Ngành ngân hàng ở Nhật Bản và Việt Nam và ảnh hưởng tới lĩnh vực nhượng quyền thương mại

Lịch sử ngành ngân hàng tại hai nước có mối quan hệ khắng khít là Nhật Bản và Việt Nam tuy dài ngắn khác nhau và có tốc độ phát triển khác nhau nhưng hiện trạng được đánh giá là có nhiều điểm tương đồng. Cùng Language Link Academic tìm hiểu sự tương đồng giữa dịch vụ ngân hàng ở Nhật Bản và Việt Nam trong bài viết hôm nay.

Đôi nét về lịch sử ngành ngân hàng tại Nhật Bản và Việt Nam

Nếu lịch sử ngành ngân hàng ở Nhật Bản bắt đầu từ thời Edo (khoảng thế kỉ XVII) thì phải tới khi thực dân Pháp nắm quyền cai trị Việt Nam vào giữa thế kỉ XIX, lịch sử ngành ngân hàng ở Việt Nam mới chính thức bắt đầu.

Tại Nhật Bản

Trong giai đoạn đầu, các ngân hàng ở Nhật thường mang tính địa phương và hoạt động riêng lẻ với qui mô nhỏ, phục vụ chủ yếu cho thương nhân và các cơ sở kinh doanh địa phương. Phải tới thời Meiji (thế kỉ XIX), khi Thiên hoàng Minh Trị quyết định thành lập ngân hàng quốc gia đầu tiên của Nhật Bản, hệ thống tài chính của Nhật Bản đã “thay da đổi thịt”, cung cấp nguồn tín dụng ổn định và đáng tin cậy hơn cho nền kinh tế, đồng thời ngân hàng này cũng chịu trách nhiệm phát hành tiền giấy.

Tuy Thế chiến I không gây ảnh hưởng quá nhiều tới hệ thống ngân hàng Nhật Bản, cuộc Đại khủng hoảng thập niên 30 lại khiến cho cả hệ thống ngã quị. Nhiều ngân hàng lâm vào cảnh phá sản, tình hình nghiêm trọng khiến cho chính phủ nước này đành phải can thiệp để ổn định hệ thống. Sau Thế chiến II, dưới sự cải tổ bắt buộc bởi phe chiếm đóng (quân Đồng minh), chính phủ ra quyết định quốc hữu hóa một số ngân hàng và thành lập một ngân hàng trung ương mới, lấy tên là Ngân hàng Nhật Bản (Bank of Japan, BOJ). Những cải cách này đã giúp ổn định nền tài chính Nhật Bản và đặt nền móng cho sự phát triển tiếp theo của hệ thống ngân hàng.

Cùng với sự bùng nổ của nền kinh tế Nhật hậu Thế chiến II, hệ thống ngân hàng Nhật Bản phát triển nhanh chóng, cung cấp một dòng tín dụng ổn định cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng, đóng vai trò quan trọng trong việc cấp vốn cho sự tăng trưởng dựa cả vào xuất khẩu của Nhật Bản. Tuy nhiên, đáng buồn thay, các ngân hàng lại bị chi phối nặng nề bởi nạn đầu cơ bất động sản và thao túng thị trường chứng khoán. Cộng hưởng với sự chậm chạp trong việc áp dụng các công nghệ tài chính mới, một lần nữa, hệ thống ngân hàng Nhật lại bị quật ngã bởi cuộc khủng hoảng tài chính thập niên 90, buộc chính phủ phải ra các chính sách cứu trợ. Điều này dẫn đến sự suy giảm cạnh tranh trên thị trường. Kết quả là hệ thống ngân hàng Nhật Bản hiện nay bị chi phối bởi một vài ngân hàng lớn.

Tại Việt Nam

Ngay sau khi chính quyền thực dân nắm quyền kiểm soát toàn Việt Nam, Pháp nhanh chóng quyết định thành lập một ngân hàng có qui mô lớn nhằm phục vụ cho các hoạt động tài chính của họ tại khu vực Đông Dương (nay là Việt Nam, Lào, Campuchia), đặt tên Ngân hàng Đông Dương (Banque de I’Indochine, BIC) có trụ sở chính ở Paris (Pháp).

Khoảng một năm sau khi thành lập, Pháp cho mở chi nhánh đầu tiên tại Sài Gòn (nay là Tp. Hồ Chí Minh) năm 1876, sau đó mở tiếp các chi nhánh tại Hải Phòng (1885), Hà Nội (1887), Tourane (nay là Đà Nẵng, 1891) và một vài chi nhánh, văn phòng ở nước khác như New Caledonia, Polynésie (thuộc Pháp), Hong Kong (nay thuộc Trung Quốc), Thái Lan, Singapore, Trung Quốc, Anh, Nhật Bản, v.v.. Các dịch vụ của ngân hàng rất đa dạng, bao gồm ngân hàng thương mại, ngân hàng đầu tư và bảo hiểm.

Sau khi chế độ thực dân Pháp kết thúc năm 1954, ngành ngân hàng tại Việt Nam chứng kiến sự phân tách trong mạch phát triển. Nếu ở miền Bắc, toàn bộ hoạt động ngân hàng tập trung vào một tay Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (State Bank of Vietnam, SBV) thì ở miền Nam, một vài ngân hàng thương mại đầu tiên đã xuất hiện, giúp thị trường ngân hàng nở rộ. Sau Thống nhất, chính sách quốc hữu hóa toàn bộ hệ thống ngân hàng đã làm đình trệ sự phát triển của ngành ngân hàng. Hệ thống trở nên kém linh hoạt và làm việc không hiệu quả, rủi ro trong hoạt động ngân hàng trở nên cao hơn, từ đó làm giảm khả năng tiếp cận tín dụng của xã hội. Chỉ tới khi thực hiện Đổi mới, ngành ngân hàng mới bắt đầu từng bước được khôi phục, hệ thống trở nên cạnh tranh hơn, hoạt động hiệu quả hơn trong những năm gần đây dù vẫn bị đánh giá là kém phát triển.

Thực trạng dịch vụ ngân hàng tại Nhật Bản và Việt Nam

Tuy có lịch sử phát triển khác nhau, nhưng ngành ngân hàng của Nhật Bản và Việt Nam đang đối mặt với cùng những vấn đề chính, đó là hệ thống chi phí, chất lượng dịch vụ khách hàng và công nghệ.

Hệ thống chi phí

Nhật Bản có hệ thống chi phí ngân hàng thuộc hàng cao nhất thế giới còn Việt Nam thuộc hàng cao nhất khu vực Đông Nam Á. Trong khi các thị trường lân cận hai quốc gia này như Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, v.v. đã thành công trong việc hướng tới tinh giản chi phí của hệ thống ngân hàng, nâng cao hệ số chất lượng trên chi phí thì Nhật Bản và Việt Nam loay hoay trong việc cải cách hệ thống chi phí ngân hàng của mình. Đơn cử như phí rút tiền tại các máy rút tiền tự động, chi phí tại Nhật Bản có thể lên tới 110 yen/giao dịch (gần 1 đô la Mĩ/lần rút), còn ở Việt Nam cũng ở mức tương đương với mức phí cao nhất là 20.000 đồng/giao dịch, trong khi ở những quốc gia khác, khách hàng được miễn phí hoàn toàn.

So sánh với các nền kinh tế phát triển khác trên thế giới, ngành ngân hàng của Nhật Bản bị đánh giá là “thảm họa” khi các giao dịch ngoại hối tiêu tốn quá nhiều chi phí, gây khó khăn cho khách hàng và làm giảm hiệu quả giao thương. Tương tự Nhật Bản, các giao dịch ngoại hối ở Việt Nam được cho là đắt đỏ so với các nước khác cùng bậc trên thế giới.

Chất lượng dịch vụ khách hàng

Thật đáng buồn lả cả Nhật Bản và Việt Nam đều có tiếng xấu lâu năm về dịch vụ khách hàng của ngành ngân hàng. Tuy không phải toàn bộ nhân viên ngân hàng ở hai nước này đều tệ nhưng số lượng phàn nàn, thậm chí báo cáo các cơ quan quản lí và kiện tụng được ghi nhận rất nhiều mỗi năm. Khách hàng (đặc biệt là khách ngoại quốc) ở hai quốc gia này thường tỏ ra khó chịu vì ba vấn đề chính: Thời gian chờ đợi, thái độ và qui cách phục vụ, trình độ Anh ngữ của nhân viên.

  • Thời gian chờ đợi: Khách hàng thường xuyên mất ít nhất là 15-20 phút chờ đợi để đến lượt thực hiện giao dịch. Thậm chí vào khung giờ cao điểm, thời gian chờ có thể lên tới 1-2 tiếng hoặc hơn thế nữa.
  • Thái độ và qui cách phục vụ của nhân viên: Nhân viên ngân hàng thường xuyên tỏ ra mệt mỏi, thiếu năng lượng khi làm việc; thường xuyên nhăn nhó, thở dài thậm chí là cáu kỉnh. Nhiều trường hợp nhân viên ngân hàng tỏ ra bất hợp tác và gây khó dễ với người đến giao dịch. Thái độ phán xét “thượng đế” cũng là một vấn đề “nóng” của ngành này khi một số nhân viên tỏ vẻ trịch thượng, thô lỗ với các khách hàng, đặc biệt là với các khách hàng nhỏ tuổi. Tại Nhật Bản, hằng năm ghi nhận rất nhiều vụ báo cáo về nạn phân biệt đối xử giữa khách hàng người Nhật và khách hàng người nước ngoài tại các cơ sở giao dịch của ngân hàng. Thậm chí với đối tượng khách nước ngoài, nạn phân biệt chủng tộc cũng được coi là phổ biến ở đây. Tình trạng nhân viên ngân hàng cố tình chỉ dẫn thiếu hoặc chỉ dẫn sai để khiến khách hàng tốn thời gian hơn không hề hiếm gặp. Nhân viên ngân hàng thậm chí còn tự ý thực hiện các giao dịch khi chưa được phép bất chấp qui tắc dẫn tới việc khách hàng phải tiêu tốn rất nhiều thời gian và công sức để tới cơ sở giao dịch nhằm thực hiện các thủ tục khôi phục.
  • Trình độ Anh ngữ của nhân viên: Khả năng sử dụng tiếng Anh hạn chế, thậm chí có nơi còn từ chối phục vụ bằng tiếng Anh là những nhận xét của khách hàng người nước ngoài tại Nhật Bản và Việt Nam. Nguyên nhân thường được chỉ ra là bởi sự thiếu phát triển của giáo dục Anh ngữ ở cả hai quốc gia này. Nếu năm 2022, Education First (EF) công bố Việt Nam đứng thứ 60 thế giới về năng lực Anh ngữ quốc gia (nhóm trung bình), thì Nhật Bản lại chỉ đứng hạng 80 (nhóm dưới trung bình) dù thuộc nhóm các quốc gia phát triển trên thế giới.

Công nghệ

“Lạc hậu”, “phiền hà” và “thiếu sáng tạo” là những từ khóa chính miêu tả mảng công nghệ ngân hàng ở cả Nhật Bản và Việt Nam. Nếu công cuộc số hóa hệ thống ngân hàng đang tăng tốc tại Việt Nam những năm gần đây thì tại Nhật Bản vẫn ì ạch và không có nhiều thay đổi.

Nhiều ngân hàng tại Nhật Bản vẫn “cản trở” khách hàng thực hiện các giao dịch trực tuyến. Có rất nhiều tác vụ ngân hàng tại quốc gia Đông Á này bắt buộc khách hàng phải đến tận chi nhánh ngân hàng để thực hiện. Hệ thống ngân hàng điện tử tại Nhật bị đánh giá là thiếu sót nhiều tính năng cơ bản và không có định hướng phát triển rõ ràng.

“Khá khẩm” hơn Nhật Bản, tại Việt Nam, tuy vẫn còn chưa đầu tư đủ vào cơ sở hạ tầng kĩ thuật số quốc gia, nhân lực lành nghề hay còn nhiều hạn chế trong môi trường pháp lí, chính phủ Việt Nam tỏ ra nhanh nhạy hơn khi đang thực hiện các cải tiến và hướng dẫn hệ thống ngân hàng giải quyết những thách thức đang phải đối mặt, tạo điều kiện cho hệ thống ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu từ người tiêu dùng.

Tác động tới ngành nhượng quyền thương mại

Dịch vụ ngân hàng chất lượng thấp tại Nhật Bản và Việt Nam có tác động tiêu cực đáng kể đến các ngành kinh tế khác, trong đó có ngành nhượng quyền thương mại. Về cơ bản, nhượng quyền thương mại phải dựa nhiều vào năng lực tiếp cận vốn cũng như các nguồn lực khác của mạng lưới các bên nhận quyền để vận hành tốt hệ thống của mình. Khi hệ thống ngân hàng hoạt động kém, các đối tác nhượng quyền của doanh nghiệp nhượng quyền thương mại sẽ gặp khó khăn trong việc vay vốn và tìm kiếm các loại hỗ trợ tài chính khác mà họ cần. Điều này dẫn đến sự chậm trễ trong việc mở cửa hàng mới, giảm cơ hội mở rộng hay thậm chí gây phá sản cho doanh nghiệp nếu không thể tìm cách xoay xở.

Tại Nhật Bản

Ngành nhượng quyền thương mại bị đánh giá là đặc biệt dễ bị tổn thương trước tác động của dịch vụ ngân hàng. Nền kinh tế Nhật Bản phụ thuộc rất nhiều vào việc vay nợ và hiển nhiên nhiều bên nhận quyền dựa vào các khoản vay ngân hàng để tài trợ cho hoạt động kinh doanh của họ. Năm 2019, chính phủ Nhật Bản đã công bố kế hoạch cải tổ ngành ngân hàng nước này nhằm nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ ngân hàng. Tuy nhiên, vẫn còn phải xem liệu những cải cách này có đủ để giải quyết những thách thức mà ngành nhượng quyền đang phải đối mặt hay không.

Tại Việt Nam

Ngành nhượng quyền thương mại vẫn đang trong giai đoạn phát triển và có tốc độ phát triển rất nhanh chóng. Việt Nam được dự đoán sẽ trở thành một trong những thị trường nhượng quyền thương mại lớn nhất thế giới trong những năm tới. Để hiện thực hóa điều này, ngành ngân hàng cần được cải tổ mạnh mẽ, tạo tiền đề cho ngành nhượng quyền thương mại phát triển. Nếu các ngân hàng không đáp ứng được nhu cầu của bên nhận quyền, điều đó có thể làm chậm tốc độ tăng trưởng của ngành nhượng quyền và gây tổn hại cho nền kinh tế nước nhà.

Đi tìm nguyên nhân

Có nhiều nguyên nhân khiến cho những vấn đề của ngành ngân hàng tại Nhật Bản và Việt Nam trở nên phức tạp và nhức nhối. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, vấn đề cốt lõi của ngành ngân hàng ở hai nước này là thị trường thiếu hụt tính cạnh tranh.

Thị trường ngân hàng Nhật Bản và Việt Nam đều đang bị chi phối bởi một số ngân hàng lớn, các ngân hàng lớn này phối hợp với nhau thống trị thị trường, dẫn đến việc phần lớn thị phần không thể bị chuyển giao cho những tên tuổi mới. Ở những vị trí an toàn, những ngân hàng này có rất ít động lực để cải thiện dịch vụ của họ. Ngoài ra, trong lịch sử phát triển của ngành ngân hàng hai nước, cả hai chính phủ đã nhiều lần can thiệp sâu và cưỡng ép điều chỉnh toàn ngành. Điều này khiến cho các ngân hàng có xu hướng hoạt động tránh né rủi ro và không muốn mạo hiểm.

Thêm vào đó, các biến cố lớn trong lịch sử cũng khiến những nhà lãnh đạo ngành ngân hàng ở hai nước này luôn ở trạng thái thận trọng và có xu hướng bảo thủ, ngại thay đổi. Với Nhật Bản là các cuộc khủng hoảng tài chính, còn với Việt Nam là sự bất ổn lâu dài về kinh tế. Sự quan liêu, thiếu linh hoạt của bộ máy quản lí trở nên khó có thể giải quyết khi thị trường hoạt động quá thiếu các ý tưởng sáng tạo và cải tiến.

Các ý tưởng cải tiến

Về cơ bản, cần nâng cao tính cạnh tranh của thị trường nhằm thổi thêm nhiều sinh khí vào ngành ngân hàng tại Nhật Bản và Việt Nam. Giải pháp được đề nghị bởi các chuyên gia bao gồm phương án khuyến khích ngân hàng mới tham gia thị trường và giảm sức mạnh của các ngân hàng hiện tại bằng cách chia nhỏ hoặc thậm chí phá bỏ chúng. Để làm được những điều này, chính phủ cần chủ động hơn nữa trong việc điều tiết ngành ngân hàng để đảm bảo tính cạnh tranh trong thị trường được duy trì ở mức cân bằng, nhờ đó chất lượng dịch vụ của các ngân hàng sẽ ngày càng được nâng lên.

Bên cạnh đó, chính ngành ngân hàng phải nỗ lực để thay đổi chính mình. Các ngân hàng cần trở nên sáng tạo và mạnh dạn hơn, tập trung cải tiến và lấy khách hàng làm trung tâm của các dự án, chương trình nâng cấp. Ngoài ra, chính khách hàng cũng cần phải đòi hỏi các dịch vụ ngân hàng tốt hơn, thay vì tâm lí chấp nhận. Cái tặc lưỡi của chính khách hàng cũng sẽ giết chết sự sáng tạo, cải tiến của các ngân hàng. Dưới đây là một vài ý tưởng nâng cấp dịch vụ ngân hàng tại Nhật Bản và Việt Nam:

  • Dịch vụ cá nhân hóa: Cá nhân hóa là một trong những hướng phát triển được khuyến khích trong giai đoạn gần đây. Khi ngân hàng hiểu nhu cầu và sở thích của khách hàng, tự khắc họ sẽ có hướng phát triển để đáp ứng những nhu cầu ấy tốt hơn. Về bản chất, sở thích và thói quen của khách hàng có thể thay đổi liên tục, vì thế các công tác nghiên cứu, theo dõi và nâng cấp sẽ không bao giờ dừng lại.
  • Dịch vụ 24/7: Việc ngân hàng chỉ hoạt động và hỗ trợ khách hàng trong khoảng thời gian nhất định trong ngày cản trở và làm sụt giảm chất lượng trải nghiệm của khách hàng. Cần phải để khách hàng có thể được sử dụng dịch vụ và được hỗ trợ liên tục trong ngày, nhất là khi con người hiện đại ngày càng trở nên bận rộn hơn và sống nhanh hơn.
  • Bảo mật thông tin khách hàng: Sống trong thời đại số, tài sản lớn nhất của khách hàng chính là thông tin của họ. Việc các ngân hàng dành quá ít chi phí để thiết lập, duy trì và nâng cấp hàng rào bảo vệ thông tin khách hàng khiến cho những vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản khách hàng trở nên ngày một nhiều hơn. Tin tặc hay tội phạm mạng ngày càng nguy hiểm và tinh vi hơn, để có thể sẵn sàng đối mặt, ngân hàng cần nỗ lực hơn trong việc sử dụng và cập nhật các công nghệ mới, ví dụ như sử dụng mã hóa mạnh, triển khai xác thực đa yếu tố, bảo mật sinh trắc học đa tầng, v.v.

Giới thiệu gói nhượng quyền thương mại trung tâm Anh ngữ quốc tế Language Link Academic

Hệ thống nhượng quyền trung tâm Anh ngữ quốc tế của Language Link được thiết kế đặc biệt nhằm đáp ứng nhu cầu của các tổ chức và cá nhân có mong muốn đầu tư vào lĩnh vực giáo dục vẫn đang còn nhiều tiềm năng phát triển. Bên cạnh nguồn thu từ trung tâm tiếng Anh, một số nguồn thu bổ sung bao gồm:

  • Chia sẻ hoa hồng dịch vụ du học;
  • Bán giáo trình và các khóa học đào tạo giáo viên trực tuyến có bản quyền;
  • Các chương trình đào tạo ngoài trung tâm, tiếp cận đến các trường tiểu học và trung học.

Về thương hiệu Language Link Academic

Language Link Academic (LLA) được thành lập năm 1996 tại Hà Nội với tên gọi Language Link Việt Nam, trở thành một trong những đơn vị giáo dục tiếng Anh bản ngữ đầu tiên tại Việt Nam.

Áp dụng công nghệ giáo dục tiêu chuẩn châu Âu, LLA phát triển thành công chương trình đào tạo tiếng Anh hoàn hảo dành cho người Việt và đã sát cánh cùng hàng trăm nghìn học sinh và phụ huynh trong suốt hơn 25 năm qua. Hàng chục chương trình giáo dục đa kênh của LLA ra đời nhằm giúp học sinh người Việt học tiếng Anh tốt hơn, nhanh hơn, sẵn sàng và tự tin viết nên câu chuyện của chính mình không chỉ tại Việt Nam mà bất cứ đâu trên toàn thế giới.

Hệ thống trung tâm Anh ngữ LLA đã có mặt tại 10 tỉnh thành trên toàn quốc và là đối tác lâu năm của Sở Giáo dục và Đào tạo Tp. Hà Nội trong gần 20 năm.

Để nhận tư vấn về gói nhượng quyền, vui lòng để lại thông tin tại đây hoặc gửi email tới địa chỉ franchise@languagelink.edu.vn, hotline 0989857371.