Hàn Quốc: Sức hút của “cửa hàng pop-up” trong ngành bán lẻ

Hàn Quốc – nền kinh tế lớn thứ tư châu Á – những năm gần đây thường xuyên cho thấy sự tiên phong của mình trong việc tạo ra và phát triển các xu hướng tiếp thị. Trong thời gian gần đây, có một xu hướng tiếp thị nhận được sự chú ý và ưa thích của giới trẻ (gồm thế hệ Thiên niên kỷ và thế hệ Z, gọi chung là thế hệ MZ) tại Hàn Quốc, đó là những cửa hàng tạm thời (hay còn gọi là “cửa hàng pop-up”). Những cửa hàng tạm thời cùng ưu điểm vượt trội của chúng cho phép sự sáng tạo của các thương hiệu được thể hiện rõ rệt, giúp các thương hiệu khởi tạo và duy trì những điểm chạm sâu với đối tượng khách hàng trẻ của mình. Trong bài viết hôm nay, hãy cùng Language Link tìm hiểu về “cửa hàng pop-up” để xem các thương hiệu Hàn đã làm tiếp thị với nó ra sao.

“Cửa hàng pop-up” là xu hướng

Về công năng, các cửa hàng tạm thời có nhiệm vụ gia tăng độ phủ của thương hiệu và sản phẩm ở các địa điểm công cộng, tạo cơ hội cho khách hàng trải nghiệm và tiếp xúc với thương hiệu và sản phẩm. Chúng thường có kích cỡ nhỏ và trung bình, đồng thời chỉ mở cửa trong một khoảng thời gian ngắn. Chính đặc điểm “tạm thời” của chúng gây sự tò mò và cảm giác cấp bách ở cộng đồng theo dõi thương hiệu, đặc biệt là thế hệ MZ.

Thường có thiết kế đặc biệt và những vật phẩm độc quyền, độc bản, các cửa hàng tạm thời tạo sự hứng thú cao, đặc biệt là những cửa hàng có sử dụng các công nghệ tương tác thú vị, giúp cho trải nghiệm của khách hàng ở cửa hàng tạm thời độc đáo và đáng nhớ hơn. Một số “cửa hàng pop-up” còn được các thương hiệu ưu ái dành cho những thiết kế tạo hiệu ứng thị giác tuyệt vời, trở thành những địa chỉ lí tưởng cho việc “check-in” và chia sẻ lên các mạng xã hội. Qua đó, danh tiếng và độ phổ biến của thương hiệu và sản phẩm được khuếch đại một cách tự nhiên.

Pop-up stores become key K-pop marketing strategy - Asia News NetworkAsia  News Network

Vì sao “cửa hàng pop-up” lại được ưa thích?

Như có đề cập đến ở trên, sự “tạm thời” của các “cửa hàng pop-up” tạo cho chúng sức hút đặc biệt. Không giống các cửa hàng truyền thống, các cửa hàng tạm thời luôn ở trạng thái “nay còn, mai mất”, khiến cho chúng tạo nỗi lo âm ỉ, “kích hoạt” nỗi sợ bỏ lỡ (còn gọi là FOMO) trong cộng đồng mục tiêu của thương hiệu. Chính sự cấp bách này thúc đẩy lưu lượng ghé thăm “cửa hàng pop-up” và kéo theo doanh số bán hàng nhờ trải nghiệm và những quà tặng đặc biệt của nó. Ví dụ, một số thương hiệu thời trang tung ra các bộ sưu tập giới hạn của mình tại các “cửa hàng pop-up” khiến cho sự khan hiếm được hình thành và khơi dậy nhu cầu sở hữu ở khách hàng. Các thương hiệu này không chỉ đơn thuần giới thiệu sản phẩm mà còn kết hợp với dàn “đại sứ” của thương hiệu để tranh thủ sự ủng hộ và truyền tin từ cộng đồng người hâm mộ. Một số thương hiệu còn tổ chức các buổi trình diễn giới hạn và cho phép đặt hàng trước tại cửa hàng tạm thời để sở hữu những quà tặng đặc biệt khiến cho sức hấp dẫn của cửa hàng tăng cao không ngừng.

Ngoài ra, một số thương hiệu còn sử dụng các cửa hàng tạm thời như một thành tố của chiến dịch tiếp thị kỉ niệm nhằm lan toả các giá trị và tạo điểm nhấn cho các cột mốc đáng nhớ của thương hiệu. Những sự kiện dạng này thường không chỉ thu hút các khách hàng trung thành mà còn thu hút cả những người qua đường tò mò, từ đó nâng cao độ hiện diện của thương hiệu và gia tăng lòng trung thành của khách hàng.

Tại Hàn Quốc – một trong những quốc gia “thông minh” nhất châu Á – thế hệ MZ vốn có độ thành thạo kỹ thuật số cao và luôn khao khát những trải nghiệm mới bày tỏ sự đón nhận nhiệt thành với các cửa hàng “pop-up” như vậy. Họ tranh thủ tận hưởng những không gian độc đáo này và lan truyền chúng trên các mạng xã hội. Những “bữa tiệc giác quan” này được các “cửa hàng pop-up” chiêu đãi với đủ loại chủ đề và định dạng: từ tối giản, cổ điển, sang trọng đến tối đa, hiện đại, trẻ trung. Mỗi cửa hàng tạm thời giống như một lát cắt thú vị về thương hiệu và sản phẩm. Ngoài ra, các công nghệ thực tế tăng cường (AR) và thực tế ảo (VR) được tận dụng, gia tăng “gia vị” tương tác giúp khách hàng được giải trí khi tham quan, mua sắm. Ví dụ, tại các “cửa hàng pop-up” mỹ phẩm thường có máy soi da, công nghệ thử màu son phấn ảo, v.v. giúp khách hàng có thể trải nghiệm công nghệ và sản phẩm theo những cách đặc biệt. Ngoài ra, nhiều cửa hàng tạm thời còn sử dụng công nghệ VR để đưa khách đi tham quan ảo qui trình sản xuất sản phẩm.

Đương nhiên, không thể bỏ qua hiệu quả của tiếp thị lan truyền khi mỗi bài đăng, chia sẻ hay đăng kí từ cửa hàng tạm thời đều đóng vai trò như những bằng chứng kĩ thuật số giúp truyền bá thông tin vượt xa ranh giới vật lí của cửa hàng. Các thương hiệu thông thường hay kết hợp với những nhà sáng tạo nội dung hoặc người có tầm ảnh hưởng nhằm lan toả xu hướng, kích hoạt các hashtag về thương hiệu và cửa hàng, thúc đẩy người dùng mạng xã hội phải nhanh chóng ghé thăm “cửa hàng pop-up”.

Nike Brings 'Rise' Store Concept to Seoul | Shop-Eat-Surf

Ví dụ, Nike trong chiến dịch quảng bá dòng sản phẩm mới năm nay đã khai trương nhiều “cửa hàng pop-up” tại các trung tâm thương mại và địa điểm công cộng tại Seoul. Bên cạnh việc trưng bày các mặt hàng phiên bản giới hạn trong không gian được sắp đặt các tác phẩm nghệ thuật hiện đại, Nike cho phép khách tham quan sử dụng công nghệ tương tác và đã thu hút được rất đông người tới xem, trải nghiệm, đồng thời nhận được sự chú ý đáng kể của giới truyền thông.

Một ví dụ khác là Chanel, trong chiến dịch giới thiệu dòng nước hoa mới, hãng này đã mở một loạt các “cửa hàng pop-up” tại những thành phố lớn của Hàn Quốc, tạo ra những không gian có thiết kế khác biệt mang phong cách thanh lịch, cho phép khách tham quan khám phá lịch sử và các kỹ thuật chế tác mùi hương thủ công tạo ra sự tương tác sâu sắc hơn với sản phẩm và thương hiệu. Các cửa hàng đã gây “sốt” trên Instagram với vô số lượt chia sẻ trải nghiệm của họ.

Tương lai của “cửa hàng pop-up”

Thành công của các “cửa hàng pop-up” tại Hàn Quốc gần đây cho thấy xu hướng này chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển và có tiềm năng triển khai ở các quốc gia khác. Khi các thương hiệu tiếp tục tìm kiếm những cách mới để thu hút đối tượng mục tiêu, sự linh hoạt và sáng tạo mà các cửa hàng tạm thời này mang lại khiến các nhà tiếp thị và quản trị thương hiệu phải cân nhắc nghiêm túc. Một mặt, những không gian này cho phép các thương hiệu thử nghiệm các chủ đề, định dạng chiến dịch mới, mặt khác còn cho phép thu thập phản hồi trực tiếp từ khách hàng, đồng thời tạo ra những trải nghiệm đáng nhớ, giúp củng cố và thúc đẩy hơn nữa lòng trung thành của khách hàng với thương hiệu.

Hơn nữa, sự tích hợp thời thượng với các công nghệ kỹ thuật số cũng sẽ cho phép “cửa hàng pop-up” nở rộ khi người ta ngày càng mê đắm các trải nghiệm mang tính tương tác hơn. Trong tương lai, khi các tiến bộ công nghệ mới mang AR và VR đến gần hơn nữa, chắc chắn chúng ta có thể mong đợi sự xuất hiện nhiều hơn những ứng dụng sáng tạo trong các thiết kế “cửa hàng pop-up”.

Có thể nói loại cửa hàng này như một cuộc cách mạng đang bùng lên trong ngành bán lẻ tại Hàn Quốc bởi sự lên ngôi của tập khách thế hệ MZ. Với những trải nghiệm độc đáo, hấp dẫn và tận dụng sức mạnh của phương tiện truyền thông xã hội, những không gian tạm thời này đã và đang trở thành một công cụ quan trọng cho các thương hiệu muốn tạo ấn tượng với thế hệ MZ về lâu về dài. Khi xu hướng này tiếp tục phát triển, một điều chắc chắn là chúng ta còn có thể mong đợi những cải tiến, đột phá thú vị hơn về “cửa hàng pop-up”.

Giới thiệu gói nhượng quyền thương mại trung tâm Anh ngữ quốc tế Language Link Academic

Hệ thống nhượng quyền trung tâm Anh ngữ quốc tế của Language Link được thiết kế đặc biệt nhằm đáp ứng nhu cầu của các tổ chức và cá nhân có mong muốn đầu tư vào lĩnh vực giáo dục vẫn đang còn nhiều tiềm năng phát triển. Bên cạnh nguồn thu từ trung tâm tiếng Anh, một số nguồn thu bổ sung bao gồm:

  • Chia sẻ hoa hồng dịch vụ du học;
  • Bán giáo trình và các khóa học đào tạo giáo viên trực tuyến có bản quyền;
  • Các chương trình đào tạo ngoài trung tâm, tiếp cận đến các trường tiểu học và trung học.

Về thương hiệu Language Link Academic

Language Link Academic (LLA) được thành lập năm 1996 tại Hà Nội với tên gọi Language Link Việt Nam, trở thành một trong những đơn vị giáo dục tiếng Anh bản ngữ đầu tiên tại Việt Nam.

Áp dụng công nghệ giáo dục tiêu chuẩn châu Âu, LLA phát triển thành công chương trình đào tạo tiếng Anh hoàn hảo dành cho người Việt và đã sát cánh cùng hàng trăm nghìn học sinh và phụ huynh trong suốt hơn 25 năm qua. Hàng chục chương trình giáo dục đa kênh của LLA ra đời nhằm giúp học sinh người Việt học tiếng Anh tốt hơn, nhanh hơn, sẵn sàng và tự tin viết nên câu chuyện của chính mình không chỉ tại Việt Nam mà bất cứ đâu trên toàn thế giới.

Hệ thống trung tâm Anh ngữ LLA đã có mặt tại 10 tỉnh thành trên toàn quốc và là đối tác lâu năm của Sở Giáo dục và Đào tạo Tp. Hà Nội trong gần 20 năm.

Để nhận tư vấn về gói nhượng quyền, vui lòng để lại thông tin tại đây hoặc gửi email tới địa chỉ franchise@languagelink.edu.vn, hotline: 0989857371.