Cần làm gì khi Google ngừng sử dụng cookie bên thứ ba?
Theo kế hoạch đã công bố, Google sẽ chính thức ngừng sử dụng cookie (tệp lưu trữ phiên đăng nhập) của bên thứ ba trong trình duyệt Chrome của hãng từ đầu năm 2025. Điều này không chỉ đánh dấu sự chuyển hướng của các nền tảng trong việc phát triển công nghệ tôn trọng quyền riêng tư của người dùng mà còn được cho là sẽ tái định hình các chiến lược quảng cáo trực tuyến – điều vô cùng quan trọng đối với các nhà quảng cáo vốn đã quen với việc tận dụng lợi thế từ công nghệ khai thác cookie để nhắm mục tiêu và tối ưu hiệu suất quảng cáo. Trong bài viết hôm nay, hãy cùng Language Link tìm hiểu về những việc mà các nhà quảng cáo cần thực hiện trước khi Google ngừng sử dụng cookie bên thứ ba trong tương lai.
Cookie là gì?
Để hiểu rõ hơn, hãy quay lại những kiến thức cơ bản về cookie và vai trò của nó trong quảng cáo kĩ thuật số trong những năm qua.
Nhìn chung, cookie là các tệp lưu trữ dữ liệu phiên đăng nhập của người dùng trên trình duyệt. Các cookie bên thứ ba vốn được lưu trữ trên thiết bị của người dùng, chúng theo dõi hành vi duyệt web của họ và cho phép các nền tảng quảng cáo khai thác và xây dựng hồ sơ chi tiết về thông tin, hành vi của người dùng. Từ đó, các nền tảng có thể phỏng đoán các đặc điểm, mối quan tâm, thói quen, nhu cầu, sở thích của họ nhằm phục vụ cho kĩ thuật cá nhân hoá quảng cáo. Theo một nghiên cứu của Pew Research Center, có tới 72% người Mỹ cảm thấy họ luôn bị theo dõi trên mạng bởi các nền tảng quảng cáo và luôn lo ngại về việc bị xâm hại quyền riêng tư cũng như cách họ có thể kiểm soát dữ liệu người dùng của mình.
Quyết định của Google từng bước loại bỏ dần cookie của bên thứ ba ra khỏi cách vận hành quảng cáo cho thấy mối lo ngại về quyền riêng tư ngày càng cấp thiết. Thay đổi này nhằm mục đích tạo điều kiện cho người dùng có cơ hội kiểm soát dữ liệu của bản thân một cách tốt hơn cũng như hạn chế nguy cơ bị theo dõi bởi các nền tảng quảng cáo khi lướt web. Trên thực tế, liên minh phát triển các tiêu chuẩn truy xuất thông tin uy tín hàng đầu thế giới – World Wide Web Consortium (W3C) – cho biết họ đang nỗ lực cho việc phát triển các tiêu chuẩn riêng tư mới mà vẫn cho phép quảng cáo hiệu quả.
Các nhà quảng cáo cần làm gì khi cookie bị “thất sủng”?
Việc quảng cáo kỹ thuật số dựa vào cookie đã sắp sửa đi vào quá khứ. Vậy các nhà quảng cáo cần làm gì để quá trình chuyển đổi này được suôn sẻ? Dưới đây là một số bước chuẩn bị mà chúng tôi nghĩ các nhà quảng cáo nên thực hiện:
1. Kiểm tra việc sử dụng cookie bên thứ ba
Đầu tiên, hãy đánh giá mức độ phụ thuộc hiện tại của bạn vào cookie của bên thứ ba. Để làm được điều này, bạn có thể sử dụng các công cụ như Chrome DevTools hoặc Privacy Sandbox Analysis Tool (PSAT) của Google. Các công cụ này giúp xác định vị trí và cách thức cookie được sử dụng trên trang web của bạn. Một báo cáo của eMarketer tiết lộ rằng có tới 83% nhà tiếp thị hiện nay phụ thuộc nhiều vào cookie của bên thứ ba trong hoạt động quảng cáo kỹ thuật số.
2. Đầu tư vào quản trị dữ liệu bên thứ nhất
Dữ liệu bên thứ nhất là dữ liệu mà chúng ta thu thập trực tiếp từ khách hàng và đối tượng mục tiêu của mình thông qua các tương tác trên nền tảng số với họ. Việc xây dựng chiến lược khởi tạo, quản lí và khai thác dữ liệu bên thứ nhất mạnh mẽ đặc biệt quan trọng trong kỷ nguyên hậu cookie.
Thu thập dữ liệu trực tiếp từ khách hàng thông qua đăng ký trang web, đăng ký bản tin hoặc chương trình khách hàng thân thiết là những phương pháp cơ bản. Theo Salesforce, các công ty sử dụng dữ liệu bên thứ nhất tốt sẽ đạt được mức tăng trưởng doanh thu cao hơn 1,5 lần. Bằng cách cung cấp giá trị để đổi lấy dữ liệu, bạn có thể tạo dựng niềm tin và hiểu biết sâu sắc hơn về công chúng của mình.
3. Tận dụng Google Ads Audience Solutions
Giải pháp đối tượng của Google Ads cung cấp các công cụ nhằm tận dụng dữ liệu của bên thứ nhất cho việc nhắm mục tiêu quảng cáo. Việc tải lên danh sách dữ liệu bên thứ nhất cho phép nền tảng tiếp cận khách hàng thực của bạn và tìm hiểu họ để nhận diện phân khúc có giá trị, sau đó duy trì mối liên kết với họ thông qua các thông điệp có liên quan.
Ngoài ra, Google Ads còn có những tính năng cho phép các chiến dịch “tiếp thị lại” (còn gọi là remarketing) không cần dựa vào cookie của bên thứ ba khi sử dụng công nghệ học máy nhằm xác định những người dùng trước đây đã tương tác với thương hiệu của bạn để từ đó phân phối quảng cáo tới họ một cách chính xác nhất.
4. Sử dụng các công cụ hỗ trợ AI
Google Ads sở hữu một bộ công cụ hỗ trợ AI “đáng gờm” giúp tối ưu hóa hiệu suất chiến dịch trong trường hợp không có sự hỗ trợ bởi dữ liệu bên thứ ba.
Các tính năng thông minh này giúp các nhà quảng cáo nhắm tìm khách hàng mục tiêu mới dựa trên nhân khẩu học, sở thích của khách hàng hiện tại. Một số công cụ còn cho phép tự động hoá bước đặt giá thầu nhằm tiết kiệm thời gian thiết lập chiến dịch. Ngoài ra, các tính năng khám phá dữ liệu chung, tối ưu tự động còn cho phép thuật toán của Google điều chỉnh bản sao quảng cáo để tạo hiệu suất tốt hơn. Theo báo cáo của PwC, AI được kì vọng sẽ đóng góp tới 15,7 nghìn tỉ đô la Mỹ cho nền kinh tế toàn cầu vào năm 2030, chứng tỏ tiềm năng cực kì lớn của nó trong lĩnh vực quảng cáo kỹ thuật số.
5. Thích ứng với API Web mới
Để có thể hoàn toàn loại bỏ cookie của bên thứ ba khỏi mô hình quảng cáo kỹ thuật số, Google đang phát triển các giải pháp thay thế cho những chức năng cũ. Các tính năng như Storage Access API hay Related Website Sets cho phép bạn đảm bảo rằng độ phủ của quảng cáo ít bị ảnh hưởng nhất và duy trì hiệu suất nhắm mục tiêu của chiến dịch. Ngoài ra, Interactive Advertising Bureau (IAB) khuyến nghị các nhà quảng cáo nên đẩy mạnh những quảng cáo tạo tương tác với khách hàng mục tiêu để mô hình máy học có thể tích luỹ nhiều thông tin và nâng cao hơn chất lượng quảng cáo.
Có thể nói rằng việc Google ngừng sử dụng cookie bên thứ ba tuy là một thay đổi mang tính thách thức cho ngành quảng cáo kỹ thuật số nhưng nó không phải trở ngại không thể vượt qua. Bằng cách triển khai các biện pháp bên trên và luôn cập nhật thông tin cũng như theo dõi các xu hướng, thương hiệu hoàn toàn có thể thích ứng và phát triển trong bối cảnh mới.
Giới thiệu gói nhượng quyền thương mại trung tâm Anh ngữ quốc tế Language Link Academic
Hệ thống nhượng quyền trung tâm Anh ngữ quốc tế của Language Link được thiết kế đặc biệt nhằm đáp ứng nhu cầu của các tổ chức và cá nhân có mong muốn đầu tư vào lĩnh vực giáo dục vẫn đang còn nhiều tiềm năng phát triển. Bên cạnh nguồn thu từ trung tâm tiếng Anh, một số nguồn thu bổ sung bao gồm:
- Chia sẻ hoa hồng dịch vụ du học;
- Bán giáo trình và các khóa học đào tạo giáo viên trực tuyến có bản quyền;
- Các chương trình đào tạo ngoài trung tâm, tiếp cận đến các trường tiểu học và trung học.
Về thương hiệu Language Link Academic
Language Link Academic (LLA) được thành lập năm 1996 tại Hà Nội với tên gọi Language Link Việt Nam, trở thành một trong những đơn vị giáo dục tiếng Anh bản ngữ đầu tiên tại Việt Nam.
Áp dụng công nghệ giáo dục tiêu chuẩn châu Âu, LLA phát triển thành công chương trình đào tạo tiếng Anh hoàn hảo dành cho người Việt và đã sát cánh cùng hàng trăm nghìn học sinh và phụ huynh trong suốt hơn 25 năm qua. Hàng chục chương trình giáo dục đa kênh của LLA ra đời nhằm giúp học sinh người Việt học tiếng Anh tốt hơn, nhanh hơn, sẵn sàng và tự tin viết nên câu chuyện của chính mình không chỉ tại Việt Nam mà bất cứ đâu trên toàn thế giới.
Hệ thống trung tâm Anh ngữ LLA đã có mặt tại 10 tỉnh thành trên toàn quốc và là đối tác lâu năm của Sở Giáo dục và Đào tạo Tp. Hà Nội trong gần 20 năm.
Để nhận tư vấn về gói nhượng quyền, vui lòng để lại thông tin tại đây hoặc gửi email tới địa chỉ franchise@languagelink.edu.vn, hotline: 0989857371.