Bạn đã bao giờ vô tình nhìn thấy một video chứa phát ngôn gây tranh cãi hay hành động kì quặc của một nhà lãnh đạo thế giới hay một người nổi tiếng mà bạn không thể tin vào mắt mình và buộc phải đi tìm kiếm các nguồn tin khác để xác minh chưa? Video mà bạn đã xem đó có thể là thật, nhưng chúng cũng có thể là giả dù rằng chúng trông rất…thật. Đây chính là “sức mạnh” của công nghệ deepfake, một dạng công nghệ tạo dựng hình ảnh có sử dụng trí tuệ nhân tạo với độ chân thực rất đáng kinh ngạc đã được rất nhiều người nói đến gần đây.
Dù rằng deepfake không quá mới mẻ nhưng nó vẫn còn khá xa lạ với đa số chúng ta bất chấp những ứng dụng của deepfake trong cuộc sống hiện đại đang trên đà trở nên phổ biến hơn. Trong bài viết hôm nay, hãy cùng nhau tìm hiểu về deepfake và các ứng dụng của nó, đặc biệt là trong giáo dục và giáo dục ngôn ngữ.
Deepfake là gì?
Như đã nói ở trên, deepfake là công nghệ sử dụng máy học hay còn gọi là trí tuệ nhân tạo để tạo ra các video chân thực về người hoặc sự vật bằng cách phân tích các đặc điểm hình dạng (như khuôn mặt, dáng người, cử chỉ, v.v.) và tạo ra hình ảnh mới dựa trên hệ thống lưới kĩ thuật số. Với kĩ thuật ngày càng cao, deepfake giờ đây có thể tái hiện không chỉ ngoại hình mà còn cả giọng nói của một nhân vật nào đó. Deepfake hiện đang được sử dụng rộng rãi trong các ngành giải trí, nghệ thuật, kinh doanh, giáo dục và thậm chí cả chính trị.
Một số ứng dụng của deepfake
Trong giải trí và nghệ thuật
Với công dụng tuyệt vời, deepfake cho phép “hồi sinh” các diễn viên hoặc người nổi tiếng đã qua đời trong các tác phẩm phim hoặc chương trình giải trí, deepfake còn có thể nâng cao tính chân thực cho các trò chơi điện tử cũng như các sản phẩm thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR). Ví dụ như trong bộ phim Rogue One: A Star Wars Story (2016), sản phẩm tái tạo kĩ thuật số của Carrie Fisher và Peter Cushing trong vai Công chúa Leia và Grand Moff Tarkin đã được sử dụng trong một số cảnh quay dù hai cố diễn viên này đều đã qua đời trước đó. Ngoài ra; một số trò chơi điện tử như The Submarine (2019) và Forza Horizon 5 (2021) đã sử dụng deepfake để tạo ra hiệu ứng thời tiết phức tạp như bão cát, v.v. làm thay đổi địa hình một cách linh hoạt, v.v..
Bên cạnh các sản phẩm giải trí, deepfake còn được sử dụng trong nghệ thuật khi cho phép tạo ra các thử nghiệm nghệ thuật mới, chẳng hạn như một triển lãm tại Bảo tàng Nghệ thuật CAFA ở Bắc Kinh (Trung Quốc) mang tên Deepfakes in Art and Museums (2020) cho phép khách tham quan chiêm ngưỡng khuôn mặt và lắng nghe giọng nói của các nhân vật lịch sử cũng như thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng theo một cách sống động. Ngoài ra, một triển lãm khác tại EPFL Pavilions ở Lausanne (Thụy Sĩ) mang tên Deepfakes: Art and Its Double (2021) đã sử dụng công nghệ deepfake để diễn giải lại các mẫu vật tinh xảo của nghệ thuật và kiến trúc xuyên Á, v.v..
Trong việc kinh doanh
Trong kinh doanh, deepfake được cho là có tiềm năng nâng cao hiệu quả của hoạt động tiếp thị, bán hàng và hậu mãi thông qua các sản phẩm quảng cáo, nội dung kĩ thuật số được cá nhân hóa, kích thích khách hàng tương tác và chủ động nắm bắt thông tin về sản phẩm, chương trình khuyến mãi, chương trình hậu mãi, v.v.. Ngoài ra, deepfake còn được cho là sẽ cải thiện cách đào tạo bên trong doanh nghiệp và nhiều hoạt động khác.
Trong giáo dục và chính trị
Trong giáo dục, deepfake hỗ trợ tạo nội dung hoặc mô phỏng nội dung học đa chiều hơn với sự góp mặt của các nhân vật hoặc chuyên gia nhằm giúp bài giảng trở nên sinh động, cho phép người học tiếp thu kiến thức một cách hiệu quả hơn. Không chỉ tái tạo hình ảnh, deepfake như có nhắc tới bên trên, có thể tái tạo cả giọng nói, cử chỉ khuôn mặt, giúp cho việc truyền tải nội dung học trở nên hiện đại và thú vị hơn. Hiện nay, các môn học như khoa học, lịch sử, ngôn ngữ, giáo dục thể chất áp dụng deepfake nhiều hơn cả bởi tính tương tác trong lớp học cao. Ví dụ như năm 2017, Đại học Washington đã sử dụng deepfake để giới thiệu Abraham Lincoln phát biểu tại Gettysburg, trong khi đó, Tạp chí TIME kết hợp cùng với Đại học Stanford đã sử dụng deepfake để chiếu cảnh Martin Luther King Jr. đọc bài phát biểu “Tôi có một giấc mơ” ở một sự kiện trong năm 2020.
Trong giáo dục ngôn ngữ, deepfake có thể giúp người học học cách phát âm, ngữ điệu thông qua hình ảnh mô phỏng người bản xứ hoặc người nổi tiếng, giúp người học có thể bắt chước. Bên cạnh đó, deepfake còn có thể tạo ra các kịch bản sống động, phục vụ cho các hoạt động tương tác, giao tiếp trong lớp học với chủ đề đa dạng, từ các sự kiện lịch sử, lễ hội văn hóa đến các chuyến đi thực tế ảo, v.v.. Với sự hỗ trợ của deepfake, lộ trình học và trải nghiệm học của người học còn có thể được cá nhân hóa và điều chỉnh theo nhu cầu, sở thích, sở trường của từng học sinh. Việc áp dụng các ứng dụng deepfake hình ảnh, giọng nói giúp cho người học có thể làm quen, tìm hiểu và nắm bắt cũng như luyện tập sử dụng các loại ngôn ngữ khác nhau, ngoài ra cũng có thể giúp giáo viên hiểu hơn về học sinh của mình và xác định các cách để giúp họ cải thiện việc học tốt hơn.
Trong chính trị, deepfake được các nhà chính trị và đảng phái sử dụng để tuyên truyền, kêu gọi và truyền đạt thông tin tới đảng viên hoặc cử tri. Tuy nhiên, nó cũng bị lợi dụng để lan truyền thông tin sai lệch, làm xói mòn lòng tin của dân chúng hoặc kích động bạo lực trong dân chúng. Chẳng hạn như năm 2022 đã xuất hiện một video deepfake Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskĩy kêu gọi người dân của mình đầu hàng hay trước đó cũng từng có một video khác về cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama chế nhạo và đe dọa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào năm 2017. Cả hai video đều lan truyền trên mạng Internet một cách chóng mặt, khiến cho chính phủ và cả chính trị gia phải lên tiếng đính chính.
Deepfake bị lạm dụng như thế nào?
Như một số ví dụ bên trên, dễ thấy deepfake là một công nghệ dễ bị lợi dụng cho các mục đích độc hại hoặc phi đạo đức. Bên cạnh các nội dung nhằm lan truyền tin giả, những nội dung khiêu dâm nhằm bêu xấu, trả đũa các nạn nhân cũng xuất hiện rất nhiều và khó kiểm soát. Nạn nhân của nạn deepfake video khiêu dâm thường là phụ nữ, họ có thể là những người nổi tiếng hoặc có thể chỉ là những người bình thường.
Gần đây, một nền tảng mạng xã hội đã buộc phải tạm thời cấm từ khóa tên của một ngôi sao nhạc pop sau khi hàng nghìn hình ảnh và video khiêu dâm deepfake về cô bị lan truyền một cách khó kiểm soát. Trước đó, vào năm 2021, một video giả mạo quay cảnh một chính trị gia người Pháp yêu cầu những người ủng hộ ông quyên góp tiền cho một tài khoản tranh cử giả cũng từng khiến chính phủ Pháp phải vào cuộc. Hây như năm 2019, một giám đốc điều hành của một công ti năng lượng của Anh đã trở thành nạn nhân của một cuộc gọi điện thoại giả mạo khi được yêu cầu chuyển 243 nghìn đô la cho một nhà cung cấp “ma”.
Làm thế nào để kiểm soát việc lạm dụng deepfake?
Để ngăn chặn thiệt hại do nội dung deepfake gây ra, điều cần thiết là phải phát triển và triển khai đồng bộ các công nghệ phát hiện nội dung deepfaake và xác minh nội dung đó, đồng thời các nhà lập pháp cần thông qua và thực thi các luật hoặc qui định cấm hoặc hạn chế việc sử dụng nội dung deepfake cho các mục đích có hại. Đồng thời, các cá nhân và tổ chức cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức về deepfake trong người dân, giúp họ nắm chắc các kiến thức cơ bản và nhìn nhận chính xác về lợi ích và rủi ro của nó, đồng thời khuyến khích việc sử dụng công nghệ deepfake một cách có đạo đức và có trách nhiệm giữa người sáng tạo và người tiêu dùng.
Năm 2019 và 2020 là hai năm quan trọng trong việc triển khai các hành động nhằm kiểm soát việc lạm dụng deepfake trên toàn cầu. Các công ti công nghệ lớn đã đồng loạt đưa ra các sáng kiến chống lại việc lạm dụng deepfake, chẳng hạn như DFDC của ba “ông lớn” là Facebook, Microsoft và Amazon Web Services (AWS) khi tạo ra một bộ dữ liệu qui mô lớn về video deepfake và thúc đẩy sự phát triển của các phương pháp phát hiện deepfake mới trong hệ thống trường đại học tại Mĩ. Ngoài ra, một mạng phát hiện deepfake gọi tắt là DDN do các nhà nghiên cứu tại Đại học California, Berkeley đề xuất có thể phát hiện các video deepfake thông qua việc kiểm tra sự chuyển động của các điểm ảnh thể hiện nét mặt và tư thế đầu nhằm xác minh độ chân thực.
Giới thiệu gói nhượng quyền thương mại trung tâm Anh ngữ quốc tế Language Link Academic
Hệ thống nhượng quyền trung tâm Anh ngữ quốc tế của Language Link được thiết kế đặc biệt nhằm đáp ứng nhu cầu của các tổ chức và cá nhân có mong muốn đầu tư vào lĩnh vực giáo dục vẫn đang còn nhiều tiềm năng phát triển. Bên cạnh nguồn thu từ trung tâm tiếng Anh, một số nguồn thu bổ sung bao gồm:
- Chia sẻ hoa hồng dịch vụ du học;
- Bán giáo trình và các khóa học đào tạo giáo viên trực tuyến có bản quyền;
- Các chương trình đào tạo ngoài trung tâm, tiếp cận đến các trường tiểu học và trung học.
Về thương hiệu Language Link Academic
Language Link Academic (LLA) được thành lập năm 1996 tại Hà Nội với tên gọi Language Link Việt Nam, trở thành một trong những đơn vị giáo dục tiếng Anh bản ngữ đầu tiên tại Việt Nam.
Áp dụng công nghệ giáo dục tiêu chuẩn châu Âu, LLA phát triển thành công chương trình đào tạo tiếng Anh hoàn hảo dành cho người Việt và đã sát cánh cùng hàng trăm nghìn học sinh và phụ huynh trong suốt hơn 25 năm qua. Hàng chục chương trình giáo dục đa kênh của LLA ra đời nhằm giúp học sinh người Việt học tiếng Anh tốt hơn, nhanh hơn, sẵn sàng và tự tin viết nên câu chuyện của chính mình không chỉ tại Việt Nam mà bất cứ đâu trên toàn thế giới.
Hệ thống trung tâm Anh ngữ LLA đã có mặt tại 10 tỉnh thành trên toàn quốc và là đối tác lâu năm của Sở Giáo dục và Đào tạo Tp. Hà Nội trong gần 20 năm.
Để nhận tư vấn về gói nhượng quyền, vui lòng để lại thông tin tại đây hoặc gửi email tới địa chỉ franchise@languagelink.edu.vn, hotline: 0989857371.
Xem thêm: