPU) phục vụ cho mục đích chơi trò chơi điện tử. Cùng với sự bùng nổ của ngành công nghiệp này trên toàn cầu, NVIDIA đã đủ nguồn lực để mở rộng sang các lĩnh vực khác, trong đó có ngành trí tuệ nhân tạo (AI), ngành lưu trữ và quản lí dữ liệu và đặc biệt là xe tự hành.
Mặc dù các sản phẩm của NVIDIA luôn được đánh giá cao trong giới công nghệ, đặc biệt là với doanh nghiệp và cộng đồng khoa học, chuyên gia công nghệ, thậm chí GPU của NVIDIA còn được coi là “tiêu chuẩn vàng” khi được các hãng sản xuất trò chơi điện tử sử dụng làm chuẩn tối ưu, đa phần người dùng lại chẳng biết đến thương hiệu này.
Tại sao?
Đầu tiên, rõ ràng là NVIDIA đã đạt được thành công khi trở thành công ti có giá trị lớn nhất thế giới nhưng điều này không có nghĩa là mức độ phổ biến của thương hiệu NVIDIA có được vị trí tương đương. Đây là hai vấn đề khác nhau dù có thể chúng ta thấy rằng hầu hết các thương hiệu có giá trị đều có độ phổ biến cao (như Apple, Microsoft, Amazon, v.v.). Tuy nhiên, NVIDIA lại không giống như những “gã khổng lồ công nghệ” khác.
Thị trường trọng tâm của NVIDIA không phải đối tượng người tiêu dùng. Các mặt hàng đem lại lợi nhuận chính của NVIDIA là phần cứng chuyên dụng. Ví dụ, chúng ta có thể bắt gặp bộ xử lý đồ họa (GPU) của NVIDIA ở trong máy vi tính được sản xuất, lắp ráp bởi các hãng công nghệ khác, từ những máy tính chuyên dụng phục vụ nhu cầu làm khoa học, xây dựng và vận hành trí tuệ nhân tạo cho tới các máy tính thông dụng phục vụ nhu cầu làm việc bàn giấy, chơi trò chơi điện tử, v.v.. Nói cách khác, sản phẩm của NVIDIA ở khắp mọi nơi nhưng chúng lại được tích hợp vào các sản phẩm của các hãng khác, điều này hạn chế độ phổ biến của thương hiệu này. Đối với NVIDIA, vì đối tượng khách hàng chính là doanh nghiệp nên cái mà hãng này coi trọng hơn cả là doanh số bán hàng doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B).
Về bảng xếp hạng thương hiệu thường niên của Interbrand, hằng năm, hãng này lựa chọn 100 thương hiệu có độ nhận diện cao nhất dựa trên các tiêu chí như sức mạnh thương hiệu, hiệu quả tài chính và vai trò của thương hiệu đó trong quyết định mua hàng. Dù cho NVIDIA sở hữu sức mạnh tài chính và vị thế quan trọng trong các tiến bộ công nghệ khác nhau, điều này không đồng nghĩa với độ nhận diện thương hiệu của họ đủ mạnh.
Khi được hỏi về vấn đề này, ông Greg Silverman – giám đốc điều hành của Interbrand – đã đưa ra một phân tích quan trọng, đó là sự tăng trưởng nhanh chóng của NVIDIA không đi kèm với hiệu quả xây dựng thương hiệu. Dù rằng truyền thông đã dành rất nhiều không gian để tán tụng NVIDIA, những nỗ lực xây dựng thương hiệu của họ không đủ để thương hiệu của họ “thẩm thấu” vào ý thức cộng đồng người tiêu dùng. “Đúng là NVIDIA đã có những bước tiến vượt bậc về công nghệ và cả giá trị thị trường, nhưng việc gia tăng độ nhận diện thương hiệu không chỉ cần tài lực mà còn cần chiến lược và thời gian”, ông Silverman cho biết. NVIDIA đã tập trung cao độ vào công tác nghiên cứu, đổi mới cũng như mở rộng thị trường mà không chú trọng vào các công tác xây dựng thương hiệu, điều này đã tạo ra khoảng cách lớn như chúng ta thấy hiện nay, khi thương hiệu của họ không có được vị trí xứng đáng với giá trị của công ti.
Liệu NVIDIA có nên thay đổi chiến lược?
Từ quan điểm của Interbrand, ông Silverman cảnh báo rằng nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, việc thiếu nhận thức về thương hiệu có thể ảnh hưởng tiêu cực đến giá trị tương lai của NVIDIA. “Nhận diện thương hiệu là rất quan trọng cho sự bền vững lâu dài và lòng trung thành của khách hàng. Nếu NVIDIA muốn duy trì vị thế dẫn đầu thị trường, họ cần đầu tư vào việc xây dựng một thương hiệu để gia tăng độ nhận biết và uy tín thị trường”
Trên thực tế, sự mất kết nối giữa hiệu suất thị trường của một công ti trong lĩnh vực công nghệ với nhận thức về thương hiệu của công ti đó không phải chuyện hiếm gặp. Tuy nhiên, đối với một đơn vị hàng đầu như NVIDIA, họ cần nghiêm túc nhìn nhận lại và dành thêm nỗ lực để cải thiện điều này.
Tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu
Xây dựng một thương hiệu mạnh, có độ nhận biết cao là một quá trình phức tạp. Cần phải nỗ lực, nhất quán trong một thời gian dài nhằm truyền đạt các giá trị, sứ mệnh và tính độc đáo của thương hiệu tới công chúng. Không như NVIDIA, những “gã khổng lồ công nghệ khác” như Apple hay Microsoft với lịch sử lâu dài của mình đã làm chủ được nghệ thuật này và tạo ra những thương hiệu không chỉ đại diện cho cái mới, sự hiện đại, tương lai mà còn là biểu tượng của uy tín, sự dẫn đầu đã ăn sâu vào tâm thức cộng đồng. Ông Silverman nhấn mạnh: “NVIDIA có tiềm năng trở thành một trong những thương hiệu có ảnh hưởng nhất trên thế giới, nhưng họ phải tập trung vào việc xây dựng nhận diện thương hiệu có sức ảnh hưởng vượt ra ngoài các thị trường cốt lõi của mình.”
Để có thể thu hẹp khoảng cách giữa giá trị thị trường và độ phổ biến của thương hiệu, NVIDIA có thể cần phải thực hiện nhiều bước đi chiến lược trong một thời gian dài. Các chuyên gia tiếp thị và xây dựng thương hiệu của Interbrand đã “hiến kế” cho hãng.
Đầu tiên, NVIDIA cần tăng cường các nỗ lực tiếp thị hướng tới người tiêu dùng, hợp tác với các thương hiệu tiêu dùng nổi tiếng khác, tài trợ cho các sự kiện nổi tiếng hoặc thậm chí là triển khai các chiến dịch quảng cáo rầm rộ hơn để NVIDIA trở thành một cái tên quen thuộc. Ngoài ra, NVIDIA cũng có thể tận dụng chính thế mạnh hiện có của mình là tính đổi mới và biểu tượng công nghệ để nêu bật đóng góp, tác động của các sản phẩm của mình đến cuộc sống hàng ngày của người tiêu dùng trong các thông điệp tiếp thị nhằm tạo ra câu chuyện thương hiệu hấp dẫn mà vẫn dễ hiểu. Chẳng hạn như cách NVIDIA đã cải thiện trải nghiệm chơi trò chơi điện tử của người dùng ra sao, kích hoạt các ứng dụng do AI điều khiển như thế nào hay đóng góp đến đâu vào những tiến bộ trong công nghệ ô tô và chăm sóc sức khỏe, v.v.. Cuối cùng, việc tham gia vào các sáng kiến trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) và nêu bật những nỗ lực này cũng có thể giúp nhân cách hóa thương hiệu NVIDIA và xây dựng một hình ảnh tích cực trước công chúng. Trong những năm gần đây, công chúng ngày càng bị thu hút bởi những thương hiệu thể hiện cam kết đối với các vấn đề xã hội và môi trường. Đây là một trong những điểm mà một “gã khổng lồ” như NVIDIA nên chú ý.
Một lần nữa. hiển nhiên là đối với NVIDIA, hành trình để trở thành một cái tên quen thuộc sẽ còn rất dài, tuy nhiên việc không có mặt trong danh sách 100 thương hiệu toàn cầu đóng vai trò như một lời nhắc nhở quan trọng. Bằng cách tập trung hơn vào công tác xây dựng thương hiệu chiến lược, NVIDIA hoàn toàn có cơ hội nâng cao nhận thức về thương hiệu của họ và đảm bảo vị thế của mình không chỉ với tư cách là người dẫn đầu thị trường mà còn là một thương hiệu có tầm ảnh hưởng và được công nhận trên toàn cầu.
Giới thiệu gói nhượng quyền thương mại trung tâm Anh ngữ quốc tế Language Link Academic
Hệ thống nhượng quyền trung tâm Anh ngữ quốc tế của Language Link được thiết kế đặc biệt nhằm đáp ứng nhu cầu của các tổ chức và cá nhân có mong muốn đầu tư vào lĩnh vực giáo dục vẫn đang còn nhiều tiềm năng phát triển. Bên cạnh nguồn thu từ trung tâm tiếng Anh, một số nguồn thu bổ sung bao gồm:
- Chia sẻ hoa hồng dịch vụ du học;
- Bán giáo trình và các khóa học đào tạo giáo viên trực tuyến có bản quyền;
- Các chương trình đào tạo ngoài trung tâm, tiếp cận đến các trường tiểu học và trung học.
Về thương hiệu Language Link Academic
Language Link Academic (LLA) được thành lập năm 1996 tại Hà Nội với tên gọi Language Link Việt Nam, trở thành một trong những đơn vị giáo dục tiếng Anh bản ngữ đầu tiên tại Việt Nam.
Áp dụng công nghệ giáo dục tiêu chuẩn châu Âu, LLA phát triển thành công chương trình đào tạo tiếng Anh hoàn hảo dành cho người Việt và đã sát cánh cùng hàng trăm nghìn học sinh và phụ huynh trong suốt hơn 25 năm qua. Hàng chục chương trình giáo dục đa kênh của LLA ra đời nhằm giúp học sinh người Việt học tiếng Anh tốt hơn, nhanh hơn, sẵn sàng và tự tin viết nên câu chuyện của chính mình không chỉ tại Việt Nam mà bất cứ đâu trên toàn thế giới.
Hệ thống trung tâm Anh ngữ LLA đã có mặt tại 10 tỉnh thành trên toàn quốc và là đối tác lâu năm của Sở Giáo dục và Đào tạo Tp. Hà Nội trong gần 20 năm.
Để nhận tư vấn về gói nhượng quyền, vui lòng để lại thông tin tại đây hoặc gửi email tới địa chỉ franchise@languagelink.edu.vn, hotline: 0989857371.