Trong một số bài viết trước, chúng tôi đã viết về một số khía cạnh của nhượng quyền thương mại. Còn hôm nay, Language Link xin được cùng quí vị tìm hiểu về các loại nhượng quyền thương mại. Chúng tôi hy vọng có thể giúp cho các nhà đầu tư phần nào trong các quyết định của mình.
Trước hết, nhượng quyền thương mại là phương thức kinh doanh linh hoạt, có thể áp dụng vào nhiều lĩnh vực kinh doanh với đa dạng các loại sản phẩm. Tùy theo các yếu tố đánh giá mà phân chia nhượng quyền thương mại thành nhiều loại khác nhau: từ mức đầu tư, chiến lược kinh doanh, hoạt động kinh doanh, hoạt động tiếp thị – truyền thông tới mô hình quản lí quan hệ, v.v..
1. Nhượng quyền công việc
Nhượng quyền công việc là hình thức nhượng quyền có vốn đầu tư thấp. Bên nhượng quyền ủy thác công việc họ nhận được cho bên nhận quyền, bên nhận quyền sẽ thực hiện công việc. Thông thường, bên nhận quyền sẽ phải tự chuẩn bị và đầu tư trang thiết bị cũng như hàng hóa phục vụ cho công việc được ủy thác, lợi nhuận sẽ được chia sẻ giữa bên nhận và nhượng quyền.
Một số loại hình kinh doanh hoạt động theo mô hình nhượng quyền công việc mà chúng ta có thể tìm thấy trên thị trường là dịch vụ sửa chữa tại nhà, dịch vụ vệ sinh tận nơi, dịch vụ tổ chức sự kiện, dịch vụ trông trẻ tại gia hay dịch vụ gia sư,v.v..
2. Nhượng quyền phân phối
Nhượng quyền phân phối là hình thức nhượng quyền mảng phân phối giữa nhà sản xuất với nhà phân phối. Bên sản xuất sau khi hoàn tất công đoạn sản xuất sẽ chuyển thành phẩm cho bên phân phối để từ đó đưa hàng hóa ra thị trường. Bên phân phối được nhận quyền sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn mảng phân phối sản phẩm, bao gồm trưng bày, tiếp thị trực tiếp, bán lẻ, vận chuyển, hậu mãi. Nhượng quyền phân phối cho phép nhà sản xuất tập trung nguồn lực vào khâu sản xuất và chuyển chi phí khâu phân phối cho bên nhận quyền.
Một số loại hình kinh doanh hoạt động theo mô hình nhượng quyền phân phối thường gặp là đại lí buôn bán và sửa chữa xe máy, ô tô, trung tâm máy tính, máy ảnh, thiết bị gia dụng, v.v.. Đôi khi, có những trường hợp phạm vi nhượng quyền rộng hơn mảng phân phối, ví dụ như Coca-Cola và Pepsi khi họ nhượng quyền cả một phần trong quá trình sản xuất sản phẩm.
3. Nhượng quyền đầu tư
Nhượng quyền đầu tư hay nhượng quyền chiến lược thông thường xuất hiện dưới dạng các dự án quy mô “khủng” với vốn đầu tư lớn như khách sạn lớn, quần thể du lịch, v.v..
Bên nhượng quyền sẽ ủy thác cho bên nhận quyền quyền đầu tư tiền và tham gia vào đội ngũ quản lí của dự án. Bên nhận quyền sẽ được trực tiếp tham gia vào công việc kinh doanh của dự án, từ đó thu lợi từ chính lợi nhuận mà dự án kiếm được, sau đó tiếp tục đầu tư vào dự án.
4. Nhượng quyền chuyển đổi
Nhượng quyền chuyển đổi thực chất là việc bên nhượng quyền và bên nhận quyền sửa đổi mối quan hệ giữa họ từ những tổ chức, đơn vị kinh doanh độc lập trong cùng ngành thành mối quan hệ nhượng quyền. Từ vị trí những đối tác hay thậm chí đối thủ, những hệ thống nhượng quyền mở rộng bằng cách chuyển đối tác, đối thủ thành bên nhận quyền của mình, cho phép họ sử dụng thương hiệu, tiêu chuẩn, phương châm, quy trình của mình để tiếp tục hoạt động kinh doanh trong ngành đó.
Các bên nhận quyền nhờ tham gia vào mối quan hệ này mà có thể sử dụng nhãn hiệu có uy tín, giá trị cao hơn, qui chuẩn hóa được các quy trình, hoạt động của mình, tiết kiệm được các khoản chi phí về tiếp thị, quảng cáo, đồng thời có thể tập trung vào khâu vận hành, chăm sóc khách hàng thay vì phải phân bổ ngân sách cho khâu sản xuất, phát triển sản phẩm. Còn bên nhượng quyền trong mô hình này được lợi từ việc phát triển quy mô nhanh chóng về số lượng đơn vị cũng như thu được phí bản quyền từ các bên nhận quyền.
5. Nhượng quyền định dạng kinh doanh
Định dạng kinh doanh bao gồm toàn bộ hệ thống vận hành, tuyển dụng, đào tạo, sản xuất, tiếp thị, phân phối, hậu mãi,… Hình thức này cho phép bên nhượng quyền ủy thác cho bên nhận quyền việc sử dụng thương hiệu của mình trên một phạm vi thị trường nhất định. Hình thức này thường được nhắc đến như nhượng quyền thương hiệu.
Với hình thức nhượng quyền định dạng kinh doanh, bên nhượng quyền sẽ ban hành những quy tắc, quy trình, thủ tục chi tiết về mọi khía cạnh thuộc hoạt động kinh doanh mà bên nhận quyền sẽ cần phải tuân thủ đầy đủ. Nhượng quyền định dạng kinh doanh được coi là hình thức phổ biến nhất của nhượng quyền thương mại và thường được nhắc đến như hình thức đại diện cho nhượng quyền thương mại. Có thể dễ dàng tìm thấy các doanh nghiệp nhượng quyền định dạng kinh doanh trên thị trường, ví dụ như các chuỗi nhà hàng, quán nước, phòng gym, trung tâm giáo dục, v.v..
Giới thiệu gói nhượng quyền thương mại trung tâm Anh ngữ quốc tế Language Link Academic
Hệ thống nhượng quyền trung tâm Anh ngữ quốc tế của Language Link được thiết kế đặc biệt nhằm đáp ứng nhu cầu của các tổ chức và cá nhân có mong muốn đầu tư vào lĩnh vực giáo dục vẫn đang còn nhiều tiềm năng phát triển. Bên cạnh nguồn thu từ trung tâm tiếng Anh, một số nguồn thu bổ sung bao gồm:
- Chia sẻ hoa hồng dịch vụ du học;
- Bán giáo trình và các khóa học đào tạo giáo viên trực tuyến có bản quyền;
- Các chương trình đào tạo ngoài trung tâm, tiếp cận đến các trường tiểu học và trung học.
Về thương hiệu Language Link Academic
Language Link Academic (LLA) được thành lập năm 1996 tại Hà Nội với tên gọi Language Link Việt Nam, trở thành một trong những đơn vị giáo dục tiếng Anh bản ngữ đầu tiên tại Việt Nam.
Áp dụng công nghệ giáo dục tiêu chuẩn châu Âu, LLA phát triển thành công chương trình đào tạo tiếng Anh hoàn hảo dành cho người Việt và đã sát cánh cùng hàng trăm nghìn học sinh và phụ huynh trong suốt hơn 25 năm qua. Hàng chục chương trình giáo dục đa kênh của LLA ra đời nhằm giúp học sinh người Việt học tiếng Anh tốt hơn, nhanh hơn, sẵn sàng và tự tin viết nên câu chuyện của chính mình không chỉ tại Việt Nam mà bất cứ đâu trên toàn thế giới.
Hệ thống trung tâm Anh ngữ LLA đã có mặt tại 10 tỉnh thành trên toàn quốc và là đối tác lâu năm của Sở Giáo dục và Đào tạo Tp. Hà Nội trong gần 20 năm.
Để nhận tư vấn về gói nhượng quyền, vui lòng để lại thông tin tại đây hoặc gửi email tới địa chỉ franchise@languagelink.edu.vn, hotline: 0989857371.