Tại sao cần nhìn nhận lại IELTS?
Không cần bàn về độ phổ biến của chứng chỉ năng lực Anh ngữ IELTS trên toàn cầu hiện nay, đặc biệt là tại các nước không nói tiếng Anh như nước ta. Được coi như một trong những “giấy phép” quan trọng giúp những người không phải là dân bản xứ có thể có cơ hội học tập và làm việc trong môi trường nói tiếng Anh, IELTS được coi như thước đo năng lực Anh ngữ tại rất nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Người người học IELTS, nhà nhà học IELTS dù rằng chi phí mỗi lần thi không hề rẻ. Tuy nhiên, điều này đúng đến đâu? Hãy cùng Language Link tìm hiểu một góc nhìn về chứng chỉ nổi tiếng này.
IELTS rất được ưa chuộng tại châu Á
Đặc biệt ở châu Á, khi trình độ tiếng Anh không đồng đều tại các quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hoá mạnh mẽ hơn bao giờ hết, nhu cầu học tập Anh ngữ chưa bao giờ suy giảm. Sự chuyển dịch từ kinh tế sản xuất sang kinh tế tri thức và sự gia tăng của tầng lớp trung lưu đem lại cho ngành giáo dục Anh ngữ nói riêng và ngành giáo dục ngoại ngữ nói chung rất nhiều không gian và cơ hội để phát triển.
Sự tương quan giữa chỉ số năng lực thông thạo tiếng Anh quốc gia với vị thế phát triển kinh tế đã khiến các chính phủ châu Á dành nhiều nỗ lực và nguồn lực cho việc phổ cập giáo dục Anh ngữ. Được sáng lập bởi Đại học Cambridge, Hội đồng Anh và Tổ chức giáo dục Úc IDP, IELTS dành được nhiều sự ưu ái từ phía các chính phủ với mục tiêu nâng cao triển vọng nghề nghiệp và cơ hội giáo dục trên quy mô toàn cầu cho học sinh, sinh viên.
Hạn chế của IELTS
Bài thi IELTS được thiết kế nhằm cung cấp một hệ thống đánh giá khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh của một người được chuẩn hoá trên bốn kỹ năng: nghe, đọc, viết và nói. Tuy có vẻ toàn diện nhưng điểm yếu của IELTS là nó vô tình bỏ qua các yếu tố liên quan tới nền tảng văn hoá, hệ thống giáo dục riêng biệt từng quốc gia và nhu cầu cá nhân. Ví dụ, các thí sinh khi tham gia thi IELTS hoàn toàn có thể cảm thấy các thông tin, nội dung trong bài thi xa lạ hoặc không thực tế bởi sự khác biệt văn hóa, điều này dẫn đến những bất lợi cho thí sinh.
Ngoài ra, trên thực tế, những người tham gia thi IELTS không được bài thi đánh giá chính xác các kỹ năng ngôn ngữ mà phần lớn chỉ đo lường được khả năng làm bài kiểm tra của họ. Những người có tâm lí không vững vàng, dễ bị ảnh hưởng bởi môi trường thường gặp khó khăn trong việc thể hiện năng lực bản thân trong thời gian thi. Thêm vào đó, các mẹo, thủ thuật làm bài cũng góp phần đáng kể trong số điểm mà thí sinh nhận được. Như một lẽ tất yếu, hầu hết các chương trình luyện thi IELTS đều tập trung vào việc đào tạo và rèn luyện kỹ năng làm bài và xây dựng lược làm bài thay vì nhằm mục đích nâng cao năng lực Anh ngữ thực sự. Các khóa luyện thi IELTS đến từ các thương hiệu không mạnh về học thuật thường ưu tiên việc dạy cho học viên ghi nhớ các danh sách từ vựng cụ thể và nắm chắc các cấu trúc câu phổ biến trong các bài thi viết. Chính điều này khiến cho năng lực sử dụng Anh ngữ ngoài đời sống không được cải thiện, khả năng tư duy phản biện không được trau dồi. Không thiếu những học sinh, sinh viên dù có điểm số IELTS ở mức khá vẫn không thể tham gia các cuộc hội thoại đời thường hay viết một cách thành thạo và tự tin. Hậu quả là mục đích chính của bài thi trở nên sai lệch, dẫn đến không có nhiều giá trị tham khảo.
Một vấn đề nữa là IELTS trọng tiếng Anh học thuật. Từ vựng, ngữ pháp trong bài thi IELTS thường không giống với tiếng Anh giao tiếp thường nhật. Điều này dẫn đến việc sử dụng tiếng Anh của người học IELTS kém linh hoạt, tự nhiên, thậm chí khó hiểu, từ đó làm giảm hiệu quả giao tiếp. Phần lớn người bản ngữ khi làm các bài thi IELTS đều không thể giành được điểm tuyệt đối dẫu cho họ biết mình cần phải thể hiện thế nào trong bài thi.
Chi phí cao của IELTS cũng là một điểm đáng nhắc tới. Nếu như bạn chỉ phải chi trả khoảng vài trăm nghìn đến một triệu đồng để tham dự các kỳ thi trình độ Anh ngữ thông thường thì IELTS tiêu tốn gấp 5 đến 7 lần chi phí đó. Đây là một rào cản đáng kể đối với nhiều người, đặc biệt tại các quốc gia đang phát triển. Khi mà sự phụ thuộc vào IELTS ngày càng gia tăng, điều này tạo ra một sân chơi không công bằng cho các học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn hơn. Những học sinh, sinh viên có gia cảnh khá giả hoàn toàn có thể ghi danh tại các trung tâm đào tạo chuyên nghiệp hoặc thuê gia sư cũng như thi lại nhiều lần để có được kết quả mong muốn. Việc kết quả IELTS ngày càng được đánh giá quá cao và được ưu tiên quá mức như hiện nay (trong khi còn nhiều chứng chỉ có giá trị khác) sẽ tạo ra áp lực và sự thiếu công bằng cho các học sinh, sinh viên không khá giả, ngăn cản họ tiếp cận các cơ hội học tập tốt hay thậm chí giành các suất học bổng quí báu, vốn rất cần thiết cho họ.
Cần xem xét lại tầm quan trọng của IELTS
Có một sự thật mà chúng ta cần khẳng định, đó là trình độ ngôn ngữ không tương đương với năng lực trí tuệ hay khả năng thành công của một người. Việc không sở hữu điểm số IELTS cao không có nghĩa là cá nhân đó không tài năng hay không có khả năng đóng góp cho các lĩnh vực họ chọn.
Hơn nữa, khi “cơn sốt” IELTS khiến cho chứng chỉ này trở thành hàng hóa, nó sẽ dẫn đến một hướng phát triển sai lệch trong giáo dục ngôn ngữ: việc chạy theo mục đích đạt điểm cao, thành tích lớn thay vì thúc đẩy sự hiểu biết sâu sắc, thiết thực về ngôn ngữ và văn hoá. Việc đặt một bài kiểm tra năng lực làm trung tâm sẽ còn khuyến khích việc học vẹt, học mẹo, làm các kỹ năng sử dụng ngôn ngữ không những không được cải thiện mà còn khiến kết quả kiểm tra trở nên vô dụng khi không phản ánh chính xác năng lực sử dụng ngôn ngữ. Thêm vào đó, khi người học quá tập trung vào việc đạt được điểm số cao, vô hình trung niềm vui học tập và khám phá một ngôn ngữ mới dần biến mất. Người học sẽ cảm thấy chán nản trước áp lực phải học giỏi, dần dần tạo ra nỗi sợ với tiếng Anh.
Làm sao để giải quyết vấn đề này?
Chúng tôi cho rằng cần có một cách tiếp cận toàn diện hơn để đánh giá trình độ tiếng Anh. Các bài kiểm tra tiêu chuẩn như IELTS nên được làm mới, lồng ghép được các phần đánh giá kỹ năng “mềm”, tư duy phê phán thay vì đơn thuần chỉ đánh giá khả năng giải bài tập của thí sinh. Các mô hình kiểm tra đa dạng hơn như sáng tác, phỏng vấn đóng vai với ngữ cảnh thực, v.v. cũng có thể được cân nhắc nhằm khắc hoạ một bức tranh toàn cảnh hơn về năng lực sử dụng ngôn ngữ của thí sinh. Ngoài ra, việc điều chỉnh để bài thi phù hợp hơn với các phong cách học tập và nền tảng văn hóa khác nhau cũng rất quan trọng, điều này sẽ giúp cho việc đánh giá tư duy, kỹ năng của thí sinh được chân thực và chính xác hơn.
Tóm lại, mặc dù IELTS phục vụ mục đích tiêu chuẩn hóa trình độ tiếng Anh nhưng những hạn chế và khả năng sử dụng sai của nó đòi hỏi phải có sự đánh giá lại. Chỉ khi những hạn chế của bài thi này được giải quyết và khiến nó có thể đáp ứng được nhiều nhu cầu khác nhau thì việc đánh giá kỹ năng tiếng Anh của thí sinh tham gia thi IELTS mới thực sự được nhìn nhận một cách công tâm và chính xác. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể đảm bảo các mục tiêu giáo dục trong giáo dục và đào tạo Anh ngữ nói riêng và ngoại ngữ nói chung được ghi nhận và hoàn thành một cách có trách nhiệm và đúng đắn.
Giới thiệu gói nhượng quyền thương mại trung tâm Anh ngữ quốc tế Language Link Academic
Hệ thống nhượng quyền trung tâm Anh ngữ quốc tế của Language Link được thiết kế đặc biệt nhằm đáp ứng nhu cầu của các tổ chức và cá nhân có mong muốn đầu tư vào lĩnh vực giáo dục vẫn đang còn nhiều tiềm năng phát triển. Bên cạnh nguồn thu từ trung tâm tiếng Anh, một số nguồn thu bổ sung bao gồm:
- Chia sẻ hoa hồng dịch vụ du học;
- Bán giáo trình và các khóa học đào tạo giáo viên trực tuyến có bản quyền;
- Các chương trình đào tạo ngoài trung tâm, tiếp cận đến các trường tiểu học và trung học.
Về thương hiệu Language Link Academic
Language Link Academic (LLA) được thành lập năm 1996 tại Hà Nội với tên gọi Language Link Việt Nam, trở thành một trong những đơn vị giáo dục tiếng Anh bản ngữ đầu tiên tại Việt Nam.
Áp dụng công nghệ giáo dục tiêu chuẩn châu Âu, LLA phát triển thành công chương trình đào tạo tiếng Anh hoàn hảo dành cho người Việt và đã sát cánh cùng hàng trăm nghìn học sinh và phụ huynh trong suốt hơn 25 năm qua. Hàng chục chương trình giáo dục đa kênh của LLA ra đời nhằm giúp học sinh người Việt học tiếng Anh tốt hơn, nhanh hơn, sẵn sàng và tự tin viết nên câu chuyện của chính mình không chỉ tại Việt Nam mà bất cứ đâu trên toàn thế giới.
Hệ thống trung tâm Anh ngữ LLA đã có mặt tại 10 tỉnh thành trên toàn quốc và là đối tác lâu năm của Sở Giáo dục và Đào tạo Tp. Hà Nội trong gần 20 năm.
Để nhận tư vấn về gói nhượng quyền, vui lòng để lại thông tin tại đây hoặc gửi email tới địa chỉ franchise@languagelink.edu.vn, hotline: 0989857371.