Nhật Bản: Từ cuộc sống của “nô lệ tư bản” tới văn hoá công sở độc hại
Nhật Bản – nền kinh tế từng đứng thứ hai thế giới, “phép màu kinh tế” một thời – vẫn luôn nổi tiếng với môi trường làm việc có tính qui củ bậc nhất thế giới. Sự nghiêm ngặt tới mức hà khắc trong văn hoá công sở của người Nhật tạo ra một khái niệm được gọi là “shachiku” hay có thể Việt hoá là “nô lệ tư bản”. Một “shachiku” có cuộc sống như thế nào và vì sao sự phẫn nộ của các “shachiku” lại trở thành mối quan tâm hàng đầu của chính phủ Nhật trong những năm gần đây? Hãy cùng Language Link tìm hiểu trong bài viết ngày hôm nay.
“Shachiku” là gì?
“Shachiku” (Hán-Việt: xã súc) vốn là một từ ghép từ “kaisha” (Hán-Việt: hội xã) và “kachiku” (Hán-Việt: gia súc), được người Nhật sử dụng ban đầu để châm biếm những người “bán mạng” làm việc cho các công ti tại những thành phố lớn, sau này mở rộng ra để chỉ toàn bộ những người làm công việc bàn giấy. Thậm chí, trong giai đoạn gần đây, một thú vui mới hình thành tại Tokyo đã thu hút được sự chú ý của nhiều người. Hằng ngày, rất đông người dân ở Tokyo lựa chọn ghé thăm các quán cà phê ở những vị trí nhìn ra các khu phố sầm uất để ngắm nhìn những đoàn “shachiku” tan sở. Khung cảnh hàng trăm “nô lệ tư bản” mặc đồ công sở hối hả tan làm khiến cho nhiều người thích thú. “Cứ như thể tôi đang ngắm nhìn những đàn động vật nối đuôi nhau ùa ra từ các toà cao ốc và sân ga vậy, cảnh tượng thật sự rất thú vị,” một người hào hứng chia sẻ.
Cũng như nhiều quốc gia khác, công sở là “nhịp đập” của nền kinh tế Nhật. Tại đây, có hai qui tắc “bất diệt” mà mọi người đều phải tuân thủ là cống hiến hết mình và trung thành tuyệt đối. Theo khảo sát của Trung tâm quản lí năng suất lao động Nhật Bản (JPC), cứ 10 người được hỏi thì có tới 8 người cho biết họ đặt trọn niềm tin vào lãnh đạo và công ti của mình và coi đó là điều đương nhiên. Chính tính chất đặc biệt này khiến cho khái niệm “kaisha” trở thành một mô hình công sở đặc biệt, nơi mà bản sắc và giá trị cá nhân trở nên lu mờ và được đồng nhất với toàn bộ tập thể. Thành công của một cá nhân không có ý nghĩa nếu toàn bộ tập thể không thành công.
Văn hoá hà khắc của “kaisha” khiến cho những người làm việc bên trong nó trở thành “shachiku” – những người được “dạy” để phải cảm thấy có trách nhiệm cống hiến và không được cho phép bản thân mình phàn nàn. Như những con trâu, con bò siêng năng làm việc bất kể đêm ngày và chỉ được nghỉ ngơi khi chủ nhân cho phép, ý chí của “shachiku” bị chi phối mạnh mẽ bởi ý thức trách nhiệm và sự kiên định đã được hình thành từ tấm bé của người Nhật không cho phép họ có ý nghĩ phản bội sự tin tưởng của lãnh đạo và tập thể. Việc một “shachiku” hi sinh cho công việc được coi là điều đương nhiên và không được coi là áp lực trong văn hoá “kaisha”.
Hiển nhiên, không thể phủ nhận tính hiệu quả của văn hoá “kaisha” khi nhìn vào hiệu quả kinh tế. Khi mọi cá nhân được yêu cầu phải thể hiện sự siêng năng, đúng giờ và hoà hợp trong công việc, hiệu quả làm việc của tập thể được nâng cao đáng kể. Mọi người tập trung vào công việc nhiều hơn các vấn đề ngoài lề đem lại cho công ti hiệu suất cao và giảm thiểu các chi phí không cần thiết. Tuy nhiên, điều này cũng đem lại hệ quả không thể tránh khỏi như môi trường làm việc căng thẳng, tình trạng kiệt sức, thậm chí là tử vong vì làm việc quá sức (mà người Nhật gọi là “karoshi”, Hán Việt: quá lao tử). Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, mỗi năm có tới hơn 1000 trường hợp “karoshi” ở các đô thị. Năm 2023, thậm chí con số này còn lên tới 1456 trường hợp, tăng 10% so với năm 2022. Thống kê báo động này đã gióng lên một hồi chuông để toàn xã hội Nhật Bản phải nhìn nhận lại văn hoá “kaisha”.
Cuộc sống của “shachiku” ra sao?
Lộ trình hằng ngày của một “shachiku” hiển nhiên bắt đầu từ khi người lao động thức dậy và lao đến các trạm xe buýt và nhà ga để kịp bắt chuyến xe, chuyến tàu đến nơi làm việc. Một “shachiku” sẽ bắt đầu công việc thật sự vào lúc 9 giờ sáng. Mặc dù thời gian làm việc tiêu chuẩn của một nhân viên công sở tại Nhật là từ 7-8 tiếng/ngày, đa phần “shachiku” sẽ tắt máy và rời văn phòng vào lúc 21 hoặc 22 giờ, tức là sau 12-13 tiếng làm việc, thậm chí nhiều người còn không dám rời văn phòng khi chưa làm đủ 14-16 tiếng/ngày vì lãnh đạo vẫn chưa tan sở. Đây được coi là điều hiển nhiên, thậm chí nếu một người tan làm vào lúc 5-6 giờ theo khung giờ tiêu chuẩn, người đó sẽ bị khiển trách vì không có tinh thần cống hiến và không tôn trọng đồng nghiệp.
Dù vậy, để trở thành một “shachiku” không hề dễ dàng. Từ những sinh viên mới tốt nghiệp đại học, họ phải tranh cướp nhau từng suất phỏng vấn để trở thành các thực tập sinh bán thời gian, toàn thời gian trước khi trở thành những nhân viên công sở toàn thời gian chính thức. Hằng năm, có hàng chục nghìn “shinnyu shain” (Hán-Việt: tân nhập xã viên) mặc những bộ vest giống hệt nhau dấn thân vào một cuộc hành trình trọn đời với mức lương khởi điểm từ 3,5-4 triệu yen/năm (tương đương 22-25 nghìn đô la Mĩ/năm). Họ trải qua những chương trình đào tạo nghiêm ngặt và bị theo dõi, đánh giá liên tục trong khoảng thời gian đầu nhằm đảm bảo tính kỉ luật cao của công sở.
Với cấu trúc chức danh chồng chéo, các “shachiku” không thể biết được khi nào và bằng cách nào họ có thể được thăng tiến khi tham gia vào “kaisha”. Mọi nhân viên được yêu cầu phải tuân thủ nghiêm ngặt chỉ thị của cấp trên và phải “hành lễ” khi chạm mặt họ, bất kể bên trong hay bên ngoài công sở. Cúi chào, nhường đường, sử dụng kính ngữ được cho là những yêu cầu tối thiểu và toàn bộ các “shachiku” phải thực hiện nghiêm chỉnh dù cho cấp trên của mình có kém tuổi hay không. Một nghiên cứu của Viện Chính sách và Đào tạo Lao động Nhật Bản năm 2021 cho biết chỉ có 18% nhân viên công sở ở độ tuổi 25-34 cho biết họ có tầm nhìn rõ ràng về lộ trình sự nghiệp của mình cho thấy số phận mịt mờ của một “shachiku”.
Ngoài ra, như đã nói ở trên, làm thêm giờ cũng là một đặc trưng của văn hoá “kaisha”. Nếu một người làm thêm giờ ở một quốc gia khác, họ sẽ được chi trả khoảng thời gian đó với mức lương khác. Nhưng tại Nhật, làm thêm giờ hoàn toàn không có lương và các “shachiku” phải chấp nhận điều đó. Một thuật ngữ được hình thành để gọi hiện tượng này tại Nhật là “sabisu zangyo” (tạm dịch: nghĩa vụ làm ngoài giờ). Theo thống kê, trung bình một nhân viên văn phòng Nhật Bản phải làm thêm gần 1700 tiếng/năm, vượt mức trung bình của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tới 20%. Những phỏng vấn ẩn danh với các “shachiku” còn cho biết họ cảm thấy khó khăn trong việc sắp xếp công việc trong ngày để có thể làm tới 12-13 tiếng/ngày. Vì các “shachiku” không thể tan làm đúng giờ và cũng không thể tỏ ra nhàn rỗi trong giờ làm việc, họ buộc phải tìm cách để có thể đủ bận rộn tới cuối giờ làm việc không chính thức. Nhiều người khi được hỏi đều cho biết họ có thói quen không thực hiện trả lời email, thư từ công việc vào buổi sáng và để dành việc đó cho buổi chiều nhằm kéo dài thời gian làm việc hơn. Ngoài ra, họ cũng thường dùng thời gian buổi sáng cho các “công việc không tên” tại văn phòng.
Ngoài ra, chuyển việc cũng là một cơn ác mộng với các “shachiku”. Nếu tại các quốc gia khác, bạn có thể tự do tìm kiếm bất cứ công việc nào và chỉ cần báo với đơn vị đang làm việc một khoảng thời gian trước khi chính thức nghỉ việc, các “shachiku” không thể làm vậy. Văn hoá “kaisha” đề cao tuyệt đối lòng trung thành, một nhân sự rất khó để có thể xin thôi việc mà không phải chịu hậu quả. Bị coi như một hành động phản bội, nếu một nhân sự xin nghỉ không có lí do (được quản lí cho là) chính đáng, người đó sẽ rất khó để xin nghỉ đúng kế hoạch và có thể nhanh chóng tìm công việc thay thế. Việc đi phỏng vấn xin việc ở một đơn vị khác khi còn tại chức là một hành động lừa dối và bị khinh thường. Theo lẽ thường, nếu bị cho thôi việc vì một lí do không tiêu cực nào đó, người đó có thể tìm kiếm một công việc khác. Thế nhưng, nếu anh ta hoặc cô ta bị cho nghỉ việc vì một lí do tiêu cực (ví dụ như phạm lỗi nặng), họ có thể sẽ không bao giờ tìm kiếm được một công việc trong lĩnh vực đó nữa. Hồ sơ của họ ngay lập tức sẽ bị “đánh dấu” và trở thành “vết nhơ” khó tẩy. Một cuộc khảo sát gần đây của Liên đoàn Doanh nghiệp Nhật Bản (Keidanren) cho thấy cứ 10 người thì có 7 người đồng tình rằng họ ngần ngại thay đổi công việc vì lo ngại bị đánh giá về lòng trung thành. Ý thức về lòng trung thành sâu sắc của người Nhật vừa là điểm mạnh cũng vừa là điểm hạn chế của họ, gây cản trở sự phát triển cá nhân và nghề nghiệp của một người.
Tác động tiêu cực của văn hoá “kaisha”
Áp lực công việc mạnh mẽ mà các “shachiku” phải gánh chịu khiến phần đông họ mắc phải các chứng bệnh tâm thần có liên quan tới rối loạn cảm xúc và lo âu. Tiến sĩ tâm lí học Aiko Tanaka của Đại học Minnesota (Hoa Kỳ) đã từng chia sẻ trong một buổi phỏng vấn về hiện tượng “shachiku” tại Nhật Bản. Bà cho rằng nguyên mẫu “shachiku” trong xã hội Nhật vẫn đang tiếp tục phát triển nhưng những người sử dụng lao động cần nhận thức được rằng thế hệ trẻ đang tìm kiếm những mục tiêu vượt xa công việc. Để duy trì sự trung thành và tận tâm của người lao động, phía doanh nghiệp cần đầu tư hơn cho khâu chăm sóc sức khoẻ tâm thần. Người lao động cần được hỗ trợ để duy trì thể trạng và tâm trạng tốt, họ cần tìm được điểm cân bằng giữa đời sống công sở và đời sống cá nhân. “Nếu các doanh nghiệp tiếp tục theo đuổi các kì vọng phi thực tế bằng cách đánh đổi sức khoẻ thể chất và tinh thần của người lao động, hậu quả sẽ khôn lường,” bà Tanaka nhấn mạnh.
Cuộc sống của một “shachiku” khiến cho bản thân những người này bị cô lập dần dần với xã hội. Khi đa phần thời gian của họ bị công việc cướp mất mỗi ngày, họ không thể có cơ hội để dành cho các mối quan hệ cá nhân hay hoạt động xã hội nào. Chính sự cô lập này làm trầm trọng thêm tình trạng cô đơn và kéo theo bệnh trầm cảm, khiến các “shachiku” khó lòng thoát ra. Rất nhiều “shachiku” dù chưa tới mức lâm vào cảnh “làm việc đến chết” cũng lựa chọn tự sát như một cách giải thoát cho mình. Đầu năm nay, một thống kê được công bố bởi Statista cho biết có gần 2,9 nghìn người Nhật Bản đã tự tử do các vấn đề liên quan đến tình hình công việc của họ trong năm 2023. Sự thật đáng buồn này thể hiện sự bế tắc của các “shachiku” khi họ không thể tìm kiếm sự giúp đỡ từ bất kể kết nối xã hội nào dù chúng vốn rất quan trọng để hỗ trợ tinh thần và hạnh phúc tổng thể của một người.
Bên cạnh đó, lối sống của một “shachiku” cũng khiến cho đời sống gia đình của họ bị thiếu cân bằng, đặc biệt với nữ giới. Phụ nữ Nhật Bản được xã hội kì vọng là người cáng đáng chuyện gia đình khi họ cần chăm sóc mọi thành viên trong gia đình một cách chu đáo nhất có thể. Việc phải phân bổ thời gian chăm sóc người thân khiến cho những người phụ nữ Nhật khó lòng có thể thăng tiến, rất nhiều người thừa nhận rằng họ luôn gặp rắc rối trong việc hoàn thành đầy đủ các nghĩa vụ với gia đình của mình. Một thống kê được đài NHK công bố vào giai đoạn chống đại dịch COVID-19 cho biết các nhân viên nữ tại Nhật thường là những người đầu tiên bị cắt giảm bởi họ thường chỉ được giao những công việc không quá phức tạp. Sự bất bình đẳng giới tính cố hữu trong văn hoá Nhật và mê cung không lối thoát của văn hoá “kaisha” khiến cho nhiều người phụ nữ trẻ lựa chọn không kết hôn và né tránh việc mang thai khi còn trẻ.
Mọi chuyện đang dần thay đổi
Dù thừa nhận rằng văn hoá “kaisha” đã ăn sâu và tỏ ra khó thay đổi, nhiều nhà xã hội học vẫn cho biết họ phát hiện ra những tín hiệu đáng mừng khi quan sát đời sống công sở Nhật Bản trong những năm gần đây, và nhân tố chính tạo ra những điều này là thế hệ Z tại Nhật.
Thế hệ Z ở Nhật được gọi là “Satori Sedai” (tạm dịch: Thế hệ Giác ngộ). Sinh ra sau khi “bong bóng kinh tế” vỡ, Thế hệ Z Nhật Bản có xu hướng ưu tiên hiện tại và trân trọng những gì họ có. Tránh xa chủ nghĩa vật chất quá mức hay con đường sự nghiệp cứng nhắc giống các thế hệ trước, Thế hệ Z ở Nhật được coi là thế hệ đầu tiên coi trọng chủ nghĩa cá nhân. Chính sự thay đổi này đã kích thích việc chuyển đổi các chuẩn mực văn hóa vốn đã ăn sâu tại Nhật.
Các nhà xã hội học Nhật Bản cho biết dù Thế hệ Z khó lòng có thể cách mạng hóa toàn bộ hệ thống hay thay đổi hoàn toàn văn hoá “kaisha”, những ảnh hưởng của họ như những cơn mưa dần dần thấm vào nền đất khô cứng và truyền đi năng lượng để cải tiến môi trường làm việc tại Nhật theo hướng lành mạnh hơn.
Bất chấp cái nhìn tiêu cực từ các thế hệ trước, Thế hệ Z ưu tiên sự cân bằng giữa công việc và đời sống. Không nhiều người lao động thuộc thế hệ này chấp nhận việc làm thêm giờ quá mức. Đồng thời họ cũng yêu cầu được tôn trọng ý kiến hơn. Cùng với bản lĩnh công nghệ cao sẵn có của thế hệ, họ đem lại luồng gió mới cho các công sở, giúp cho nhiều công việc trở nên nhanh chóng hơn nhờ vào tư duy táo bạo. Thế hệ Z cũng là thế hệ đầu tiên tại Nhật tích cực ủng hộ các công tác bình đẳng giới, giúp môi trường công sở trở nên công bằng hơn với phụ nữ. Giáo sư Hiroshi Ono của Đại học Tokyo nhấn mạnh tầm quan trọng của “Thế hệ Giác ngộ” trong công cuộc cải cách văn hoá “kaisha” tại Nhật. Ông cho rằng văn hoá “kaisha” là sự cứng nhắc kìm hãm sức sáng tạo của người Nhật và cần được cải tiến. Các công ti cần phải tìm kiếm sự cân bằng giữa việc duy trì các giá trị truyền thống và việc tạo ra môi trường linh hoạt cho những sáng kiến được sinh ra và phát triển.
Về phần mình, chính phủ Nhật nhận thức rõ ràng được tác hại của việc cổ xuý văn hoá “kaisha” nên cùng một số doanh nghiệp có tư duy tiến bộ đã bắt đầu thực hiện các biện pháp nhằm giải quyết những vấn đề này. Những sáng kiến như “Premium Friday” (tạm dịch: ngày thứ Sáu quí báu – đây là chương trình khuyến khích nhân viên và các doanh nghiệp tan sở sớm vào thứ Sáu cuối cùng của mỗi tháng) nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của người lao động. Một số công ti Nhật còn cho phép nhân viên lựa chọn làm việc từ xa với giờ giấc linh hoạt thay vì bắt buộc họ phải tới văn phòng. Ngoài ra, việc thí điểm tuần làm việc ngắn hơn cũng đang nhận được những phản hồi tích cực.
Đối với nạn phân biệt đối xử, bắt nạt và quấy rối công sở, nhiều tổ chức bảo vệ quyền lợi nhân viên được thành lập tại các công ti, cho phép nhân viên có cơ hội tiếp cận với sự hỗ trợ kịp thời. Nhiều công ti còn đưa ra các biện pháp nghỉ giải lao bắt buộc, các chương trình hỗ trợ sức khỏe tâm thần và đào tạo để ngăn ngừa các vấn đề sức khỏe liên quan đến làm việc quá sức cho nhân viên. Bằng cách trang bị cho người lao động các kĩ năng quản lí căng thẳng, giao tiếp và phương pháp cân bằng giữa công việc và cuộc sống, chính phủ tin rằng họ được trao đủ quyền để giải quyết các thách thức tại nơi làm việc một cách hiệu quả. Ngoài ra, các nỗ lực triển khai những chương trình cố vấn và cơ hội phát triển nghề nghiệp tại công sở cũng góp phần tạo nên một môi trường làm việc lành mạnh hơn.
Giới thiệu gói nhượng quyền thương mại trung tâm Anh ngữ quốc tế Language Link Academic
Hệ thống nhượng quyền trung tâm Anh ngữ quốc tế của Language Link được thiết kế đặc biệt nhằm đáp ứng nhu cầu của các tổ chức và cá nhân có mong muốn đầu tư vào lĩnh vực giáo dục vẫn đang còn nhiều tiềm năng phát triển. Bên cạnh nguồn thu từ trung tâm tiếng Anh, một số nguồn thu bổ sung bao gồm:
- Chia sẻ hoa hồng dịch vụ du học;
- Bán giáo trình và các khóa học đào tạo giáo viên trực tuyến có bản quyền;
- Các chương trình đào tạo ngoài trung tâm, tiếp cận đến các trường tiểu học và trung học.
Về thương hiệu Language Link Academic
Language Link Academic (LLA) được thành lập năm 1996 tại Hà Nội với tên gọi Language Link Việt Nam, trở thành một trong những đơn vị giáo dục tiếng Anh bản ngữ đầu tiên tại Việt Nam.
Áp dụng công nghệ giáo dục tiêu chuẩn châu Âu, LLA phát triển thành công chương trình đào tạo tiếng Anh hoàn hảo dành cho người Việt và đã sát cánh cùng hàng trăm nghìn học sinh và phụ huynh trong suốt hơn 25 năm qua. Hàng chục chương trình giáo dục đa kênh của LLA ra đời nhằm giúp học sinh người Việt học tiếng Anh tốt hơn, nhanh hơn, sẵn sàng và tự tin viết nên câu chuyện của chính mình không chỉ tại Việt Nam mà bất cứ đâu trên toàn thế giới.
Hệ thống trung tâm Anh ngữ LLA đã có mặt tại 10 tỉnh thành trên toàn quốc và là đối tác lâu năm của Sở Giáo dục và Đào tạo Tp. Hà Nội trong gần 20 năm.
Để nhận tư vấn về gói nhượng quyền, vui lòng để lại thông tin tại đây hoặc gửi email tới địa chỉ franchise@languagelink.edu.vn, hotline: 0989857371.