Bài học kiểm soát mâu thuẫn nội bộ của Meta

Mới đây, nội bộ “gã khổng lồ” Meta đã lục đục và trở nên hỗn loạn bởi những làn sóng phản ứng dữ dội liên quan đến cách công ty này xử lý mâu thuẫn về xung đột quan điểm trong cộng đồng nhân viên Ả Rập và Hồi giáo về vấn đề ở dải Gaza. Theo nhiều nguồn tin nội bộ, nhân sự ở các khu vực này công khai bày tỏ sự thất vọng sâu sắc với tập đoàn. Nhiều người trong số họ còn thẳng thắn chia sẻ rằng mình “phát ốm khi làm việc cho công ty này”. Từng là “nơi làm việc tuyệt vời nhất thế giới”, điều gì đã khiến cho Meta bị chính nhân viên của mình lên án công khai như vậy? Hãy cùng Language Link tìm hiểu trong bài viết hôm nay để rút ra được bài học về việc kiểm soát mâu thuẫn nội bộ quan trọng đến thế nào.

Toàn cảnh câu chuyện

Nguồn cơn mâu thuẫn

Cuối tháng 5 vừa qua, Meta đã tổ chức một sự kiện nội bộ tại thành phố New York (Mĩ) nhằm quảng bá cho một số câu lạc bộ dành cho nhân viên trong tập đoàn. Áp phích của sự kiện này được thiết kế nổi bật với hình ảnh các loại đá bào nhiều màu sắc và các món tráng miệng có hình dưa hấu nhằm nêu bật chủ đề mùa hè của sự kiện. Tuy nhiên, khi một câu lạc bộ dành cho nhân viên Hồi giáo đề xuất công ty chi 200 đô la tiền mua bánh nướng xốp dưa hấu để phục vụ tại sự kiện, ban quản lý Meta đã can thiệp và loại bỏ ý tưởng này, đồng thời yêu cầu nhóm chọn “đồ ngọt truyền thống của người Hồi giáo” và cấm họ sử dụng mọi hình ảnh hoặc màu sắc gợi nhớ về dưa hấu trong sự kiện.

Lí do được Meta đưa ra là đối với nhiều người, dưa hấu do có màu sắc giống với lá cờ Palestine nên nếu sử dụng trong thời điểm nhạy cảm (các cuộc xung đột giữa Palestine và Israel) thì sẽ mang đến rất nhiều rắc rối. Bất ngờ trước lời giải thích của Meta, các nhân viên Do Thái và Israel cảm thấy mình đang bị phân biệt đối xử và cho rằng đây là dấu hiệu của tư tưởng bài Do Thái. Bất chấp kiến nghị từ nhóm nhân viên này, Meta vẫn quả quyết rằng bánh nướng xốp dưa hấu đã “vi phạm chính sách của công ty về thảo luận các vấn đề chiến tranh, xung đột chính trị tại nơi làm việc” và không giải thích gì thêm về việc chính căng tin của trụ sở New York vẫn phục vụ những miếng dưa hấu tươi trong chính sự kiện đã nhắc tới và còn nhiều dịp khác nữa. Không thể phản kháng quyết định từ Meta, nhóm nhân viên người Hồi giáo đành đổi ý tưởng và mang tới một loại bánh nướng xốp khác.

Chuyên gia khoa học dữ liệu Saima Akhter – một trong những người đề xuất ý tưởng bánh nướng xốp dưa hấu – đã bày tỏ sự thất vọng của mình trên Instagram cá nhân và chỉ trích việc kiểm duyệt nội bộ quá mức này của Meta. Sau khi đăng tải những lời này, Akhter lập tức bị sa thải trong một đợt cắt giảm mà theo khảo sát phần lớn những nhân viên này đã từng công khai ủng hộ Palestine. Khi được hỏi về điều này, Meta đã từ chối bình luận. Tuy nhiên, một giám đốc tại Meta đã chia sẻ ẩn danh rằng quyết định này của công ty nhằm mục đích hạn chế sự leo thang của các cuộc thảo luận có chủ đề gây tranh cãi như chiến tranh, xung đột chính trị, tránh gây phiền nhiễu và duy trì năng suất cao tại nơi làm việc.

Những tưởng hành động này có thể giải quyết được vấn đề, Meta đã khiến cho phần lớn nhân viên cảm thấy bị kìm hãm họ trong việc thể hiện các quan điểm cá nhân, đồng thời cũng cản trở những nỗ lực giải quyết các vấn đề liên quan tới Palestine trên các nền tảng của Meta của họ. Đối với họ, việc sa thải kỹ sư máy học Ferras Hamad khi người này thực hiện kiểm tra thuật toán nhận diện, kiểm duyệt nội dung của Meta về Palestine chỉ càng làm trầm trọng thêm vấn đề. Cựu giám đốc điều hành Facebook, Jenn Louie, tin rằng không chỉ Meta mà hầu hết các công ty công nghệ đều quá tập trung vào việc giảm thiểu rủi ro về năng suất lao động mà quên mất phải hỗ trợ những cộng đồng nhân viên dễ bị tổn thương. Bà khẳng định việc giữ im lặng và bắt buộc im lặng chưa bao giờ là con đường hướng tới xây dựng hòa bình lâu dài cho bất kỳ tổ chức hay cộng đồng nào có mong muốn phát triển toàn diện và đa dạng.

Sự thất vọng tiếp tục dâng cao

Theo những nguồn tin nội bộ, đây không phải lần đầu nội bộ Meta xảy ra những mâu thuẫn liên quan tới quan điểm chính trị của nhân viên. Tình trạng bất ổn kéo dài ở Gaza trong nhiều năm qua khiến cho việc kiểm soát những cuộc thảo luận hay hành vi ủng hộ nhiều khi là quá khích đã khiến cho “gã khổng lồ” này phải đau đầu. Năm 2022, Meta đã bị Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) cáo buộc vì kiểm duyệt có hệ thống những nội dung ủng hộ Palestine. Một nhóm gồm hơn 200 nhân viên của Meta thậm chí đã cùng kí tên vào một lá thư gửi ban nhân sự yêu cầu công bằng cho những nội dung về Palestine. Tuy nhiên, Meta đã nhanh chóng can thiệp để “xử lí.”

Cũng trong năm này, Meta ban hành một chính sách nội bộ mang tên “Tiêu chuẩn tương tác cộng đồng” (Community Engagement Expectations, CEE) ghi rõ việc cấm thảo luận về các cuộc xung đột vũ trang hay các vấn đề chính trị trong công ty. Ngoài ra, nếu những cuộc thảo luận trong công ty gây ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu suất của nhân viên, những người khơi mào và tích cực tham gia sẽ bị khiển trách, thậm chí bị sa thải. Nhiều nhân viên tin rằng Meta ban hành CEE như một biện pháp mạnh tay nhằm ổn định tình hình trước những làn sóng bất ổn chính trị từ bên ngoài, tránh để công ty phải đương đầu với những rắc rối có liên quan các sự kiện chính trị, ví dụ như những cuộc biểu tình vì mạng sống của người da đen “Black Lives Matter” (tạm dịch: Mạng sống của người da đen cũng đáng giá) hay các cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2020. Việc ban bố CEE khiến cho nhân viên Meta càng thất vọng hơn. Một số họ còn nộp đơn khiếu nại lên Ủy ban Cơ hội Việc làm Bình đẳng (Equal Employment Opportunity Commission, EEOC) về sự can thiệp quá mức của CEE và chỉ trích việc thực thi chính sách không nhất quán của Meta khi xảy ra nhiều khác biệt trong cách xử lý các nội dung về Gaza và Israel. Nhiều người trong số họ còn đăng tải công khai yêu cầu của mình trên một trang web có địa chỉ metamates4ceasefire.com và các tài khoản @meta4employees trên Instagram, X (trước  là Twitter) và TikTok nhằm ép Meta phải có trách nhiệm giải trình đầy đủ.

Ảnh hưởng tới tinh thần nhân viên

Dễ dàng thấy được, trong câu chuyện này, đối tượng bị công kích nhiều nhất là nhóm nhân viên Ả Rập và Hồi giáo. Việc thiếu vắng “có chủ đích” các đại diện từ Palestine trong Tuần lễ Người tị nạn Thế giới (World Refugee Week, WRW) và sự thiên vị trong cách làm việc của Ban giám sát Meta đã để lại những chấn thương tâm lí cho nhóm nhân viên này. Việc công ty này kiên quyết không xóa các tài khoản giám sát chống thù hận như Canary Mission và StopAntisemitism bị các nhân viên cho rằng công ty đang nhắm vào những người ủng hộ Palestine. Bất chấp việc Meta đã tổ chức các cuộc họp nội bộ giữa nhân viên và các giám đốc điều hành, bao gồm cả Nick Clegg, tình hình vẫn chưa có những thay đổi đáng kể và còn có dấu hiệu leo thang khi đến gần các lễ kỷ niệm như Ngày tưởng niệm (thứ Hai cuối cùng mỗi tháng Năm) để tưởng nhớ những quân nhân Hoa Kỳ đã phục vụ các cuộc chiến và hy sinh.

Cựu giám đốc chính sách khu vực Trung Đông và Bắc Phi của Meta, Ashraf Zeitoon cho biết ông nhận thấy sự thất vọng đang ngày một trầm trọng hơn trong cộng đồng nhân viên Ả Rập. Ông cho rằng cần có nhiều biện pháp hỗ trợ hơn để những nhân viên mới được tuyển dụng có đủ thời gian để làm quen với sự kiểm soát của công ty, đồng thời công ty cũng cần có những thay đổi mang tính tích cực hơn nhằm hỗ trợ nhóm nhân viên này, tránh để những biện pháp mạnh tay vô tình khuếch đại và giải phóng những cảm xúc mà những nhân viên này đang muốn kìm nén.

Bài học rút ra

Câu chuyện về những chiếc bánh nướng xốp dưa hấu không phải là khởi nguồn cho mâu thuẫn trong Meta nhưng nó đã châm mồi cho đám tro vốn đã đang âm ỉ. Việc kiểm duyệt và hạn chế quá mức các cuộc thảo luận về các vấn đề nhạy cảm không chỉ kìm hãm quyền tự do ngôn luận của nhân viên Meta mà còn tạo ra sự bất mãn bên trong họ và thổi bùng những bất ổn nội bộ. Việc Meta cố gắng “đàn áp” ý kiến trái chiều không thể mang lại sự hòa hợp và thấu hiểu. Thay vào việc đẩy cho căng thẳng lên cao, việc cố gắng tạo ra một môi trường làm việc cho phép mọi người có thể tự do bày tỏ quan điểm và giải quyết các vấn đề với tinh thần hợp tác và xây dựng mới là con đường hướng tới sự đoàn kết, gắn bó và phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, việc đảm bảo sự nhất quán trong thực thi các chính sách cũng rất cần thiết, tránh tạo cảm giác thiên vị hay phân biệt đối xử. Hỗ trợ các nhân viên dễ bị tổn thương, thúc đẩy sự đa dạng về văn hoá và đề cao sự hòa nhập cùng triết lí cân bằng giữa đảm bảo năng suất với chăm sóc nhân viên là chìa khóa giúp các công ty phát triển ổn định và bền vững hơn. Ngoài ra, các công ty cũng nên nghiêm túc tiếp nhận và xem xét các phản hồi của nhân viên và cân nhắc hành động một cách hợp lí, đồng thời nỗ lực duy trì sự minh bạch cũng như thực hiện đầy đủ các trách nhiệm giải trình để xây dựng lòng tin và lòng trung thành trong nhân viên.

Giới thiệu gói nhượng quyền thương mại trung tâm Anh ngữ quốc tế Language Link Academic

Hệ thống nhượng quyền trung tâm Anh ngữ quốc tế của Language Link được thiết kế đặc biệt nhằm đáp ứng nhu cầu của các tổ chức và cá nhân có mong muốn đầu tư vào lĩnh vực giáo dục vẫn đang còn nhiều tiềm năng phát triển. Bên cạnh nguồn thu từ trung tâm tiếng Anh, một số nguồn thu bổ sung bao gồm:

  • Chia sẻ hoa hồng dịch vụ du học;
  • Bán giáo trình và các khóa học đào tạo giáo viên trực tuyến có bản quyền;
  • Các chương trình đào tạo ngoài trung tâm, tiếp cận đến các trường tiểu học và trung học.

Về thương hiệu Language Link Academic

Language Link Academic (LLA) được thành lập năm 1996 tại Hà Nội với tên gọi Language Link Việt Nam, trở thành một trong những đơn vị giáo dục tiếng Anh bản ngữ đầu tiên tại Việt Nam.

Áp dụng công nghệ giáo dục tiêu chuẩn châu Âu, LLA phát triển thành công chương trình đào tạo tiếng Anh hoàn hảo dành cho người Việt và đã sát cánh cùng hàng trăm nghìn học sinh và phụ huynh trong suốt hơn 25 năm qua. Hàng chục chương trình giáo dục đa kênh của LLA ra đời nhằm giúp học sinh người Việt học tiếng Anh tốt hơn, nhanh hơn, sẵn sàng và tự tin viết nên câu chuyện của chính mình không chỉ tại Việt Nam mà bất cứ đâu trên toàn thế giới.

Hệ thống trung tâm Anh ngữ LLA đã có mặt tại 10 tỉnh thành trên toàn quốc và là đối tác lâu năm của Sở Giáo dục và Đào tạo Tp. Hà Nội trong gần 20 năm.

Để nhận tư vấn về gói nhượng quyền, vui lòng để lại thông tin tại đây hoặc gửi email tới địa chỉ franchise@languagelink.edu.vn, hotline: 0989857371.