Bài học từ chuyến lưu diễn “The Eras Tour” của Taylor Swift
Âm nhạc có sức mạnh gắn kết mọi người, khơi dậy sự sáng tạo và thúc đẩy những thay đổi tích cực. Sự thật này được thể hiện rõ ràng hơn bao giờ hết khi Taylor Swift – biểu tượng văn hóa nổi tiếng toàn cầu – cùng với chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới mới nhất của cô là “The Eras Tour” (tạm dịch: Chuyến lưu diễn của những kỉ nguyên) đã nhận được vô số lời khen ngợi.
“The Eras Tour” được xem như một trong những chuyến lưu diễn quan trọng nhất trong lịch sử âm nhạc hiện đại. Hiện chuyến lưu diễn tại sân vận động này đã kéo dài được hơn một năm và có danh sách điểm đến ở tất cả năm châu lục, mang lại nhiều lợi ích cho những địa điểm mà nó ghé thăm.
1. Tại sao “The Eras Tour” lại được yêu thích đến vậy?
Sự cuốn hút của “The Eras Tour” phần lớn đến từ danh tiếng của Taylor Swift. Cô được coi là nghệ sĩ thành công và nổi tiếng nhất của thế hệ Thiên niên kỉ (hay còn gọi là Gen Y, gồm những người sinh từ năm 1981 đến 1996). Ở tuổi 34, nữ nghệ sĩ tỉ phú tự thân này dù không được thiên phú cho giọng hát nổi bật nhưng lại sở hữu tài năng sáng tác xuất chúng. Năng lực kể chuyện thông qua âm nhạc của Swift cùng khả năng chuyển đổi thể loại linh hoạt của cô khiến cho âm nhạc của nữ ca sĩ kiêm sáng tác nhạc này tạo được sự đồng điệu ở nhiều thế hệ và cộng đồng người yêu nhạc.
Thêm vào đó, cô còn có một lượng người hâm mộ đông đảo trên toàn cầu mang tên Swifties và nổi tiếng trong việc xây dựng cũng như duy trì mối quan hệ bền chặt với họ. Nhờ sở hữu sự nhạy bén trong kinh doanh và sự hỗ trợ đắc lực từ đội ngũ, Swift đã tạo ra nhiều xu hướng và tác động lớn trong ngành công nghiệp giải trí toàn cầu, ảnh hưởng mạnh mẽ tới thế hệ nhạc sĩ, ca sĩ Gen Y & Gen Z. Swifties được coi là một trong những cộng đồng người hâm mộ đông đảo, năng nổ nhất nhì thị trường âm nhạc toàn cầu.
Ngoài ra, Swift cũng là nghệ sĩ cá nhân duy nhất bốn lần giành được giải Album của năm tại các lễ trao giải Grammy của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Thu âm Hoa Kì (gọi tắt là NARAS), đây là một thành tích không tiền khoáng hậu. Với 12 album giành vị trí quán quân trên bảng xếp hạng Billboard của Mĩ trong hai thập kỉ, Swift giữ kỉ lục là nữ nghệ sĩ đứng đầu bảng xếp hạng này nhiều lần nhất trong lịch sử. Swift được xem như một nghệ sĩ thành công trong việc lan toả nghệ thuật hàn lâm tới đại chúng mà không hề làm suy yếu các giá trị học thuật của các tác phẩm.
Như một sự tôn vinh nghệ thuật và di sản của Swift và cũng là một món quà dành cho lực lượng người hâm mộ trung thành và nhiệt tình của cô, “The Eras Tours” là một sự kiện văn hóa quan trọng được đông đảo người yêu nhạc trên toàn cầu mong chờ, theo dõi. Chuyến lưu diễn giới thiệu những bài hát nổi tiếng nhất từ 10 album phòng thu của Swift được làm mới với các ý tưởng sản xuất có giá trị thẩm mĩ cao, đem đến sự hấp dẫn nổi bật và tạo bầu không khí đắm chìm trong các buổi biểu diễn.
Thu về hơn 2,2 tỉ đô la Mĩ chỉ riêng từ việc bán vé ở Bắc Mĩ, số lượng khán giả trung bình của chuyến lưu diễn lịch sử này đạt 72 nghìn người/đêm diễn. Tính nhạc đặc biệt, đa màu sắc cùng sự phát triển đáng ghi nhận từ giọng hát đến kĩ thuật trình diễn của Swift trong chuyến lưu diễn này được các chuyên gia và giới phê bình tán thưởng. Theo thống kê của Tổ chức Kỉ lục Guinness Thế giới (GWR), “The Eras Tour” của Swift đã vượt qua chuyến lưu diễn “Farewell Yellow Brick Road” (2018-2023) của Elton John để trở thành chuyến lưu diễn có doanh thu cao nhất lịch sử.
2. “The Eras Tour” mang lại lợi ích kinh tế ra sao?
Theo các báo cáo của Forbes, chuyến lưu diễn này của Taylor Swift dự kiến sẽ tạo ra giá trị kinh tế hơn 10 tỉ đô la Mĩ tác động kinh tế trực tiếp và gián tiếp trên toàn thế giới. Không chỉ thu hút sự chú ý của giới truyền thông, sự tham gia của hệ thống mạng xã hội, chuyến lưu diễn còn kích thích các hoạt động trao đổi văn hóa ngoài đời thực. Forbes nhấn mạnh rằng chính làn sóng khán giả ngoài khu vực di chuyển tới các điểm đến của chuyến lưu diễn sẽ kích thích mạnh mẽ chi tiêu dịch vụ lưu trú, ăn uống, đi lại cũng như các hình thức mua sắm, tiêu dùng và sử dụng dịch vụ địa phương khác. Và thực tế là “The Eras Tour” đã tạo ra nhiều việc làm và gia tăng thu nhập cho nhiều hàng chục ngàn người.
Ngoài ra, chuyến lưu diễn còn thúc đẩy nhu cầu về hàng hóa và các dịch vụ liên quan, chẳng hạn như băng đĩa nhạc, đồ lưu niệm, đồ sử dụng trong buổi biểu diễn, lưu trú, ăn uống, đi lại, phát nhạc trực tuyến, gia tăng lưu lượng tới các điểm du lịch địa phương, v.v. Để tổ chức một chuỗi đêm diễn với qui mô lớn, đòi hỏi sự tham gia sản xuất, quảng bá, điều phối, điều hành, v.v. của rất nhiều người. Điều này tạo ra một lượng thuế khổng lồ cho chính phủ. Hơn nữa, nhờ danh tiếng của chuyến lưu diễn, vị thế của các thành phố và quốc gia đăng cai được củng cố và nâng cao, hỗ trợ mạnh mẽ cho việc quảng bá văn hoá và du lịch.
Đơn cử như ở Nhật Bản, “The Eras Tour” đã mang lại tác động kinh tế lớn, ước tính khoảng 35 tỉ yen (tương đương 237 triệu đô la Mĩ), riêng vùng cựu đô Tokyo nhận được tới 24 tỉ yen (tương đương 162,1 triệu đô la Mĩ). Chuyến lưu diễn không chỉ góp phần thúc đẩy kinh tế vùng Kanto mà là toàn bộ nước Nhật; nó giúp tăng cường các hoạt động du lịch và văn hóa, nâng cao lưu lượng từ dòng người hâm mộ của chuyến lưu diễn tới khám phá các địa danh, bảo tàng, nhà hàng và các điểm tham quan trước hoặc sau các buổi hòa nhạc.
Tương tự, tại Úc, “The Eras Tour” đã mang lại tác động kinh tế đáng chú ý là 847 triệu đô la Úc (tương đương 558 triệu đô la Mĩ), trong đó 525 triệu đô la Úc (tương đương 346 triệu đô la Mĩ) từ chi tiêu cho vé xem biểu diễn, chi trả chỗ ở, đồ ăn, đồ uống và vé máy bay. Ngoài những đóng góp về mặt kinh tế, chuyến lưu diễn tại Úc còn tạo ra hàng nghìn việc làm cho người lao động địa phương, bao gồm nhân viên các địa điểm, nhân viên an ninh, người bán hàng và điều phối đội tham quan, v.v.
3. Các chính phủ cố gắng lôi kéo “The Eras Tour” như thế nào?
Để được chọn làm điểm đến của chuyến lưu diễn, các quốc gia được cho là phải đáp ứng đủ các tiêu chí cụ thể từ phía Taylor Swift và đội ngũ của cô, bao gồm sở hữu sân vận động lớn và cơ sở vật chất hiện đại, cơ sở hạ tầng giao thông tốt và an ninh nghiêm ngặt, nhu cầu và thói quen chi tiêu cho hoạt động tham gia các buổi biểu diễn cao, cộng đồng Swifties lớn và năng nổ, ngoài ra còn ưu tiên những quốc gia tạo điều kiện thuận lợi cho Swift cùng đội ngũ. Một số ưu tiên này được cho là bao gồm việc giảm thuế, tăng trợ cấp, hỗ trợ thị thực đặc biệt, v.v..
Gần đây, các phương tiện truyền thông tại Đông Nam Á nói riêng và toàn thế giới nói chung đã nói nhiều về những nỗ lực đáng nể của Singapore trong việc đảm bảo “quốc đảo sư tử” là điểm dừng chân duy nhất của Swift tại Đông Nam Á và có những màn trình diễn độc quyền. Thực hiện một chuỗi các chiến dịch hợp tác với các đơn vị du lịch, lữ hành như Marina Bay Sands và Klook, chính phủ Singapore đã quảng bá cho hình ảnh của quốc đảo này với các thông điệp tập trung vào trải nghiệm du lịch thông minh và độc đáo, các gói dịch vụ và ưu đãi độc quyền dành cho Swifties, đặc biệt là Swifties quốc tế khi tới với Singapore.
Dưới sự chỉ đạo của Tổng cục Du lịch Singapore, “The Eras Tour in Singapore” trở thành cơ hội tuyệt vời giúp Singapore lan toả sức quyến rũ về văn hóa, du lịch ra toàn cầu.
Dù rằng ngân sách chính xác cho việc quảng bá “The Eras Tour in Singapore” không được tiết lộ nhưng theo một số nguồn tin, con số đó có thể lên tới 24 triệu đô la Singapore (tương đương 18 triệu đô la Mĩ). Singapore coi thỏa thuận độc quyền với Swift là bước đi mang tính chiến lược nhằm thúc đẩy du lịch, kinh tế và danh tiếng toàn cầu của quốc gia, đặc biệt là sau những tổn thất nặng từ đại dịch COVID-19 trong những năm trước.
Đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia láng giềng như Thái Lan, Malaysia, Philipines và Indonesia, việc cử chính khách gặp mặt trực tiếp để thuyết phục Swift và đội ngũ của cô được cho là hành động then chốt giúp Singapore trở thành tâm điểm của “The Eras Tour” tại không chỉ Đông Nam Á mà còn toàn châu Á cũng như toàn cầu.
Hoàn toàn có thể thấy được tầm nhìn mang tính chiến lược của quốc gia này trong việc vực lại ngành du lịch đã bị “anh hàng xóm” Thái Lan lấn át trong suốt thời gian qua. Hành trình theo đuổi mục tiêu độc quyền “The Eras Tour” tại Đông Nam Á của Singapore cho thấy tư duy táo bạo của chính phủ nước này trong việc đầu tư cho kinh tế văn hóa. Với một kế hoạch dài hạn và rõ ràng để phát triển và thúc đẩy ngành du lịch, gắn nó với lợi ích và giá trị quốc gia, Singapore cùng những khoản đầu tư “kếch xù” vào cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và đổi mới, đã có thể xây dựng quan hệ đối tác với các bên để thích ứng với các điều kiện thị trường đang thay đổi, từ đó nắm bắt cơ hội và thành công.
4. Ý nghĩa của việc đầu tư vào “nền kinh tế văn hóa”
Tác động mạnh mẽ của chuyến lưu diễn “The Eras Tour” của Taylor Swift đối với các nền kinh tế một lần nữa thể hiện tầm quan trọng của việc đầu tư vào “nền kinh tế văn hóa” trong bối cảnh hiện nay.
Việc kết hợp tổng hoà các biện pháp thúc đẩy hoạt động kinh tế từ văn hóa như tăng cường trình diễn nghệ thuật, bảo tồn di sản, phát triển truyền thông thiên giải trí, làm mới thiết kế và khai thông sáng tạo đóng một vai trò then chốt trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tổng thể và tạo việc làm bằng nhiều cách khác nhau.
Theo báo cáo của UNESCO, thị trường công nghiệp văn hoá toàn cầu trị giá khoảng 250 tỉ đô la Mĩ, và hiện đang tạo ra 29,5 triệu việc làm. Vẫn còn không gian đủ lớn để các nền kinh tế tiếp tục đầu tư hơn vào mảng văn hóa, khiến nó trở thành chất xúc tác cho sự đổi mới và kích thích khởi nghiệp, nuôi dưỡng sự sáng tạo, cũng như phát triển sự đa dạng và hợp tác đa chiều.
Ngoài ra, đầu tư vào kinh tế văn hóa không chỉ góp phần vào việc nâng cao hiệu suất lao động xã hội mà còn góp phần thúc đẩy các hoạt động bảo vệ môi trường, nâng cao sức khỏe, phúc lợi, cải thiện tốc độ hội nhập và gia tăng tính bền vững. Nhận thức và trang bị đủ nguồn lực giúp khai thác tiềm năng của nền kinh tế văn hóa là điều tối cần thiết để giúp một đất nước thúc đẩy sự thay đổi kinh tế và xã hội tích cực.
Giới thiệu gói nhượng quyền thương mại trung tâm Anh ngữ quốc tế Language Link Academic
Hệ thống nhượng quyền trung tâm Anh ngữ quốc tế của Language Link được thiết kế đặc biệt nhằm đáp ứng nhu cầu của các tổ chức và cá nhân có mong muốn đầu tư vào lĩnh vực giáo dục vẫn đang còn nhiều tiềm năng phát triển. Bên cạnh nguồn thu từ trung tâm tiếng Anh, một số nguồn thu bổ sung bao gồm:
- Chia sẻ hoa hồng dịch vụ du học;
- Bán giáo trình và các khóa học đào tạo giáo viên trực tuyến có bản quyền;
- Các chương trình đào tạo ngoài trung tâm, tiếp cận đến các trường tiểu học và trung học.
Về thương hiệu Language Link Academic
Language Link Academic (LLA) được thành lập năm 1996 tại Hà Nội với tên gọi Language Link Việt Nam, trở thành một trong những đơn vị giáo dục tiếng Anh bản ngữ đầu tiên tại Việt Nam.
Áp dụng công nghệ giáo dục tiêu chuẩn châu Âu, LLA phát triển thành công chương trình đào tạo tiếng Anh hoàn hảo dành cho người Việt và đã sát cánh cùng hàng trăm nghìn học sinh và phụ huynh trong suốt hơn 25 năm qua. Hàng chục chương trình giáo dục đa kênh của LLA ra đời nhằm giúp học sinh người Việt học tiếng Anh tốt hơn, nhanh hơn, sẵn sàng và tự tin viết nên câu chuyện của chính mình không chỉ tại Việt Nam mà bất cứ đâu trên toàn thế giới.
Hệ thống trung tâm Anh ngữ LLA đã có mặt tại 10 tỉnh thành trên toàn quốc và là đối tác lâu năm của Sở Giáo dục và Đào tạo Tp. Hà Nội trong gần 20 năm.
Để nhận tư vấn về gói nhượng quyền, vui lòng để lại thông tin tại đây hoặc gửi email tới địa chỉ franchise@languagelink.edu.vn, hotline: 0989857371.
Xem thêm:
Cuối tuần không phải để làm việc: Xu hướng “những ngày cuối tuần yên tĩnh” lên ngôi