9 xu hướng giáo dục năm 2023

COVID-19 như một chuyến tàu lượn siêu tốc đưa cả thế giới tới với một chiều tương lai khác hoàn toàn với dự báo của những năm tiền đại dịch. Bước sang năm ảnh hưởng thứ tư, với sự lên ngôi mạnh mẽ của công nghệ trong giáo dục trong những năm đại dịch vừa qua, kỉ nguyên giáo dục mới sẽ ngày càng thông minh và sống động hơn bao giờ hết. Trong bài viết hôm nay, hãy cùng Language Link tìm hiểu 9 xu hướng giáo dục nổi bật trong năm 2023.

1. “Game” hóa giáo dục

Việc sử dụng các trò chơi trong giảng dạy không phải là một phương pháp mới mẻ trong giáo dục. Các nhà giáo dục đã sử dụng phương pháp này từ lâu, nhất là trong giáo dục mẫu giáo và tiểu học. Tuy nhiên, “game hóa giáo dục” (thuật ngữ là gamification) không chỉ đơn giản như vậy. Nó tái tạo lại các bài học và chuyển hóa kiến thức thành nội dung của các trò chơi, đặc biệt là trò chơi điện tử. Người học thay vì đơn thuần tiếp thu kiến thức qua việc đọc tài liệu và lắng nghe giải thích từ người dạy, họ được trao cơ hội làm chủ bài học và thể hiện năng lực thẩm thấu kiến thức của mình. “Game hóa” hiện đang được tập trung phát triển cho độ tuổi thanh thiếu niên – những người sinh ra và lớn lên trong thời đại bùng nổ của trò chơi điện tử. Nhờ “game hóa”, các tiết học trên lớp có mức độ tương tác vượt trội so với các phương thức giảng dạy truyền thống.

Với sự phát triển của công nghệ và eLearning (học tập trong môi trường số), kĩ thuật này dự báo sẽ nở rộ trong năm tới.

2. Giáo dục tích hợp thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR)

Giới trẻ tỏ ra thích thú với VR (virtual reality) và AR (augmented reality) hơn bao giờ hết kể từ khi những kĩ thuật này được giới thiệu cách đây vài năm tới đông đảo người dùng. Theo báo cáo của Market Research Future (MRFR) – một đơn vị nghiên cứu thị trường tổng hợp toàn cầu tại Mĩ – VR và AR được dự báo sẽ tăng trưởng khoảng 18,2% mỗi năm trong 5 năm tới. Điều gì đang thúc đẩy xu hướng này?

VR và AR cung cấp cho người học một không gian ảo – nơi những kiến thức mà họ tiếp nhận được hình ảnh hóa, âm thanh hóa và có khả năng tương tác gián tiếp qua công cụ và máy móc. Với sự hỗ trợ của VR và AR, người học và cả người dạy có thể rút ngắn thời gian truyền đạt thông tin, đồng thời có thể đào sâu vào bài học, từ đó nâng cao hiệu quả giảng dạy. Hiện VR và AR đang được áp dụng nhiều trong giảng dạy STEM, kĩ thuật, sinh học, nghệ thuật, v.v..

3. Học nano

Kĩ thuật học nano (nano learning) còn được gọi là học “bite-sized” (tạm dịch “học vừa sức”), trong đó các chủ điểm học tập được phân chia thành những phần nhỏ, dễ hiểu và dễ ghi nhớ hơn, thường được áp dụng trong các chương trình học có thời lượng ngắn và hàm lượng kiến thức cao.

Với học nano, người học được tham gia các buổi học khoảng 5-10 phút với nội dung học đa phương tiện, cung cấp một lượng thông tin vừa phải để kịp thẩm thấu. Học nano thường hướng tới các đối tượng người học là người lớn đi làm với lịch làm việc dày đặc nhưng vẫn muốn học tập.

4. Kết hợp giáo dục với trí thông minh nhân tạo (AI)

Sẽ là thiếu sót nếu không kể đến xu hướng tích hợp AI (artificial intelligence) sâu hơn vào giáo dục. Ai cũng biết AI có thể tương tác và giúp đỡ con người trong mọi lĩnh vực và là yếu tố đột phá tiếp theo trong tiến bộ khoa học – kĩ thuật loài người. Sự hữu dụng của AI giúp đẩy nhanh hiệu suất của nhiều ngành nghề và thúc đẩy cuộc cách mạng 4.0 đến với mọi mặt của thế giới, trong đó có giáo dục.

Giá trị thị trường giáo dục thông minh ước đạt 3,68 ti đô vào năm 2023 với những công cụ hỗ trợ các tổ chức, đơn vị giáo dục trong việc tạo kho đề, bài tập và chấm điểm một cách nhanh chóng, giúp cá nhân hóa đề thi và bài tập, nhằm thúc đẩy sự tiến bộ của người học. Ngoài ra, hệ thống dạy kèm thông minh (hay còn gọi là ITS) với cốt lõi là công nghệ trí tuệ nhân tạo cũng sẽ tạo ra nhiều cơ hội phát triển cho ngành giáo dục thông minh. Mặc dù vậy, AI vẫn chưa thể thay thế con người và nó chỉ là một công cụ giúp con người nâng cao năng suất lao động. Sự kết hợp giữa giáo viên và AI được cho là bước tiến có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình phát triển của giáo dục thông minh.

5. Khai thác sức mạnh của Big data

Big data hay còn gọi là “dữ liệu lớn” là một thuật ngữ mô tả lượng dữ liệu khổng lồ bao gồm cả loại có cấu trúc, bán cấu trúc lẫn không có cấu trúc tồn tại trên hệ thống. Việc quản trị “dữ liệu lớn” rất khó khăn và tiêu tốn nhiều tài nguyên. Tuy nhiên, chính lượng dữ liệu này lại là kho báu của tổ chức và doanh nghiệp. Từ Big data, quản trị viên có thể thu thập, tìm hiểu các khía cạnh của một vấn đề nào đó. Với sự tăng trưởng mạnh mẽ của eLearning trong những năm gần đây đã thúc đẩy sự phát triển của Big data. Việc có thể khai thác Big data nhằm phục vụ cho công tác cải tiến chương trình, nâng cao trải nghiệm học tập cũng như tăng hiệu quả dạy và học là một nhiệm vụ then chốt của các nhà quản trị giáo dục trong thời buổi số. Ngoài ra, Big data cũng hữu ích trong việc khởi chạy các chương trình cá nhân hóa cho học sinh, cũng như giúp giáo viên phân tích tiến trình học tập của học sinh chính xác hơn.

6. “Số hóa” giáo dục mẫu giáo và phổ thông

Việc eLearning ra đời đã mở ra thời đại mới cho giáo dục. Hệ thống giáo dục truyền thống đang được khuyến khích chuyển đổi để trở nên tiến bộ hơn, thông minh hơn, hiệu quả hơn. Các trường học không chỉ sử dụng những tiến bộ công nghệ trong việc thay đổi cách quản lí cơ sở dữ liệu, truyền thông tin và giao tiếp nội bộ và bên ngoài mà còn đưa công nghệ vào sâu hơn trong quá trình vận hành và giảng dạy.

Khởi nguồn từ giáo dục đại học và sau đại học, hiện nay mô hình trường học thông minh đã lan rộng ra giáo dục mẫu giáo và phổ thông, trở thành xu hướng giáo dục được ủng hộ mạnh mẽ bởi chính phủ tại các nước mạnh về giáo dục và công nghệ như Mĩ, Hàn Quốc, Singapore, Australia và nhiều nước tại châu u. Phong trào “số hóa” giáo dục được cho là sẽ tăng tính gắn kết của học sinh với trường học và giáo viên, thúc đẩy thói quen học tập ở học sinh và nâng cao hiệu quả dạy và học. Hệ thống giáo dục thông minh sẽ tạo nhiều cơ hội cho học sinh nghiên cứu và bổ sung các quan điểm cá nhân, giúp học sinh phát triển vượt trội hơn so với các hệ thống giáo dục thông thường.

7. Công nghệ Blockchain trong giáo dục

Blockchain hay công nghệ chuỗi khối là từ khóa “hot” trong nhiều năm trở lại đây. Vậy blockchain là gì?

Blockchain là một hệ thống cơ sở dữ liệu tiên tiến cho phép người ta chia sẻ thông tin một cách minh bạch bên trong một mạng lưới nào đó mà đồng thời cũng giúp cho hệ thống không thể hoặc khó bị thay đổi, tấn công hay thao túng. Mỗi khối thông tin (được gọi là block) trong chuỗi (được gọi là chain) lại chứa các thông tin về thời gian khởi tạo cũng như được liên kết tới khối trước đó đi kèm một mã thời gian và dữ liệu trao đổi. Blockchain rất phù hợp để ghi lại những sự kiện, hồ sơ, xử lí giao dịch, công chứng hay xác minh nguồn gốc. Grand View Research cho biết thị trường công nghệ chuỗi khối toàn cầu đạt 5,92 tỉ đô năm 2021 và được dự đoán sẽ tăng trưởng với tốc độ mạnh mẽ từ 2022 đến 2030.

Một trong nhiều ứng dụng của blockchain trong lĩnh vực giáo dục là quản lí hệ thống hồ sơ, tài liệu, học liệu, v.v. một cách thông minh và an toàn. Với độ tiện lợi và tính bảo mật cao, blockchain cũng mang lại cho học sinh, sinh viên những tiện ích thông minh để tự quản lí hồ sơ của chính mình, theo dõi tiến trình học tập, nghiên cứu và cho phép họ chia sẻ nhằm các mục đích như thi tuyển hay ứng tuyển với nguồn thông tin uy tín và an toàn.

8. Học tập cá nhân hóa

Mỗi học sinh, sinh viên lại có những đặc điểm, sở thích, sở trường khác nhau, khiến cho họ có những lợi thế, khó khăn khác nhau trong việc học tập dù cùng tiếp nhận một chương trình hay được giảng dạy bởi cùng một giáo viên, giảng viên. Cá nhân hóa công tác học tập của học sinh, sinh viên sẽ tạo ra môi trường lí tưởng hơn trong trường học, cung cấp cho họ phương pháp tiếp cận đơn giản nhưng sáng tạo và có hiệu quả cao, giúp họ xây dựng được kế hoạch học tập phù hợp nhất với chính mình. Thay vì phát cho mỗi học sinh, sinh viên một bộ trang phục giống y hệt nhau từ kích thước tới chất liệu, màu sắc, kiểu dáng bất chấp họ gầy béo, cao thấp, sở thích ra sao, cá nhân hóa học tập giúp cho học sinh, sinh viên tìm được một “bộ đồ” vừa vặn, đúng ý, giúp họ phát triển bản thân tốt nhất có thể.

9. Sự trỗi dậy của các chương trình STEAM

STEAM cực kì nổi tiếng trong giới phụ huynh những năm gần đây nhờ hiệu ứng đến từ các nền giáo dục lớn trên thế giới. STEAM là chương trình học bao gồm một tổ hợp các môn học được phát triển từ mô hình STEM, bao gồm khoa học (science), công nghệ (technology), kĩ thuật (engineering), nghệ thuật (arts) và toán (maths) – những môn học được đánh giá là tối quan trọng cho một người khi tham gia vào thị trường lao động trong tương lai. Theo học STEAM trang bị cho học sinh những kiến thức, kĩ năng cần thiết để dễ dàng thích nghi với môi trường luôn phát triển và có nhịp độ nhanh. Học sinh được dạy theo chương trình STEAM không chỉ được dạy kiến thức từ các môn học mà họ còn được huấn luyện cách học, tư duy, nghiên cứu, thử nghiệm, sáng tạo và đổi mới.

Cục Thống kê Lao động Hoa Kì cho biết dự báo tới năm 2029, các công việc liên quan đến STEAM sẽ đạt mức tăng trưởng 8%. Sẽ chỉ còn tồn tại khoảng 3,4% các công việc không liên quan đến STEAM có sẵn trên thị trường lao động. Và mức lương hằng năm cho các công việc liên quan đến STEAM là khoảng 86 ngàn đô/năm.

Giới thiệu gói nhượng quyền thương mại trung tâm Anh ngữ quốc tế Language Link Academic

Hệ thống nhượng quyền trung tâm Anh ngữ quốc tế của Language Link được thiết kế đặc biệt nhằm đáp ứng nhu cầu của các tổ chức và cá nhân có mong muốn đầu tư vào lĩnh vực giáo dục vẫn đang còn nhiều tiềm năng phát triển. Bên cạnh nguồn thu từ trung tâm tiếng Anh, một số nguồn thu bổ sung bao gồm:

  • Chia sẻ hoa hồng dịch vụ du học;
  • Bán giáo trình và các khóa học đào tạo giáo viên trực tuyến có bản quyền;
  • Các chương trình đào tạo ngoài trung tâm, tiếp cận đến các trường tiểu học và trung học.

Về thương hiệu Language Link Academic

Language Link Academic (LLA) được thành lập năm 1996 tại Hà Nội với tên gọi Language Link Việt Nam, trở thành một trong những đơn vị giáo dục tiếng Anh bản ngữ đầu tiên tại Việt Nam.
Áp dụng công nghệ giáo dục tiêu chuẩn châu u, LLA phát triển thành công chương trình đào tạo tiếng Anh hoàn hảo dành cho người Việt và đã sát cánh cùng hàng trăm nghìn học sinh và phụ huynh trong suốt hơn 25 năm qua. Hàng chục chương trình giáo dục đa kênh của LLA ra đời nhằm giúp học sinh người Việt học tiếng Anh tốt hơn, nhanh hơn, sẵn sàng và tự tin viết nên câu chuyện của chính mình không chỉ tại Việt Nam mà bất cứ đâu trên toàn thế giới.

Hệ thống trung tâm Anh ngữ LLA đã có mặt tại 10 tỉnh thành trên toàn quốc và là đối tác lâu năm của Sở Giáo dục và Đào tạo Tp. Hà Nội trong gần 20 năm.

Để nhận tư vấn về gói nhượng quyền, vui lòng để lại thông tin tại đây hoặc gửi email tới địa chỉ franchise@languagelink.edu.vn, hotline: 0989857371.