Người lai tại châu Á: Những thách thức trên thị trường lao động và vai trò của giáo dục
Ngày nay, khi thế giới trở nên gắn kết hơn, con người ta tự do và dễ dàng di chuyển tới bất cứ đâu trên thế giới để sinh sống. Những chuyến di cư này đem đến nhiều sự giao thoa về ngôn ngữ, văn hoá và con người. Hiện tượng người lai trở nên ngày càng phổ biến hơn. Những người có cha và mẹ đến từ các vùng lãnh thổ, văn hoá, ngôn ngữ khác nhau này trở thành những cá thể khác biệt trong chính xã hội mà họ sinh trưởng, đặc biệt là những người lai đa sắc tộc. Những người này, với vẻ ngoài khác biệt, họ khó lòng được phần đông của xã hội trong quốc gia đó nhìn nhận “bình thường”, từ đó gặp nhiều khó khăn hơn trong cuộc sống, đặc biệt khi tham gia thị trường lao động.
Trong bài viết hôm nay, hãy cùng khám phá những khó khăn mà người lai gặp phải trong việc tìm kiếm việc làm tại một số quốc gia châu Á điển hình như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam và Singapore.
Định kiến truyền thống cản bước người lai tại châu Á
Một trong những lý do chính khiến người lai gặp khó khăn trên thị trường lao động ở các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc là sự đề cao quá mức tính đồng nhất văn hóa và thuần khiết dân tộc. Tại các quốc gia trọng truyền thống này, những cá nhân mang hình ảnh phù hợp với hình mẫu dân tộc truyền thống thường sẽ được nhiều sự yêu quí và ưu ái hơn những cá nhân khác. Điều này khiến cho những người lai trở thành đối tượng dễ bị phân biệt đối xử.
Người Nhật có một khái niệm chuyên dùng để gọi người lai, đó là “hafu” (tiếng Nhật: ハーフ, phiên âm chữ “half” trong tiếng Anh, có nghĩa là “một nửa”). Việc sử dụng một từ mượn để gọi người lai thay vì dùng từ thuần Nhật cũng được xem như để thể hiện thái độ phân biệt của người dân nước này. Theo một khảo sát của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, cứ ba người lai ở Nhật Bản thì có một người thẳng thắn thừa nhận họ bị phân biệt đối xử bởi chính người dân nước mình dù họ sinh ra và lớn lên tại Nhật. Phần đông những người tỏ ra phân biệt “hafu” đều cho biết họ nghĩ rằng “hafu” không hoàn toàn là người Nhật. Định kiến này tưởng chừng sẽ phai nhạt hơn đối với các ngành nghề như giải trí hay thể thao, nhưng chính “bà hoàng quần vợt” Naomi Osaka cũng từng thẳng thắn chia sẻ về những trải nghiệm không hay mà một “hafu” như cô phải đối mặt, cho thấy định kiến nặng nề khó xoá bỏ trong xã hội Nhật về người lai.
Tương tự với Nhật Bản, Hàn Quốc cũng dùng một từ riêng để gọi người lai, đó là “honhyeol” (tiếng Hàn: 혼혈, Hán-Việt: hỗn huyết). Xét về mặt ngữ nghĩa, từ “honhyeol” cũng mang ý phân biệt và đôi khi được sử dụng để miệt thị trong đời sống hằng ngày. Những “honhyeol” thường gặp phải sự lạnh nhạt hay thờ ơ từ những người Hàn có tư tưởng truyền thống. Một nghiên cứu năm 2019 của Viện Phát triển Phụ nữ Hàn Quốc cho thấy người lai ở Hàn Quốc thường xuyên gặp phải những trở ngại khi tương tác với xã hội. Thậm chí, một báo cáo cho biết những “honhyeol” thường có tỷ lệ thất nghiệp cao hơn người khác và thường bị áp mức lương thấp hơn so với đồng nghiệp của họ ở cùng vị trí.
Tại Đài Loan (Trung Quốc), người lai thường được gọi là “người Đài Loan mới” (chữ Hán: 新台灣人, Hán Việt: tân Đài Loan nhân) và phải đối mặt với những thách thức tương tự. Một nghiên cứu của Đại học Quốc gia Đài Loan cho thấy trẻ em là người lai, đặc biệt có cha hoặc mẹ là những người gốc Đông Nam Á thì dễ bị khinh thường và cô lập. Những năm gần đây, tuy sự phân biệt đối xử này đang có những dấu hiệu suy giảm khi ngày càng nhiều người đàn ông Đài Loan tìm kiếm và kết hôn với phụ nữ Đông Nam Á (như Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, v.v.) hơn nhưng ghi nhận từ các cơ quan phúc lợi xã hội vẫn cho thấy người lai thường gặp rào cản lớn trong môi trường giáo dục và việc làm bởi họ luôn bị coi là có địa vị xã hội thấp hơn. Điều này cũng xảy ra tại Hàn Quốc và Nhật Bản.
Có thể nói định kiến xã hội về người lai tại các quốc gia Đông Á có thể coi là trở ngại lớn nhất đối với họ. Biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, từ phân biệt đối xử bằng lời nói, thái độ cho tới thể hiện qua hành vi. “Hafu” thường bị “gắn nhãn” là không hiểu được hết văn hóa Nhật Bản và không bao giờ đạt được chuẩn mực xã hội truyền thống của người Nhật bất chấp việc họ có thông thạo ngôn ngữ hay am hiểu văn hóa Nhật tới đâu. Định kiến này thường dẫn đến sự thiên vị trong quá trình tuyển dụng và các quyết định về nhân sự tại nơi làm việc. Tương tự, tại Hàn Quốc, nhận thức về người lai bị chi phối mạnh mẽ bởi các định kiến lịch sử trong khung văn hóa cứng nhắc của người Hàn Quốc. Mặc định coi là hậu duệ của những người lính nước ngoài đã tham chiến trong Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), “honhyeol” cũng bị coi như “người ngoài” bất chấp việc họ sinh trưởng tại Hàn Quốc và thông thạo ngôn ngữ, văn hoá như bất cứ người Hàn bản địa nào khác.
Cũng chịu ảnh hưởng bởi chiến tranh hai miền có can thiệp bởi lực lượng nước ngoài, tại Việt Nam, người lai (đặc biệt là người lai da trắng) cũng phải đối mặt với sự phân biệt và kỳ thị xã hội đáng kể dù không quá khắc nghiệt như tại Trung Quốc, Nhật Bản hay Hàn Quốc. Người lai thường dễ bị cô lập hoặc tấn công bằng ngôn từ hay thậm chí hành động trong các môi trường như giáo dục hoặc việc làm. Một khảo sát năm 2020 được thực hiện bởi Đại học Quốc gia cho thấy người lai tại Việt Nam dễ rơi vào tình trạng thiếu việc làm hơn hoặc khó hoặc không có cơ hội thăng tiến trong các tổ chức do người Việt lãnh đạo, đặc biệt ở các ngành phi chính thức.
Singapore nổi tiếng là một xã hội đa văn hóa, người lai tại đây nhìn chung gặp ít thách thức hơn so với các quốc gia châu Á khác. Tuy nhiên, sự thiên vị vẫn tồn tại. Theo một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Chính sách Singapore, mặc dù người Singapore nhìn chung có thái độ tích cực đối với người lai nhưng ở một số lĩnh vực (đặc biệt những lĩnh vực coi trọng các chuẩn mực văn hóa Trung Quốc truyền thống), vẫn có thể dễ dàng nhận ra sự phân biệt. Vì cộng đồng người Hoa tại Singapore có số lượng đông đảo nhất, sự phân biệt vẫn tạo ra trở ngại lớn cho người lai tại “quốc đảo sư tử” trong việc tìm kiếm việc làm.
Nạn phân biệt đối xử ở nơi làm việc
Phân biệt đối xử tại nơi làm việc là một thách thức thường xuyên mà người lai phải đối mặt ở các quốc gia châu Á. Hành vi phân biệt đối xử phổ biến nhất là thiên vị trong quá trình tuyển dụng và ra các quyết định nhân sự tại nơi làm việc. Đa số người châu Á thường có tư tưởng nâng đỡ những người có chung cội nguồn, quê quán, chia sẻ các giá trị văn hoá với họ. Chính điều này khiến cho người lai thường bị thiệt thòi bởi sự khác biệt của họ. Nhiều tổ chức từng bị lên án và chỉ trích vì công khai và thẳng thừng từ chối tuyển dụng người lai hoặc không cho phép họ tham gia vào các dự án hay đảm đương những công việc quan trọng trong tổ chức.
Hiện tượng này có thể dễ dàng tìm thấy ở Trung Quốc khi sự thiên vị dựa trên ngoại hình được thể hiện một cách công khai và rõ rệt. Dù cho thông thạo các phương ngữ chính như tiếng Quan thoại hay tiếng Quảng Đông cũng như am hiểu sâu văn hóa Trung Quốc, nhiều người lai vẫn không thể tìm kiếm công việc cho bản thân vì luôn bị coi là “người ngoài” và bởi họ tạo ra “không khí không thoải mái” trong môi trường làm việc. Sự phân biệt này có thể đặc biệt rõ rệt trong các ngành công nghiệp coi trọng các chuẩn mực và ngoại hình truyền thống. Một báo cáo của Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho biết người lai ở Trung Quốc không những phải đối mặt với định kiến về chủng tộc mà còn phải đối mặt với định kiến về dân tộc, điều này dẫn đến những rào cản khó có thể vượt qua để phát triển sự nghiệp.
Vai trò của giáo dục trong việc nâng cao nhận thức về người lai tại châu Á
Giáo dục được xem như đóng vai trò tối quan trọng trong việc cải thiện tình hình người lai tại châu Á. Các nhà giáo dục đều đồng ý rằng việc tạo dựng một môi trường văn minh và bao dung hơn sẽ giúp giải quyết gốc rễ của vấn đề. Để làm được điều này, chúng ta cần nâng cao hiểu biết không chỉ trong các môi trường như trường học hay việc làm mà còn cần bắt đầu từ môi trường gia đình. Cần loại bỏ được những định kiến về người lai ngay từ cấp độ cá nhân trước khi nghĩ đến cấp độ xã hội. Đương nhiên, việc này đòi hỏi rất nhiều nỗ lực và cần phải thực hiện liên tục trong một thời gian đủ dài nhưng những chương trình giáo dục, tuyên truyền nhằm tôn vinh sự đa dạng và khuyến khích tìm hiểu các giá trị văn hóa khác biệt trên thế giới có thể góp phần tạo ra một xã hội cởi mở, văn minh và bao dung hơn.
Tại Nhật Bản, các sáng kiến như “Hafu Project” truyền tải các thông điệp về người lai, cho phép người dân trải nghiệm góc nhìn của họ, từ đó nâng cao nhận thức cộng đồng và giáo dục công chúng tôn trọng quyền của người lai. Các trường phổ thông và đại học tại Nhật cũng đồng loạt triển khai một số chương trình tương tự nhằm thúc đẩy sự tôn trọng văn hóa và giảm thiểu định kiến. Theo một khảo sát năm 2021 của Bộ Giáo dục Nhật Bản, tại các trường học có thực hiện giáo dục về sự đa dạng xã hội, ghi nhận đã giảm tới 20% số vụ việc phân biệt đối xử về chủng tộc được báo cáo.
Tại Hàn Quốc, một vài tổ chức như Trung tâm Thanh thiếu niên Cầu vồng (Rainbow Youth Center, RYC) của Quĩ Thanh niên di cư Hàn Quốc (Migrant Youth Foundation, MYF) thực hiện nhiều chiến dịch song song với việc cung cấp các nguồn lực hỗ trợ cũng như tài nguyên giáo dục cho học sinh, sinh viên và lao động trẻ là người lai. Thông qua hoạt động cố vấn và các hội thảo tập trung vào việc củng cố sự tự tin và nâng cao các kĩ năng mềm, người lai trẻ tại Hàn được hỗ trợ nhằm nâng cao tỉ lệ thành công trên thị trường lao động. Một nghiên cứu của Đại học Hàn Quốc cho thấy những sinh viên là người lai có tham gia các chương trình như vậy thường có tỉ lệ phỏng vấn thành công cao hơn những sinh viên là người lai khác khoảng 15%.
Tại Đài Loan, Bộ Giáo dục đang thực hiện các cải cách giáo dục giúp gắn kết tốt hơn người lai với xã hội và giúp thúc đẩy tôn vinh đa dạng văn hóa. Nhiều chương trình giới thiệu và tôn vinh những đóng góp của người lai vào xã hội Đài Loan nhằm giảm bớt định kiến và thúc đẩy sự hòa nhập đã được triển khai đều đặn. Báo cáo năm 2022 của Bộ này cho thấy một sự thay đổi tích cực trong môi trường học đường, với số lượng các vụ bắt nạt liên quan tới học sinh là người lai được báo cáo đã giảm xuống đáng kể so với giai đoạn trước đó.
Bên cạnh việc nâng cao nhận thức thông qua giáo dục, cũng cần bổ sung những hàng rào pháp lí giúp bảo vệ người lai ở châu Á. Việc thiếu vắng các biện pháp bảo vệ pháp lý mạnh mẽ chống lại sự phân biệt đối xử đang khiến cho người lai rơi vào tình cảnh khó khăn và khó tìm kiếm sự hỗ trợ từ pháp luật khi họ phải đối mặt với những mối nguy hại từ người khác.
Ví dụ, mặc dù Nhật Bản có luật chống phân biệt đối xử về chủng tộc, tuy nhiên, việc thực thi luật này lại không đồng đều và không có hệ thống kiểm soát cũng như đảm bảo luật được thực thi đúng. Người lai tại Nhật vẫn có khả năng cao gặp phải những khó khăn trong việc chứng minh mình bị phân biệt đối xử trong nhiều trường hợp.
Điều này cũng diễn ra tương tự tại Hàn Quốc khi ma theo Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Hàn Quốc, đã có hơn 500 vụ việc phân biệt đối xử về chủng tộc được báo cáo vào năm 2020 nhưng vẫn chưa phản ánh đầy đủ bức tranh về sự phân biệt đối xử với người lai tại Hàn. Phần đông họ vẫn giữ im lặng vì sợ bị trả thù hoặc cơ bản là không có được nhận thức đầy đủ về quyền lợi pháp lí của mình. Do vậy, việc giáo dục pháp luật cho xã hội cũng cần là một hoạt động được ưu tiên triển khai và duy trì thường xuyên.
Giới thiệu gói nhượng quyền thương mại trung tâm Anh ngữ quốc tế Language Link Academic
Hệ thống nhượng quyền trung tâm Anh ngữ quốc tế của Language Link được thiết kế đặc biệt nhằm đáp ứng nhu cầu của các tổ chức và cá nhân có mong muốn đầu tư vào lĩnh vực giáo dục vẫn đang còn nhiều tiềm năng phát triển. Bên cạnh nguồn thu từ trung tâm tiếng Anh, một số nguồn thu bổ sung bao gồm:
- Chia sẻ hoa hồng dịch vụ du học;
- Bán giáo trình và các khóa học đào tạo giáo viên trực tuyến có bản quyền;
- Các chương trình đào tạo ngoài trung tâm, tiếp cận đến các trường tiểu học và trung học.
Về thương hiệu Language Link Academic
Language Link Academic (LLA) được thành lập năm 1996 tại Hà Nội với tên gọi Language Link Việt Nam, trở thành một trong những đơn vị giáo dục tiếng Anh bản ngữ đầu tiên tại Việt Nam.
Áp dụng công nghệ giáo dục tiêu chuẩn châu Âu, LLA phát triển thành công chương trình đào tạo tiếng Anh hoàn hảo dành cho người Việt và đã sát cánh cùng hàng trăm nghìn học sinh và phụ huynh trong suốt hơn 25 năm qua. Hàng chục chương trình giáo dục đa kênh của LLA ra đời nhằm giúp học sinh người Việt học tiếng Anh tốt hơn, nhanh hơn, sẵn sàng và tự tin viết nên câu chuyện của chính mình không chỉ tại Việt Nam mà bất cứ đâu trên toàn thế giới.
Hệ thống trung tâm Anh ngữ LLA đã có mặt tại 10 tỉnh thành trên toàn quốc và là đối tác lâu năm của Sở Giáo dục và Đào tạo Tp. Hà Nội trong gần 20 năm.
Để nhận tư vấn về gói nhượng quyền, vui lòng để lại thông tin tại đây hoặc gửi email tới địa chỉ franchise@languagelink.edu.vn, hotline: 0989857371.