Xu hướng giáo dục tại gia trên thế giới, châu Á và Việt Nam

Nếu như trước đây, hình thức giáo dục tại gia (tiếng Anh: homeschooling) vốn chỉ là một lựa chọn của giới giàu có hay quí tộc nhằm đáp ứng những yêu cầu khắt khe về môi trường, triết lí và chất lượng giáo dục cho con em họ thì ngày nay, hình thức học này đã phát triển thành một xu hướng toàn cầu và đang tạo ra những ảnh hưởng quan trọng tới bối cảnh chung của ngành giáo dục thế giới. Trong bài viết hôm nay, hãy cùng Language Link tìm hiểu lịch sử, đặc điểm và sự phát triển của xu hướng giáo dục tại gia trên toàn thế giới, đặc biệt là khu vực châu Á và Việt Nam.

Giáo dục tại gia trên thế giới

Trên thực tế, giáo dục tại gia không phải là hình thức mới xuất hiện gần đây. Ngược về quá khứ, khi các trường học chưa phổ biến, giáo dục được xem như một phần việc gia đình. Cha mẹ và người thân phụ trách dạy bảo, hướng dẫn những đứa trẻ trong gia đình về thế giới xung quanh và các kiến thức cần thiết để có thể tham gia vào xã hội. Khi giáo dục công hình thành và phát triển đủ mạnh, trở thành những hệ thống chính thức, sự suy giảm của hình thức giáo dục tại gia diễn ra, tuy nhiên nó chưa bao giờ biến mất hoàn toàn.

Sự tái phát triển của giáo dục tại gia trên thế giới có thể được xem là bắt đầu vào thập niên 70 của thế kỉ trước, khi mà nó được những nhà cách mạng giáo dục tại Mĩ như John Holt và Raymond Moore đã nỗ lực thúc đẩy và ủng hộ. Theo Holt, giáo dục tại gia là phương pháp tuyệt vời khi trao cho chính người học quyền dẫn dắt và quyết định con đường học tập của mình. Điều này cho phép người học chủ động lựa chọn phát triển những lĩnh vực mà mình quan tâm, yêu thích cũng như có tầm nhìn để phát triển. Mặt khác, Moore cho rằng giáo dục tại gia có thể giải quyết các hạn chế và giới hạn của giáo dục công. Với thành công của mình trong việc đẩy mạnh phong trào giáo dục tại gia, Holt và Moore đã giúp cho giáo dục tại gia được công nhận hợp pháp tại nhiều bang tại nước Mĩ vào thập niên 80, đồng thời kích thích sự nở rộ mạnh mẽ hơn của giáo dục tại gia trên toàn cầu. Hiện nay, Mĩ vẫn đang dẫn đầu trong việc phát triển giáo dục tại gia, với khoảng 2,5 triệu trẻ em theo học hình thức này mỗi năm. Nhờ vào ảnh hưởng tích cực từ đại dịch COVID-19, xu hướng giáo dục tại gia đã gia tăng nhanh chóng trong các năm 2020 đến 2023. Theo Viện nghiên cứu Giáo dục tại gia Quốc gia của Hoa Kì, tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực này là 2-8%.

Bên cạnh Mĩ, các quốc gia nói tiếng Anh khác như Vương quốc Anh, Canada, Úc và New Zealand cũng sở hữu cộng đồng giáo dục tại gia có qui mô đáng kể. Như tại Anh, trong năm 2021, số lượng trẻ em được giáo dục tại gia đã tăng tới 75% nhờ vào không chỉ ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 mà còn bởi nhu cầu giáo dục cá nhân hoá tăng lên và lo ngại về an ninh tại các trường học tại nước này.

Giáo dục tại gia tại châu Á

Không giống như các nước phương Tây, phong trào học tại gia nở rộ khá muộn và chỉ nhen nhóm sau khi mạng Internet bùng nổ toàn cầu. Những tưởng do sở hữu các hệ thống giáo dục và tư tưởng xã hội mang tính truyền thống cao, phụ huynh các nước phương Đông vẫn dành một phần quan tâm tới hình thức học này bởi những ưu điểm của nó trong việc tăng cường hiệu quả giáo dục. Ngoài ra, phong trào này đã thực sự gây chú ý nhiều hơn từ những năm 2010, khi ảnh hưởng của toàn cầu hoà ngày càng rõ rệt.

Ở Hàn Quốc và Nhật Bản, tầng lớp thượng lưu và trung lưu coi hình thức giáo dục tại gia như một giải pháp bổ sung hay thậm chí thay thế cho giáo dục công lập để con em mình “thoát khỏi” sự cứng nhắc, ganh đua và sự mất kiểm soát của bạo lực học đường. Hướng tới giáo dục mang tính cá nhân hoá cao hơn và ít tập trung vào thi cử hơn, giáo dục tại gia ở hai quốc gia này giúp các em học sinh tìm được lối thoát để tận hưởng việc học an toàn và bớt căng thẳng.

Không giống như Nhật Bản và Hàn Quốc, tại Trung Quốc, giáo dục tại gia không được công nhận nhưng ngày càng có nhiều gia đình có xu hướng lựa chọn hình thức giáo dục này vì không hài lòng với hệ thống giáo dục công lập gò bó, nhồi nhét, trọng học thuộc và thiếu không gian sáng tạo. Nhiều hội nhóm ủng hộ phương thức giáo dục này dành cho phụ huynh Trung Quốc đã ra đời và hoạt động tích cực trong nhiều năm nay.

Còn tại Việt Nam, nhìn chung, giáo dục tại gia vẫn đang ở giai đoạn sơ khai khi giáo dục nước ta có nhiều điểm tương đồng với giáo dục Trung Quốc. Tư tưởng đề cao quá mức giáo dục công, cộng thêm với việc chưa công nhận chính thức giáo dục tại gia là những nguyên nhân khiến cho hình thức này chưa thể phát triển mạnh. Tuy nhiên, kể từ sau đại dịch COVID-19, một cuộc cách mạng thầm lặng về giáo dục tại gia đã diễn ra, tạo nên sức nóng và thu hút được nhiều phụ huynh tìm hiểu và cân nhắc. Dễ dàng tìm thấy rất nhiều hội nhóm dành cho phụ huynh có ý định theo đuổi hình thức giáo dục này trên các mạng xã hội.

Đối với phụ huynh Việt, giáo dục tại gia thường cung cấp tính linh hoạt và cá nhân hóa cao hơn, cho phép con em họ có thể chủ động điều chỉnh chương trình giảng dạy theo sở thích và nhu cầu, nuôi dưỡng tình yêu học tập mà đôi khi bị kìm hãm trong các trường học truyền thống bởi khuôn mẫu học sinh mà các nhà quản lí giáo dục theo đuổi. Ngoài ra, hình thức giáo dục tại gia cũng mang đến cơ hội những cơ hội tìm hiểu và thu nạp những kiến thức văn hóa ngoài chương trình công, đồng thời kích thích phát triển trí tưởng tượng và tư duy phản biện – vốn chưa được tạo điều kiện lí tưởng để phát triển tại các trường học truyền thống.

Quan điểm từ chuyên gia

Hiện vẫn còn nhiều luồng ý kiến khác nhau và tranh cãi về hiệu quả và ảnh hưởng của việc giáo dục tại gia tới thế hệ trẻ; tuy nhiên, vẫn có thể thấy được rằng sự linh hoạt mà giáo dục tại gia đem lại hoàn toàn có lợi trong việc giúp học sinh phát triển kiến thức và rèn luyện các kĩ năng của mình dựa trên thế mạnh một cách dễ dàng. Thêm vào đó, nghiên cứu chỉ ra rằng thành tích của học sinh giáo dục tại gia thường vượt trội hơn các bạn cùng lứa ở trường học truyền thống trong các bài kiểm tra chuẩn hóa và có khả năng tự học mạnh mẽ. Ngoài ra, giáo dục tại gia cũng mang lại môi trường an toàn, ít áp lực và xao lãng như ở trường học truyền thống. Tuy nhiên, mặt hạn chế của hình thức này cũng tạo ra nhiều thách thức cho người học như không có nhiều cơ hội xây dựng các mối quan hệ ngoài gia đình, ít có sự tương tác thường xuyên với môi trường bên ngoài, cảm thấy bị cô lập và khó khăn trong việc hoà nhập/ Bên cạnh đó, gia đình cũng cần phải có điều kiện kinh tế và nguồn lực khác dồi dào và ổn định nhằm đem lại hiệu quả tốt nhất.

Dẫu sự phát triển nóng của giáo dục tại gia kể từ sau đại dịch COVID-19 chưa phải là tín hiệu tích cực hoàn toàn; tuy nhiên, nó cũng chứng minh được tính khả thi của mình như một giải pháp giáo dục thay thế và tạo ra sự hiểu biết xã hội về giáo dục tại gia. Một số theo dõi và khảo sát cho thấy vẫn có nhiều gia đình lựa chọn tiếp tục theo đuổi giáo dục tại gia sau khi trường học mở cửa trở lại hậu COVID-19. Ngoài ra, nhờ nhận được nhiều sự quan tâm, những tiến bộ mới trong công nghệ giáo dục cũng giúp việc giáo dục tại gia trở nên dễ tiếp cận, tiết kiệm và hiệu quả hơn.

Châu Á được cho là nơi chứng kiến xu hướng giáo dục tại gia nở rộ khi ngày càng có nhiều phụ huynh tìm kiếm các giải pháp thay thế cho hệ thống giáo dục truyền thống hơn. Các chính phủ ở châu lục này cũng đang xem xét những tác động từ hình thức giáo dục này và cân nhắc nhiều hơn về sửa đổi chính sách nhằm thích ứng và quản lí hình thức giáo dục tại gia nhằm đảm bảo thế hệ trẻ được tiếp nhận nền giáo dục chất lượng cao một cách tự do hơn. Ở Việt Nam, phong trào giáo dục tại gia được nhận xét là có khả năng phát triển mạnh mẽ khi thị hiếu của phụ huynh Việt Nam đã thay đổi (do có điêu kiện tìm hiểu về các loại hình giáo dục trên thế giới) và sự hạn chế của hệ thống giáo dục công không thể khắc phục trong một sớm một chiều.

Như vậy, từ một phong trào nhỏ, giáo dục tại gia ngày nay đã phát triển thành một lựa chọn giáo dục chính thống ở nhiều nơi và ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn trên toàn thế giới. Ở những khu vực trọng giáo dục truyền thống như châu Á và cụ thể là Việt Nam, dễ thấy được rằng xu hướng này còn có tiềm năng rất to lớn. Trong tương lai, khi ngày càng nhiều gia đình áp dụng hình thức giáo dục tại gia, có lẽ điều mà chúng ta cần chú trọng hơn cả là phải giải quyết những thách thức và đảm bảo rằng dù theo đuổi giáo dục tại gia hay tham gia học tập tại các môi trường truyền thống, sự công bằng và tính hiệu quả của giáo dục không bị chênh lệch quá nhiều, giúp cho thế hệ tương lai có thể nhận được các cơ hội phát triển một cách đồng đều và tự do.

Giới thiệu gói nhượng quyền thương mại trung tâm Anh ngữ quốc tế Language Link Academic

Hệ thống nhượng quyền trung tâm Anh ngữ quốc tế của Language Link được thiết kế đặc biệt nhằm đáp ứng nhu cầu của các tổ chức và cá nhân có mong muốn đầu tư vào lĩnh vực giáo dục vẫn đang còn nhiều tiềm năng phát triển. Bên cạnh nguồn thu từ trung tâm tiếng Anh, một số nguồn thu bổ sung bao gồm:

  • Chia sẻ hoa hồng dịch vụ du học;
  • Bán giáo trình và các khóa học đào tạo giáo viên trực tuyến có bản quyền;
  • Các chương trình đào tạo ngoài trung tâm, tiếp cận đến các trường tiểu học và trung học.

Về thương hiệu Language Link Academic

Language Link Academic (LLA) được thành lập năm 1996 tại Hà Nội với tên gọi Language Link Việt Nam, trở thành một trong những đơn vị giáo dục tiếng Anh bản ngữ đầu tiên tại Việt Nam.

Áp dụng công nghệ giáo dục tiêu chuẩn châu Âu, LLA phát triển thành công chương trình đào tạo tiếng Anh hoàn hảo dành cho người Việt và đã sát cánh cùng hàng trăm nghìn học sinh và phụ huynh trong suốt hơn 25 năm qua. Hàng chục chương trình giáo dục đa kênh của LLA ra đời nhằm giúp học sinh người Việt học tiếng Anh tốt hơn, nhanh hơn, sẵn sàng và tự tin viết nên câu chuyện của chính mình không chỉ tại Việt Nam mà bất cứ đâu trên toàn thế giới.

Hệ thống trung tâm Anh ngữ LLA đã có mặt tại 10 tỉnh thành trên toàn quốc và là đối tác lâu năm của Sở Giáo dục và Đào tạo Tp. Hà Nội trong gần 20 năm.

Để nhận tư vấn về gói nhượng quyền, vui lòng để lại thông tin tại đây hoặc gửi email tới địa chỉ franchise@languagelink.edu.vn, hotline: 0989857371.