“Công ty thây ma” là gì?
Thây ma hay còn được gọi là zombie là những sinh vật tưởng tượng, tồn tại trên lằn ranh giữa sự sống và cái chết, không có não nhưng vẫn “hoạt động” và có “tư duy”. Sự kì lạ này của thây ma vô tình “trùng khớp” với một loại doanh nghiệp mà người ta thường gọi vui là những công ty thây ma. Khác với những công ty ma (chỉ tồn tại trên giấy), chúng không còn hoạt động tốt và hiệu quả nhưng cũng không dừng hoạt động hay phá sản. Trong bài viết hôm nay, hãy cùng Language Link tìm hiểu về các công ty thây ma, cách thức chúng sinh tồn và ảnh hưởng tới nền kinh tế.
Định nghĩa
Về cơ bản, khi các công ty rơi vào tình trạng mắc nợ quá nhiều và hầu như không còn khả năng trả nổi phần lãi cho các khoản vay chứ chưa nói đến phần nợ gốc đều có thể được xác định là một “công ty thây ma”. Thông thường, khi một công ty lâm vào cảnh đó, chúng thường chỉ có thể tồn tại được nhờ sự hỗ trợ tài chính bởi các bên chủ nợ thông qua việc giảm lãi suất hoặc kéo dài thời gian cho vay. Vật lộn để tồn tại, các “công ty thây ma” bị “mắc kẹt” trong vòng lặp đi vay và trả lãi hòng kéo dài sự sống cho mình. Theo báo cáo của Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS), số lượng “công ty thây ma” hiện nay chiếm tới 12% thị trường, tăng gấp ba lần kể từ thập niên 80 của thế kỉ trước.
Phân biệt với “công ty ma”
Vì tên gọi gần nhau, có nhiều người hiểu lầm công ty thây ma là những công ty ma. Để phân biệt chúng, chúng ta cần hiểu rõ một vấn đề cốt lõi. Đó là về cơ bản, các công ty thây ma là những công ty có thật và hoạt động thật trên thị trường, trong khi công ty ma chỉ là những “công ty vỏ bọc”, chỉ tồn tại trên giấy tờ mà không hề có hoạt động đáng kể nào trên thị trường. Chính vì không có tài sản, hoạt động hoặc nhân viên, công ty ma thường chỉ được sử dụng cho các hoạt động bất hợp pháp như rửa tiền hoặc trốn thuế. Trong khi đó, các công ty thây ma là các công ty đang gặp khủng hoảng về tài chính, tuy nhiên chúng vẫn có đủ khả năng tạo ra một lượng doanh thu để tiếp tục hoạt động và trả lãi cho các khoản nợ của mình dù phụ thuộc rất nhiều vào sự hỗ trợ tài chính từ bên ngoài để duy trì hoạt động.
Các nguyên nhân hình thành
Nguyên nhân chủ quan
Nợ quá mức: Đây là thủ phạm chính đằng sau tình trạng thây ma hóa của các công ty. Các doanh nghiệp gánh nhiều nợ hơn mức họ có thể quản lý phải vật lộn để tạo ra đủ lợi nhuận để trang trải lãi suất và trả nợ gốc. Ví dụ, “gã khổng lồ” bán lẻ Sears đã vật lộn trong nhiều năm dưới một núi nợ, hầu như không thể trả lãi trước khi cuối cùng nộp đơn xin phá sản vào năm 2018.
Hoạt động kém hiệu quả: Quản lý kém, mô hình kinh doanh lỗi thời hoặc thiếu sự đổi mới cũng có thể dẫn đến tình trạng hoạt động kém hiệu quả và làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Kodak cũng từng là một “gã khổng lồ” trong ngành nhiếp ảnh, tuy nhiên, hãng này đã không thể nhanh chóng thích nghi với thời đại kỹ thuật số cho dù hãng vẫn sở hữu công nghệ dành cho máy ảnh kỹ thuật số. Chính vì quá kiên định với mô hình kinh doanh máy ảnh phim truyền thống, Kodak đã lâm vào tình trạng “thây ma hóa” và phá sản vào năm 2012.
Nguyên nhân khách quan
Suy thoái kinh tế: Suy thoái kinh tế có thể làm giảm nhu cầu mua sắm và tiêu dùng, điều này bóp nghẹt biên lợi nhuận của các doanh nghiệp. Trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, nhiều công ty vốn kinh doanh ổn định cũng bị đẩy vào tình trạng zombie khi nhu cầu thị trường giảm mạnh không kiểm soát. Đặc biệt, ngành xây dựng là một trong những ngành bị ảnh hưởng mạnh nhất khi chứng kiến sự gia tăng đột biến các công ty zombie bởi sự mắc kẹt các dự án và nhu cầu nhà đất bốc hơi một cách nhanh chóng.
Lãi suất thấp: Việc lãi suất bị giữ ở mức thấp trong một thời gian dài có thể khiến các công ty mắc nợ nhiều hơn và vượt mức họ có thể xử lý. Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đã đồng loạt cắt giảm lãi suất xuống gần bằng 0. Mặc dù mục đích của động thái này là kích thích tăng trưởng kinh tế, nhưng nó lại khiến các công ty gặp khó khăn trong việc vay nợ để duy trì hoạt động. Theo một nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), lãi suất thấp góp phần đáng kể vào sự gia tăng của các công ty thây ma, đặc biệt là ở khu vực châu Âu và Nhật Bản trong gần 20 năm qua.
Tác động tới nền kinh tế
Tạo ra lực cản kinh tế
Thông qua việc trói buộc các nguồn lực như vốn và lao động của toàn thị trường, các công ty thây ma cản trở không nhỏ các doanh nghiệp khác để đạt năng suất cao hơn và làm việc sáng tạo hơn trong việc sử dụng vốn và lao động hiệu quả. OECD ước tính rằng chính các công ty thây ma làm giảm tăng trưởng năng suất khoảng 0,4% mỗi năm ở các nền kinh tế tiên tiến như nhóm G7. Giống như cỏ dại kìm hãm sự phát triển của những cây khỏe mạnh trong khu vườn, các công ty thây ma tạo lực cản, làm chậm sự hồi phục và tăng trưởng kinh tế cũng như làm suy yếu dần dần nền kinh tế. Một nghiên cứu của Ngân hàng Nhật Bản (BoJ) đã phát hiện ra rằng các khu vực có nhiều công ty thây ma hơn cũng có xu hướng đầu tư ít hơn vào các công nghệ mới và công ty khởi nghiệp, điều này kìm hãm đáng kể sự đổi mới trong nền kinh tế.
Gây bất ổn định hệ thống tài chính
Khi số lượng công ty thây ma tăng vượt mức, điều này gây ra rủi ro lớn cho hệ thống tài chính, đặc biệt là trong thời kỳ suy thoái kinh tế. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nợ doanh nghiệp ở các nền kinh tế lớn đã và vẫn đang ở mức cao kỷ lục với nhiều công ty có nguy cơ vỡ nợ một khi lãi suất tăng hay điều kiện kinh tế đột ngột xấu đi. Giống như một hàng domino, nếu một quân cờ đổ, nó có thể gây ra phản ứng dây chuyền đe dọa đến sự ổn định tài chính của toàn thị trường.
Cách xử lí
Giải pháp cho các công ty thây ma này là gì? Theo các chuyên gia, có bốn chiến lược có thể cân nhắc áp dụng nhằm thổi một luồng sinh khí mới vào các công ty thây ma nhằm giúp chúng thoát khỏi tình trạng tồi tệ này.
Tái cấu trúc nợ và cải thiện năng suất
Vấn đề cốt lõi mà một công ty thây ma gặp phải chính là việc mất cân bằng tài chính. Nếu công ty có thể đàm phán với các chủ nợ để gia hạn thời hạn trả nợ hoặc giảm nợ một cách thành công thì chúng có thể tạo ra không gian thở cần thiết để xoay chuyển tình thế. Như một liệu pháp giải độc tài chính, việc tái cấu trúc nợ có thể giúp các công ty giảm bớt gánh nặng nợ nần. Việc tinh giản hoạt động, cắt giảm chi phí và cải thiện hiệu quả hoạt động có thể giúp tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp. Giống như áp dụng chế độ “giảm cân” hiệu quả, doanh nghiệp có thể liên tục tái cấu trúc và tinh giản bộ máy nhằm cắt giảm chi tiêu không hiệu quả và tập trung vào những mảng sinh lời nhiều hơn.
Ví dụ, năm 2009, General Motors đã trải qua quá trình tái cấu trúc nợ đáng kể trong quá trình phá sản hòng cho phép công ty này nổi lên trở lại với cấu trúc tinh gọn, tập trung và cạnh tranh hiệu quả hơn. Một cái tên khác là Amazon, để trở thành một trong những gã khổng lồ hàng đầu, đã liên tục trải qua các đợt tái cấu trúc hoặc tinh giản bộ máy nhằm tối ưu hóa hoạt động hậu cần và chuỗi cung ứng, giúp duy trì lợi thế dẫn đầu so với các đối thủ cạnh tranh.
Đầu tư chiến lược và cân nhắc việc sáp nhập
Những khoản đầu tư vào các công nghệ hoặc thị trường mới có thể thúc đẩy tăng trưởng và cải thiện sức khỏe tài chính của doanh nghiệp. Điều này giống như việc đại tu một chiếc ô tô cũ, thay thế các bộ phận lỗi thời bằng những bộ phận mới hơn, hiệu quả hơn. Sự chuyển hướng sang điện toán đám mây của Microsoft dưới thời CEO Satya Nadella là một ví dụ điển hình về cách đầu tư chiến lược có thể hồi sinh một công ty.
Bên cạnh đó, việc hợp tác với một công ty mạnh hơn để có được các nguồn lực cần thiết nhằm xoay chuyển tình thế cũng có thể là một lựa chọn khôn ngoan. Chiến lược này giống như việc một vận động viên đang gặp khó khăn hợp tác với một huấn luyện viên hàng đầu để lấy lại phong độ và thành tích vậy. Việc sử dụng nguồn lực hỗ trợ từ một bên khác có thể giúp công ty duy trì hoạt động và thoát khỏi nguy cơ phá sản luôn rình rập. Việc sáp nhập giữa US Airways và American Airlines vào năm 2013 đã giúp cả hai hãng hàng không lão làng này khắc phục những hạn chế mà chúng gặp phải trong nhiều năm, đồng thời tạo ra cơ hội và khả năng để phát triển hơn.
Như vậy, có thể thấy rằng các công ty thây ma là một hiện tượng phổ biến trong thế giới kinh doanh. Bằng cách hiểu được hiện tượng này và nắm bắt kĩ quá trình “thây ma hóa doanh nghiệp”, các nhà kinh doanh có thể điều hướng tốt hơn trong các tình thế nguy hiểm, tránh việc lâm vào vòng xoáy nợ nần, đặc biệt trong những giai đoạn nhạy cảm như suy thoái kinh tế. Suy cho cùng, việc đảm bảo các doanh nghiệp có thể giữ được sự năng động và duy trì cũng như ngày càng nâng cao năng lực cạnh tranh là việc tối quan trọng, giúp cho hiện tượng “thây ma hoá” không lan rộng tới mức mất kiểm soát, giúp nền kinh tế vẫn có đủ không gian và cơ hội để phát triển khoẻ mạnh.
Giới thiệu gói nhượng quyền thương mại trung tâm Anh ngữ quốc tế Language Link Academic
Hệ thống nhượng quyền trung tâm Anh ngữ quốc tế của Language Link được thiết kế đặc biệt nhằm đáp ứng nhu cầu của các tổ chức và cá nhân có mong muốn đầu tư vào lĩnh vực giáo dục vẫn đang còn nhiều tiềm năng phát triển. Bên cạnh nguồn thu từ trung tâm tiếng Anh, một số nguồn thu bổ sung bao gồm:
- Chia sẻ hoa hồng dịch vụ du học;
- Bán giáo trình và các khóa học đào tạo giáo viên trực tuyến có bản quyền;
- Các chương trình đào tạo ngoài trung tâm, tiếp cận đến các trường tiểu học và trung học.
Về thương hiệu Language Link Academic
Language Link Academic (LLA) được thành lập năm 1996 tại Hà Nội với tên gọi Language Link Việt Nam, trở thành một trong những đơn vị giáo dục tiếng Anh bản ngữ đầu tiên tại Việt Nam.
Áp dụng công nghệ giáo dục tiêu chuẩn châu Âu, LLA phát triển thành công chương trình đào tạo tiếng Anh hoàn hảo dành cho người Việt và đã sát cánh cùng hàng trăm nghìn học sinh và phụ huynh trong suốt hơn 25 năm qua. Hàng chục chương trình giáo dục đa kênh của LLA ra đời nhằm giúp học sinh người Việt học tiếng Anh tốt hơn, nhanh hơn, sẵn sàng và tự tin viết nên câu chuyện của chính mình không chỉ tại Việt Nam mà bất cứ đâu trên toàn thế giới.
Hệ thống trung tâm Anh ngữ LLA đã có mặt tại 10 tỉnh thành trên toàn quốc và là đối tác lâu năm của Sở Giáo dục và Đào tạo Tp. Hà Nội trong gần 20 năm.
Để nhận tư vấn về gói nhượng quyền, vui lòng để lại thông tin tại đây hoặc gửi email tới địa chỉ franchise@languagelink.edu.vn, hotline: 0989857371.