Người tiêu dùng dần mất lòng tin vào các nội dung đánh giá và tác động tới tiếp thị người ảnh hưởng
Thế giới kỹ thuật số luôn vận động, biến đổi một cách nhanh chóng. Sự lên ngôi của các mạng xã hội đem lại không gian phát triển tuyệt vời cho tiếp thị người ảnh hưởng, khi mà nội dung do chính những người dùng tạo ra (còn gọi tắt là UGC, viết tắt của “user-generated content”) cho người dùng khác trên các mạng xã hội đã trở thành một phần quan trọng trong chiến lược tiếp thị của nhiều thương hiệu.
Người tiêu dùng tin tưởng vào UGC hơn bất cứ nội dung quảng cáo chính thống nào vì tính chân thật, cảm giác khách quan mà nó mang lại. Tuy nhiên, khi UGC ngày càng bị các thương hiệu lạm dụng và biến chúng thành một phần của chiến lược tiếp thị, các đặc điểm này ngày càng bị phai nhạt. Điều này dẫn đến hiện tượng mất lòng tin của người dùng với các nội dung đánh giá. Trong bài viết hôm nay, hãy cùng Language Link tìm hiểu về ảnh hưởng của hiện tượng này tới lĩnh vực tiếp thị người ảnh hưởng.
Sức hút là sự chân thật của KOCs
Trở thành KOC (Key Opinion Consumer) đang là mục tiêu sự nghiệp của nhiều người, trong đó có nhiều thanh thiếu niên. Thu nhập hấp dẫn, nổi tiếng trên mạng xã hội cùng nhiều ưu đãi, quyền lợi khác khiến cho “nghề đánh giá” thu hút nhiều bạn trẻ tìm hiểu, tham gia. Nhiều người trong số họ trở thành những gương mặt, cái tên đình đám “cõi mạng”, được mời tới các sự kiện quan trọng của nhiều nhãn hàng như Hà Linh, Việt Phương Thoa, Vinh Gấu, v.v. với hàng triệu người theo dõi. Chính sự thu hút này đã dẫn đến sự gia tăng của số lượng KOC trên mạng, đồng thời tạo ra nhiều sự lựa chọn hơn cho các nhãn hàng trong việc triển khai tiếp thị người ảnh hưởng.
Theo một báo cáo từ SEMrush, có tới hơn 86% công ty hiện nay đang tích hợp UGC vào chiến lược tiếp thị của họ, trong đó gần 70% dựa vào KOC để gia tăng uy tín và tính chân thật cho thông điệp tiếp thị. Một báo cáo khác về giải trí mua sắm (còn gọi là “shoppertainment”) của TikTok Shop cho thấy 48% người tiêu dùng công nhận rằng các nhà sáng tạo nội dung có ảnh hưởng đáng kể đến quyết định mua sắm của họ.
Tuy nhiên, khi tiếp thị người ảnh hưởng phát triển mạnh, có một xu hướng tiêu cực xuất hiện khi số lượng KOC sản xuất các nội dung đánh giá thiếu công tâm và bị chi phối mạnh mẽ bởi chính những nhãn hàng. Khi tính chân thật bị suy giảm, người dùng không còn thấy được giá trị của nội dung, từ đó hoài nghi về cả KOC lẫn nhãn hàng. Trên thực tế, không ít lần truyền thông đã đưa tin và lên án những trường hợp KOC quảng bá các sản phẩm mà họ hầu như không có kiến thức hay thậm chí kinh nghiệm sử dụng, dẫn đến tạo ra sự lo ngại về tính trung thực trong các đánh giá của họ. Người tiêu dùng lựa chọn tin tưởng để sau đó ngã ngửa là mình bị thao túng và dẫn dắt ra sao. Nhiều trường hợp người tiêu dùng đã bị dụ dỗ mua hàng bởi những đánh giá không chính xác, nhất là trong lĩnh vực sức khỏe và làm đẹp, gây ra hậu quả nghiêm trọng tới sức khỏe của họ.
Người dùng đã cảnh giác hơn
Đối mặt với sự phổ biến ngày càng gia tăng của các nội dung “đánh giá láo”, nhiều người dùng đã nâng cao cảnh giác và tìm kiếm nhiều nguồn thông tin để tham khảo hơn. Dù rằng việc phân định rạch ròi trải nghiệm cá nhân của KOC và thông điệp, kịch bản của nhãn hàng thật sự rất khó khăn, nhưng nhiều người cho rằng sự nghi ngờ là cần thiết. Nhiều KOCs bị tố giác là thường xuyên đăng tải các video đánh giá với thời gian sử dụng quá ngắn ngủi, thậm chí không sử dụng mà chỉ lặp lại kịch bản được nhãn hàng thông qua. Điều này càng làm người dùng thêm phần nghi ngờ.
Có thể khẳng định rằng không phải tất cả nội dung của KOC giờ đều có giá trị tham khảo và đáng được tin tưởng. Sự suy giảm lòng tin này khiến cho hiệu suất của tiếp thị người ảnh hưởng không còn giữ được kết quả cao hay đóng góp lớn tới hiệu suất bán hàng nữa. Điều này đặc biệt đáng lo ngại cho những nơi đã từng dựa vào KOC để duy trì “vỏ bọc chân thật” của mình.
Cách triển khai tiếp thị người ảnh hưởng khoa học
Thay vì việc cố gắng kiểm soát chặt chẽ nội dung về sản phẩm hay thương hiệu, các nhãn hàng nên thả lỏng và học cách chấp nhận sự thiếu hoàn hảo của sản phẩm, đồng thời từ bỏ việc ép buộc KOC phải tâng bốc hay thổi phồng các đặc điểm, giá trị của thương hiệu và sản phẩm. Người tiêu dùng hiện nay đã nhạy cảm hơn, hiểu biết hơn và họ thường nghi ngờ các nội dung quảng cáo quá trau chuốt. Suy cho cùng, tính chân thật hầu như không thể bị làm giả và nó rất dễ bị nhanh chóng nhận ra.
Để triển khai tiếp thị người ảnh hưởng khoa học, nhãn hàng nên cẩn trọng lựa chọn KOC phù hợp với hình ảnh và thông điệp của sản phẩm, đồng thời có đối tượng khán giả trùng khớp nhiều nhất với tập khách hàng mục tiêu của mình. Sau đó, nhãn hàng nên cho phép KOC tự do sáng tạo nội dung phù hợp với khán giả của họ, mang phong cách của bản thân mình nhằm duy trì tính nhất quán trong nội dung kênh đồng thời gia tăng sự gắn kết của thương hiệu với người dùng thông qua người ảnh hưởng. Dĩ nhiên, khi đó không phải mọi đánh giá sẽ đều mang nội dung tích cực, tuy nhiên, nó sẽ thuyết phục và đáng tin cậy hơn.
Các nhãn hàng cũng nên chú ý tới năng lực chuyên môn của các KOC dù họ không phải các KOL. Một KOC có kiến thức sẽ xây dựng được bài đánh giá có chất lượng, từ đó tạo ra hiệu quả tốt hơn, cuốn hút hơn và đem lại nhiều giá trị cho khán giả của họ hơn. Thêm nữa, các nhãn hàng cũng nên đánh giá chất lượng tương tác trên nền tảng nhằm đảm bảo rằng sự tương tác mà họ thu được thật, có giá trị chứ không bị thổi phồng một cách giả tạo.
Kết
Hiển nhiên là khi người tiêu dùng ngày càng thông thái và tỉnh táo hơn, họ sẽ có những tiêu chí đánh giá khắt khe hơn với nội dung và thông điệp mà họ tiếp nhận. Những đánh giá hời hợt hay bị thổi phồng quá mức chắc chắn sẽ không còn có chỗ đứng. Để cả nhãn hiệu và KOCs tiếp tục hoạt động hiệu quả, chìa khóa chính là tôn trọng trí tuệ và kỳ vọng của người tiêu dùng, ưu tiên sự trung thực, tính chân thật và đảm bảo giá trị mà nội dung mang lại cho người tiêu dùng. Suy cho cùng, trong một thế giới kỹ thuật số đầy rẫy nội dung giả tạo, bị thổi phồng hay được định hướng, những nội dung trung thực, được xây dựng kỹ lưỡng sẽ trở nên nổi bật hơn và thu nhận được những tương tác thật sự và có ý nghĩa. Đây mới là con đường đúng đắn để các nhãn hàng triển khai hiệu quả tiếp thị người ảnh hưởng thành công.
Giới thiệu gói nhượng quyền thương mại trung tâm Anh ngữ quốc tế Language Link Academic
Hệ thống nhượng quyền trung tâm Anh ngữ quốc tế của Language Link được thiết kế đặc biệt nhằm đáp ứng nhu cầu của các tổ chức và cá nhân có mong muốn đầu tư vào lĩnh vực giáo dục vẫn đang còn nhiều tiềm năng phát triển. Bên cạnh nguồn thu từ trung tâm tiếng Anh, một số nguồn thu bổ sung bao gồm:
- Chia sẻ hoa hồng dịch vụ du học;
- Bán giáo trình và các khóa học đào tạo giáo viên trực tuyến có bản quyền;
- Các chương trình đào tạo ngoài trung tâm, tiếp cận đến các trường tiểu học và trung học.
Về thương hiệu Language Link Academic
Language Link Academic (LLA) được thành lập năm 1996 tại Hà Nội với tên gọi Language Link Việt Nam, trở thành một trong những đơn vị giáo dục tiếng Anh bản ngữ đầu tiên tại Việt Nam.
Áp dụng công nghệ giáo dục tiêu chuẩn châu Âu, LLA phát triển thành công chương trình đào tạo tiếng Anh hoàn hảo dành cho người Việt và đã sát cánh cùng hàng trăm nghìn học sinh và phụ huynh trong suốt hơn 25 năm qua. Hàng chục chương trình giáo dục đa kênh của LLA ra đời nhằm giúp học sinh người Việt học tiếng Anh tốt hơn, nhanh hơn, sẵn sàng và tự tin viết nên câu chuyện của chính mình không chỉ tại Việt Nam mà bất cứ đâu trên toàn thế giới.
Hệ thống trung tâm Anh ngữ LLA đã có mặt tại 10 tỉnh thành trên toàn quốc và là đối tác lâu năm của Sở Giáo dục và Đào tạo Tp. Hà Nội trong gần 20 năm.
Để nhận tư vấn về gói nhượng quyền, vui lòng để lại thông tin tại đây hoặc gửi email tới địa chỉ franchise@languagelink.edu.vn, hotline: 0989857371.